Về phía Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên có TS. Phan Việt Hà (Wasi) - Phó Viện trưởng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tham dự, cùng với nhóm nghiên cứu dự án (V-SCOPE) có Tiến sĩ Estelle Biénabe - Trưởng dự án V-SCOPE và các cán bộ thuộc nhóm nghiên cứu cùng tham dự. Về phía khách mời có đại diện lãnh đạo thuộc Sở Nông nghiệp &PTNT; Sở Công Thương và các sở ban ngành tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai; các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu; doanh nghiệp; công ty và các đối tác trong nước.
Toàn cảnh buổi họp sơ kết
Dự án “Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên” năm 2023 được triển khai từ tháng 2/2021 - 9/2024 tại 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, với sự tham gia của gần 300 nông hộ trồng cà phê và hồ tiêu.
Dự án hướng tới nâng cao sinh kế cho các nông hộ nhỏ và cộng đồng nông thôn; hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và giúp sản xuất bền vững; thúc đẩy chuỗi giá trị thị trường thực phẩm nông nghiệp toàn diện thông qua hợp tác với khu vực tư nhân và nông dân.
Từ khi triển khai đến nay dự án đã đạt được nhiều kết quả tốt như: xác định mức tưới 400L/cây/vụ phù hợp với các vườn cà phê độc canh. Một kết quả khác cũng cho thấy trong các thử nghiệm nông lâm kết hợp: cây cà phê được trồng dưới bóng cây ăn quả có mức tiêu thụ nước thấp hơn 20% -30% so với điều kiện độc canh vì bóng mát do cây ăn quả cung cấp tạo ra nhiệt độ mát hơn và duy trì độ ẩm không khí cao hơn, làm giảm thoát hơi nước ở cây cà phê. Do đó, yêu cầu tưới tiêu đã giảm trong điều kiện có bóng râm và giúp giảm ít nhất 40% lượng nước tươi mà không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến sinh lý hoặc việc sản xuất của cây cà phê. Những phát hiện quan trọng: Cải thiện tính chất đất cho cà phê và hồ tiêu là một hợp phần quan trọng của Dự án, vì vậy nhóm làm việc của hợp phần này đã phân tích dữ liệu thu thập được từ các địa điểm của Dự án về sâu bệnh hại từ đất (SBHTĐ). Các kết quả sơ bộ liên quan đến mức độ phổ biến và mức độ nghiêm trọng khác nhau của các bệnh do SBHTĐ cho thấy sự lây nhiễm Fusarium trên diện rộng và sự hiện diện của Phytophthora trong các đồn điền hồ tiêu. Nhóm nghiên cứu cũng đã hoàn thành nghiên cứu về đặc tính liên quan tới sức khỏe của đất và phát hiện ra rằng độ PH trong đất khi bón vôi cao hơn một chút so với khi bón than sinh học, trong khi Kali oxit (K2O) tăng đáng kể khi bón than sinh học. Kết quả về mật độ nấm đất và giun tròn cho thấy rằng bản thân việc bón vôi là không đủ để tác động đáng kể đến việc giảm SBHTĐ.
Điều tra và phân tích dữ liệu về sự hiện diện của nấm đất và giun tròn đã cho một số kết quả thú vị (i) Đã xác định được nguyên nhân gây bệnh ở rễ cây hồ tiêu, (ii) 3 loài nấm họ Phytophthora được xác định thông qua hình thái và giải trình tự DNA (kể cả trên lá non của cây tiêu đen). Mặt khác, về phân bón đầu vào, cân đối NPK chi tiết tại lô thử nghiệm cho thấy hiệu quả sử dụng NPK là thấp.
Về mặt đồng thiết kế các phương pháp thực hành hiệu quả và hệ thống canh tác tích hợp, nhóm đã phân loại 5 khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu tương ứng với các chiến lược thích ứng khác nhau: i) thích ứng gia tăng, ii) thích ứng mang tính hệ thống, iii) thích ứng mang tính chuyển đổi, iv) các khu vực tiềm năng v) khả năng phục hồi mang tính hệ thống.
Về cải thiện chuỗi giá trị, nhóm nghiên cứu đã quan sát thấy rằng nhìn chung nông dân thiếu hiểu biết một cách đúng đắn cũng như thiếu khả năng quản lý trang trại đối với các yêu cầu chất lượng thiết yếu, điều này ảnh hưởng lớn tới khả năng thương lượng của họ với môi giới trung gian.
Trong khi đó, kết quả đánh giá về lao động và hiệu quả kinh tế của hệ thống trồng trọt dựa vào cà phê và hồ tiêu tại Việt Nam - một nghiên cứu của dự án với mục tiêu cung cấp những hiểu biết có giá trị nhằm tối ưu hóa các biện pháp thực hành nông nghiệp và nâng cao hiệu suất và tính bền vững của các hệ thống canh tác dựa trên cà phê và hồ tiêu của các hộ nông dân sản xuất nhỏ - cho thấy có sự khác biệt đáng kể về tổng nhu cầu lao động.
Các đại biểu tham dự buổi họp đã có ý kiến phát biểu cũng như ý kiến góp ý cho dự án. Với mong muốn trong thời gian tới, dự án sẽ triển khai các hợp phần tiếp theo nhằm hỗ trợ tuyên truyền đến người nông dân về cải thiện sức khỏe cho đất. kiểm soát sâu bệnh, cách tưới tiêu, bón phân cũng như phương pháp canh tác bền vững nhằm nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị của cà phê và hồ tiêu khu vực Tây Nguyên Việt Nam.