Xuất khẩu hạt điều vào EU: Cơ hội lớn, cạnh tranh cao

Chủ nhật - 22/05/2022 11:20
Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực đến nay, XK hạt điều sang thị trường châu Âu ghi nhận tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên, muốn duy trì, củng cố vị thế của hạt điều Việt Nam tại thị trường này, DN XK cần đầu tư đúng mức hơn nữa trong khâu nghiên cứu thị trường, đa dạng hoá sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu.
Hạt điều Việt Nam mặc dù thống trị tại thị trường châu Âu song mới chỉ ở dạng thô, rất ít sản phẩm chế biến
Theo Bộ Công Thương, năm 2021 EU là thị trường XK hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam với tỷ trọng XK chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Cụ thể, XK hạt điều sang EU đạt 135 nghìn tấn, trị giá 816 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 8% về trị giá so với năm 2020. “Châu Âu là thị trường có vai trò hết sức quan trọng với ngành điều Việt Nam kể cả trong giai đoạn Covid-19 vừa qua. Năm 2021, các quốc gia NK nhân điều nhiều nhất tại khu vực châu Âu gồm: Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Phần Lan, Bỉ…”, ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết.
Từ góc độ Hiệp hội Điều Việt Nam, ông Đặng Hoàng Giang đề xuất Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước EU phải cụ thể hoá hợp tác thông qua các FTA, điển hình là EVFTA, UKVFTA nhằm tạo thuận lợi hoá thương mại tối đa cho các DN ngành điều thông qua cam kết của FTA. Ông Giang cũng đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ thông tin về triển vọng, dự báo thị trường và xu hướng tiêu dùng tại thị trường châu Âu với sản phẩm hạt điều. Điều này cần sự tham gia hỗ trợ rất tích cực từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
4 tháng đầu năm 2022, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, XK hạt điều của Việt Nam đạt 153,35 nghìn tấn, trị giá 913,5 triệu USD, giảm 5,2% về lượng và giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Điểm đáng chú ý là, XK điều sang nhiều nước thuộc khu vực châu Âu đều ghi nhận tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước như: XK sang Anh đạt 25.339 nghìn USD, tăng 16,4%; XK sang Đức đạt 37.178 nghìn USD, tăng 12,9%; XK sang Italy đạt 20.954 nghìn USD, tăng tới hơn 110%...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thuế suất đối với hạt điều nhân và sản phẩm chế biến từ hạt điều NK vào EU từ Việt Nam đã giảm về 0% ngay sau EVFTA có hiệu lực (ngày 8/6/2021-PV). Đây là dấu mốc quan trọng, cơ hội lớn cho DN điều bởi trước khi EVFTA thực thi, thuế quan của mặt hàng hạt điều NK vào EU từ Việt Nam dao động 7 - 12%.
“Tại khu vực Tây Âu, hạt điều của Việt Nam được XK sang các nước: Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ… Trong đó, ngành điều đã khai thác tốt hai thị trường Hà Lan và Đức. Đây cũng là những đầu mối thương mại quan trọng đối với hạt điều NK để tái xuất. Đối với khu vực Đông Âu, hạt điều Việt Nam có mặt tại nhiều nước như: Nga, Ba Lan, Ukraine…”, bà Thuỷ thông tin thêm.
Ông Đặng Hoàng Giang phân tích: hiện nay, xu hướng tiêu dùng thực phẩm của thị trường châu Âu chú trọng các yếu tố với sản phẩm như: chú trọng sức khoẻ; sự tiện lợi và công nghệ; các protein thay thế (gốc thực vật); tính bền vững và giảm thiểu chất thải; tìm kiếm hương vị và trải nghiệm mới. Trong khi đó, hạt điều là một trong những sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, chỉ số đường huyết thấp có lợi cho sức khoẻ, đồng thời đây cũng là sản phẩm có nhiều hương vị, phù hợp với sở thích, được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.
“Với các FTA như EVFTA, FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, thuế NK hạt điều vào thị trường EU 27 nước và thị trường Vương quốc Anh đều bằng 0% là những yếu tố khá thuận lợi để thúc đẩy XK mặt hàng này trong thời gian tới”, ông Giang nhìn nhận.
Áp lực cạnh tranh
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, điểm đáng lưu ý trong XK hạt điều sang thị trường châu Âu là sản phẩm của Việt Nam đang bị cạnh tranh khá gay gắt. Hạt điều Việt Nam mặc dù thống trị tại thị trường song mới chỉ ở dạng thô, rất ít sản phẩm chế biến, nhất là sản phẩm rang tẩm gia vị theo khẩu vị của khách hàng.
Ông Vũ Anh Sơn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết: chuỗi cung ứng hạt điều tại Pháp thay đổi rõ rệt với sự suy giảm thị phần của Việt Nam, Ấn Độ và sự nổi lên của một số quốc gia khác, đặc biệt là Campuchia. Nhìn từ câu chuyện của mặt hàng gạo và đưa ra cảnh báo cho mặt hàng điều, ông Sơn nêu rõ: “Nếu như năm 2013 gần như chưa có sự xuất hiện của gạo Campuchia tại Pháp thì chỉ sau 5-7 năm quốc gia này trở thành nhà XK gạo lớn nhất vào Pháp và là nhà XK gạo rất lớn vào EU. Câu chuyện XK gạo của Campuchia cũng có thể lặp lại với XK điều”.
Vị này cũng đề cập tới vấn đề không loại trừ khả năng DN EU đầu tư vào khu vực châu Phi để đa dạng nguồn cung hạt điều, tránh phụ thuộc vào Việt Nam và các nước châu Á. EU, đặc biệt là Pháp có quan hệ rất đặc biệt với châu Phi; không những có vị trí địa lý và đường vận tải gần hơn Việt Nam mà châu Phi và Pháp có mối liên kết lịch sử.
Chỉ ra những khó khăn, tồn tại của ngành điều Việt Nam hiện nay, theo ông Đặng Hoàng Giang, năng lực sản xuất, chế biến sâu còn hạn chế, đặc biệt là điều rang tẩm hương vị theo thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu; đồng thời khâu marketing, nắm băt thị hiếu khách hàng còn yếu. “DN Việt cũng còn hạn chế trong năng lực quảng bá thương hiệu, truyền thông qua thương mại điện tử. Ở góc độ trồng trọt, hiện nay diện tích khó mở rộng, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, còn phải NK nhiều điều thô tại nước ngoài”, ông Đặng Hoàng Giang nói.
“Hạt điều, nhất là hạt điều tẩm gia vị được người tiêu dùng EU ngày một ưa chuộng hơn. Ngoài ra, hạt điều cũng là thành phần của nhiều loại thực phẩm lành mạnh và sản phẩm chức năng như: sữa hạt điều, sữa chua hạt điều… Sự đa dạng của các sản phẩm chế biến từ hạt điều cũng làm tăng nhu cầu về sản phẩm này tại thị trường EU. Bởi vậy, DN trong nước muốn giữ vững thị phần tại thị trường này cần có sự nghiên cứu, đầu tư phù hợp”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp nhận định
 

 

Nguồn tin: (Theo báo https://haiquanonline.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây