Tham dư Hội nghị có Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, chủ trì Hội nghị, Ông Hoàng Chí Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang và các tham tán thương mại tại thị trường nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại địa phương, Chi cục Quản lý chất lượng nông sản, lâm sản; đại diện Hiệp hội ngành hàng, các Liên minh Hợp tác xã, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô lớn, hơn 100 đại biểu tham gia trực tiếp, trực tuyến và các cơ quan truyền thông báo chí...
Với hơn 5,000km đường biên giới chia sẻ với Trung Quốc, Lào và Campuchia, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á - khu vực đang được đánh giá cao bởi sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng về hoạt động thương mại, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế, điều kiện chiến lược để kỳ vọng vươn lên trở thành trung tâm giao thương trong khu vực, trở thành cửa ngõ kết nối thương mại quan trọng giữa các quốc gia láng giềng nói chung và các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng với các nền kinh tế phát triển trên thế giới. Lợi thế thương mại biên giới của Việt Nam không chỉ ở vị trí địa lý chiến lược mà còn là kết quả của sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm cả cảng biển, đường sắt và đường bộ, các chính sách thương mại mở cửa, quy trình thủ tục, sức hấp dẫn từ nguồn lao động...qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang 3 thị trường Trung Quốc, Lào và Campuchia đạt 50,38 tỷ USD, tăng 52,2% so với năm 2022, chiếm 27,68% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với 3 thị trường; kim ngạch XNK qua các cửa khẩu biên giới đất liền 2 tháng đầu năm 2024 là 8,44 tỷ, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 28,88% trong tổng kim ngạch XNK song phương với 3 thị trường.
Chương trình Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1: Đánh giá hoạt động xúc tiến thương mại khu vực biên giới về thực trạng, thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy thương mại biên giới; Thực trạng hoạt động thương mại biên giới của Việt Nam với các nước và định hướng các giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy thương mại biên giới trong thời gian tới; Hoạt động logistics nhằm thúc đẩy thương mại biên giới; Thuận lợi, khó khăn và đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại thúc đẩy thương mại biên giới; Phiên 2 thông tin cập nhật về chính sách, khuyến nghị của Thương vụ về hoạt động xúc tiến thương mại khu vực biên giới về chính sách của các nước, khuyến nghị đối với hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy thương mại biên giới.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Xúc tiến thương mại thúc đẩy thương mại biên giới” đã giúp doanh nghiệp tập trung trao đổi, cập nhật thông tin thị trường, cơ hội xúc tiến thương mại qua biên giới cũng như trao đổi về các thông tin, tiềm năng thúc đẩy thương mại biên giới của đại diện các địa phương có cửa khẩu biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và các kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của các địa phương, doanh nghiệp qua biên giới, từ đó đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại biên giới.