Tại Hội nghị có ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố, các Thương vụ tại thị trường nước ngoài và đông đảo doanh nghiệp trong nước cùng tham dự.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước quý I năm 2022 nằm trong chuỗi các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước năm 2022 do Cục Xúc tiến thương mại là đầu mối tổ chức hàng quý giữa các Thương vụ với các đơn vị của Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp nhằm cập nhật yêu cầu xúc tiến xuất khẩu và kết nối của các hiệp hội ngành hàng, các sản phẩm chủ lực với các Thương vụ trên từng khu vực thị trường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị đồng chí Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng việc tổ chức định kỳ hàng quý Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước sẽ tạo cơ hội cho các hiệp hội ngành hàng trao đổi về khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng các địa phương, hiệp hội, và doanh nghiệp cùng tìm ra những biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả.
Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga
Tại Hội nghị Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga và ông Hoàng Đình Chại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine cũng đã chia sẻ tình hình một số thị trường trong Liên minh kinh tế Á-Âu và các vấn đề liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Liên minh kinh tế Á-Âu. Từ đó ông Hoàng Đình Chại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine cũng đưa ra những nhận định, đánh giá các lĩnh vực hấp dẫn cho các Doanh nghiệp tại Ucraina sau khi kết thúc xung đột Nga – Ucraina đó là: Các dịch vụ kinh doanh phế liệu, quản lý, thu gom và tái chế rác thải; Xây dựng và vật liệu xây dựng; Nông sản thực phẩm; Hàng gia dụng; Thị trường lao động…Đồng thời cũng đưa ra những cảnh báo tới các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với Ucraina trong thời điểm hiện nay phải tập trung lưu ý 3 vấn đề: vận chuyển, thanh toán và bảo hiểm.
Ông Hoàng Đình Chại, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine chia sẻ tại Hội nghị
Hội nghị cũng đã được nghe trao đổi về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của: Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt; Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký, Hiệp hội Thép Việt Nam; Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ Tiêu Việt Nam
Báo cáo tình hình, kế hoạch xúc tiến thương mại của Việt Nam với các thị trường nước ngoài, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết trong thời gian tới các hoạt động xúc tiến xuất khẩu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến chủ yếu tập trung vào: Tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế ở nước ngoài (25 đề án); tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế tại Việt Nam đối với sản phẩm xuất khẩu (6 đề án); Tổ chức đoàn giao dịch thương mại ở nước ngoài (13 đề án); Hội nghị quốc tế ngành hàng và mời đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch để mua hàng (7 đề án); Tổ chức tuyên truyền, quảng bá ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của Việt Nam ở nước ngoài (5 đề án),...
Trong đó, để triển khai “Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022- 2025” trong thời gian tới Cục XTTM sẽ thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ: (1) Nghiên cứu thực trạng hoạt động hỗ trợ và khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể có liên quan;(2) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài; (3) Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài; (4) Xây dựng, phát hành và đăng tải các tài liệu, ấn phẩm hướng dẫn dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu và chủ sở hữu, quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý; (5) Đẩy mạnh tư vấn trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài gắn với sản phẩm xuất khẩu; (6)- Thí điểm hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường nước ngoài trọng điểm.