Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025 của Bộ Công Thương: Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, hướng tới Chính phủ số

Thứ hai - 16/05/2022 05:12
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký Quyết định 823/QĐ/BCT ban hành Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025.
Từ vị trí cuối bảng xếp hạng, Bộ Công Thương vươn lên nhóm dẫn đầu
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến rất tích cực so với giai đoạn 2010-2015 và đạt được những kết quả nhất định về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của đơn vị trực thuộc Bộ.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Trung ương, qua các năm, từ vị trí cuối bảng xếp hạng trong các bộ ngành, Bộ Công Thương đã vươn lên nhóm dẫn đầu.
Cụ thể, năm 2017, Bộ Công Thương ở vị trí 17/19, năm 2018 đã vươn lên vị trí thứ 2/19 và 2/17 vào năm 2019 và năm 2020 xếp hạng thứ 6/18.
Một trong những điểm nhấn cho thấy, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn luôn hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ giao về xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử như trong Quyết định số 1819/QĐ-TTg về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Theo Bộ Công Thương, 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ được tích hợp lên cơ chế một cửa Quốc gia
Cụ thể, từ năm 2016 trở lại đây, Bộ Công Thương đã định hướng, triển khai được các ứng dụng nội bộ dùng chung cho các đơn vị trực thuộc Bộ (như ứng dụng thư điện tử, ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin điều hành tác nghiệp nội bộ...), đạt được hiệu quả rất tích cực (100% cán bộ có tài khoản thư điện tử của đơn vị và sử dụng thành thạo; 100% đơn vị sử dụng ứng dụng quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin điều hành tác nghiệp nội bộ); ...
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ theo định hướng của Chính phủ và các Bộ ngành chức năng (Cổng Dịch vụ công, Cơ chế một cửa quốc gia, Một cửa điện tử của Bộ...).
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau nhiều năm triển khai thực hiện, Bộ Công Thương cũng rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, những ưu điểm cần được phát huy, những hạn chế, thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số toàn diện hướng tới Chính phủ số
Nhằm đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, tại Chương trình Chuyển đổi số lần này, Bộ Công Thương chú trọng việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số một cách tổng thể, toàn diện đối với mỗi đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cách thức làm việc dựa trên công nghệ số, hướng tới Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình nhằm nâng cấp, vận hành Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng đảm bảo kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử qua tất cả các cấp chính quyền của Bộ và kết nối trục liên thông văn bản quốc gia; Tỷ lệ văn bản trao đổi, hồ sơ công việc tái cấp Bộ Công Thương được xử lý trên môi trường mạng đạt 100% đối với các nội dung không mật.
Bên cạnh đó, khai thác sử dụng triệt để hộp thư điện tử được cấp, các phần mềm chuyên ngành phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ; sử dụng hiệu quả mạng Internet để khai thác thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn; xây dựng, khai thác dịch vụ nền tảng để đăng nhập các hệ thống thông tin theo cơ chế đăng nhập một lần (SSO-Single Sign On)...
Chương trình cũng đặt mục tiêu hoàn thiện Cổng Dịch vụ Công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ Công quốc gia, cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan.
Ngoài ra, Chương trình cũng đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được xác thực điện tử;
100% dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu được tích hợp lên cơ chế một cửa Quốc gia; Hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp của Bộ Công Thương với Hệ thống của Chính phủ, đảm bảo tiếp nhận 100% thông tin phản ánh của người dân và chuyển cho các đơn vị liên quan giải quyết.
Công bố 100% thông tin phản hồi đảm bảo người dân, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin một cách chính xác và kịp thời...
Hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm an toàn thông tin
Để thực hiện các nhiệm vụ kể trên, Bộ Công Thương cũng đưa ra lộ trình thực hiện với từng nhiệm vụ cụ thể, gồm hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển các hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu, phát triển các ứng dụng dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin và phát triển nguồn nhân lực.
Đi kèm với từng nhiệm vụ là những giải pháp cụ thể trong đó có việc nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân; Phát triển mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp; Tăng cường hợp tác quốc tế...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng giao từng nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ để triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ yêu cầu phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả; kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, góp phần hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, yêu cầu đặt ra là cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột, xây dựng chiến lược, cơ cấu tổ chức thông minh, nhà máy thông minh, vận hành thông minh để tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động.

 

Nguồn tin: (Theo congthuong.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây