Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Phòng 210, Nhà B, 54 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, kết hợp trực tuyến trên Zoom và livestream trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại phát biểu tại Hội nghị
Tham gia Hội nghị có Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Ông Vũ Bá Phú– Chủ trì Hội nghị; Ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục quản lý y dược cổ truyền; tham tán thương mại tại 60 thị trường nước ngoài, 26 Sở Công Thương, 7 Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 Trung tâm Xúc tiến Thương mại địa phương, 09 Chi cục Quản lý chất lượng nông sản, lâm sản; đại diện 03 Hiệp hội ngành hàng, các Liên minh Hợp tác xã, 20 doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô lớn, gần 300 đại biểu tham gia trực tiếp, trực tuyến và các cơ quan truyền thông báo chí...
Thông qua Hội nghị có sự tham gia chia sẻ của Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa kỳ; Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ; Bà Nguyễn Thị Điệp Hà – Phụ trách Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan; Phạm Khắc Tuyên – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc; Ông Nguyễn Hữu Quân – Phụ trách Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc; Ông Vũ Văn Cường – Phụ trách Thương vụ, Văn phòng Kinh tế, Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc – Trung Quốc; Bà Vũ Thị Thúy – Phụ trách Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông.
Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến, các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu đối với các sản phẩm hồi, quế và cây dược liệu; thảo luận đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu, yêu cầu xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu.
Trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế. Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc. Các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch. Bên cạnh đó, có thể kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu, sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ẩm thực sử dụng hương liệu tự nhiên, truyền thống, mang đậm bản sắc của các quốc gia.
Đến nay, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến quế và cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường các sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là lợi thế có thể giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm quế và cây dược liệu Việt Nam trong tương lai, không chỉ tạo nên thương hiệu mà còn đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quế và dược liệu quan trọng trên thị trường thế giới. Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu u - EU. Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển. Ngoài quế, hồi đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu khác như: thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu trong nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này thu hút được doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bộ Y tế cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Chương trình Hội nghị kỳ tháng 9/2023 bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện: Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế), tỉnh Yên Bái - là địa phương có nguồn cây gia vị và dược liệu phong phú, diện tích trồng lớn, trao đổi về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu ra các thị trường nước ngoài. Phiên 2 dành cho đại diện các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hồng Kông, Đài Bắc – những thị trường tiềm năng và có nhu cầu đáng kể về các sản phẩm quế, hồi, cây dược liệu thông tin cập nhật về tình hình thị trường; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam; đồng thời đưa ra những khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tại Hội nghị cập nhật tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa như sau: Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9 năm 2023 đạt 14,29 tỷ USD, giảm 21,6% (tương ứng giảm 3,94 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 8/2023. Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 9/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 8/2023 ở một số nhóm hàng sau: hàng dệt may giảm 696 triệu USD, tương ứng giảm 36,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 365 triệu USD, tương ứng giảm 12,6%; giày dép các loại giảm 302 triệu USD, tương ứng giảm 33,9%; sắt thép các loại giảm 293 triệu USD, tương ứng giảm 61,7%...Như vậy, tính đến hết 15/9/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 242.04 tỷ USD, giảm 8,8% tương ứng giảm 23,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số nhóm hàng giảm như: điện thoại các loại & linh kiện giảm 6,06 tỷ USD, tương ứng giảm 14,3%; hàng dệt may giảm 3,8 tỷ USD, tương ứng giảm 13,8%; giày dép các loại giảm 3,18 tỷ USD, tương ứng giảm 18,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 2,95 tỷ USD, tương ứng giảm 9,3%; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 2,66 tỷ USD, tương ứng giảm 22,8%;... so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 9/2023 đạt 10,59 tỷ USD, giảm 18,7% tương ứng giảm 2,44 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 8/2023. Tính đến hết ngày 15/9/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 176,99 tỷ USD, giảm 9,3%, tương ứng giảm 18,13 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu hàng hóa: Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2023 đạt 13,78 tỷ USD, giảm 6,5% (tương ứng giảm 621 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2023. Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 9/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 8/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: than các loại giảm 125 triệu USD, tương ứng giảm 40,4%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 112 triệu USD, giảm 6,1%...Như vậy, tính đến hết 15/9/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 222,05 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 39,38 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại & linh kiện giảm 9,2 tỷ USD, tương ứng giảm 62,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 3,98 tỷ USD, tương ứng giảm 12,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 1,96 tỷ USD; tương ứng giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 8,9 tỷ USD, giảm 6,5% (tương ứng giảm 621 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 9/2023. Tính đến hết ngày 15/9/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 143 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 26,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 64,4% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2023 (từ ngày 01/9 đến ngày 15/9/2023) đạt 28,07 tỷ USD, giảm 15,4% (tương ứng giảm 5,13 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 8/2023. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 9/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/9/2023 đạt 464,08 tỷ USD, giảm 11,9%, tương ứng giảm 62,82 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 320,01 tỷ USD, giảm 12,3% (tương ứng giảm 45,03 tỷ USD). Trong kỳ 1 tháng 9 năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 222 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư gần 20 tỷ USD.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2023 cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến, các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu đối với các mặt hàng và sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu; thảo luận đánh giá cơ hội, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất-nhập khẩu, yêu cầu xúc tiến thương mại từ đó hỗ trợ việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu thuận lợi hơn trong hội nhập quốc tế.