Năng lượng xanh và dự án điện mặt trời tỉnh Đắk Lắk

Thứ tư - 15/11/2017 19:56
Đồng chí Phạm Thái - Giám đốc Sở Công Thương
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; Đắk Lắk sẽ tập trung phát triển năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao,... Đây vừa là những ngành thế mạnh của tỉnh vừa là xu hướng của cả nước cũng như nhiều nước trên thế giới đã và đang lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế bền vững. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi mang đến cho Đắk Lắk một nguồn năng lượng tái tạo dồi dào từ thủy điện, sinh khối, sức gió và đặc biệt bức xạ mặt trời.
            Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; Đắk Lắk sẽ tập trung phát triển năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao,... Đây vừa là những ngành thế mạnh của tỉnh vừa là xu hướng của cả nước cũng như nhiều nước trên thế giới đã và đang lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế bền vững. Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi mang đến cho Đắk Lắk một nguồn năng lượng tái tạo dồi dào từ thủy điện, sinh khối, sức gió và đặc biệt bức xạ mặt trời. Tiềm năng phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đó là:
           - Về tiềm năng điện gió: Theo tính toán của Đơn vị tư vấn về lập Quy hoạch điện gió tỉnh Đắk Lắk, tiềm năng phát triển điện gió Đắk Lắk với vận tốc gió trên 6m/s tổng công suất dự kiến khoảng 1.400 MW. Các khu vực có tiềm năng gió ở các huyện EaH’leo, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đón nhận 6 nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát đo gió để lập dự án điện gió. Kết quả khảo sát cho thấy: vận tốc gió trung bình tại khu vực huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk từ 6,5-7,5m/giây/năm. Hiện nay, dự án Trang trại Phong điện Tây Nguyên, giai đoạn 1 công suất 28 MW đang triển khai thi công các hạng mục công trình như nhà điều hành, trạm biến áp 110kV, quan trắc địa chất tại vị trí lắp đặt trụ tuabin gió, dự kiến tháng 6/2018 đưa vào vận hành phát điện; Công ty TNHH đầu tư Egeres -Singapore đang triển khai thi công lắp đặt 04 cột đo gió để khảo sát, lập dự án điện gió với công suất dự kiến 400MW.
           - Về tiềm năng lượng sinh khối (biomass)
Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, nguồn năng lượng sinh khối rất dồi dào từ phụ phẩm trong nông nghiệp: năng lượng sinh khối từ bã mía khoảng 7,8 triệu tấn, từ cuồng sắn khoảng 2,49 triệu tấn và rác thải đô thị. Trong đề án lập Quy hoạch năng lượng sinh khối tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi quy hoạch 08 nhà máy năng lượng sinh khối với tổng công suất khoảng 120MW để kết hợp vừa sản xuất đường tinh luyện, sản xuất tinh bột sắn, xử lý rác thải với đồng phát điện, xử lý ô nhiễm môi trường.
             - Về tiềm năng thủy điện của tỉnh Đắk Lắk đã được khai thác đáng kể. Hiện nay, Đắk Lắk có 24 Nhà máy thủy điện đang vận hành, phát điện thương mại với tổng công suất lắp đặt trên 958 MW. Hàng năm đóng góp cho hệ thống điện quốc gia từ 3,5 đến 4 tỷ KWh/năm.
- Đặc biệt, Về tiềm năng điện mặt trời: Căn cứ tài liệu khảo sát về bức xạ mặt trời và bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời Việt Nam do Cơ quan Năng lượng Việt Nam và Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha (AECID) tổ chức đánh giá  tỉnh Đắk Lắk nằm trong khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời rất lớn khoảng 95GWh/năm, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5kWh/m2/ngày. Các khu vực có tiềm năng điện mặt trời tập trung ở khu vực thuộc các huyện như: Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea H’Leo…
Đến thời điểm này, Đắk Lắk có 32 nhà đầu tư quan tâm đến đăng ký, nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất dự án với tổng công suất trên 14.000MW. Xét năng lực tài chính, kinh nghiệm của Nhà đầu tư, ban đầu UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận cho 15 Nhà đầu tư triển khai khảo sát, lập dự án điện mặt trời; trong đó 04 dự án công suất trên 50MW đang trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, 06 dự án công suất từ 50MW trở xuống đang trình Bộ Công Thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk, các dự án khác đang hoàn thiện hồ sơ.
          Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai lập quy hoạch điện mặt trời giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Về định hướng quy hoạch: tại các khu vực có tiềm bức xạ, các khu vực đất đai cằn cỗi, trồng trọt không mang lại hiệu quả kinh tế; các hồ thủy lợi, thủy điện. Chúng tôi xem xét đưa vào quy hoạch điện mặt trời để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh.
         - Về quy hoạch phát triển lưới điện truyền tải tỉnh Đắk Lắk để đấu nối, truyền tải công suất các dự án điện mặt trời: Ngày 16/10/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3946/QĐ-BCT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 - Hợp phần, quy hoạch hệ thống điện 110kV. Mục tiêu phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đảm bảo cung cấp điện an toàn tin cậy và xác định phương án đấu nối các nhà máy điện của Tỉnh vào hệ thống điện quốc gia đảm bảo khai thác hợp lý và ổn định hệ thống điện trong khu vực. Trong đó:
          Giai đoạn đến năm 2020, quy hoạch các nguồn điện tỉnh Đắk Lắk gồm: xây dựng mới 01 Trạm biến áp 500kV Ea Súp với cấp điện áp 500/220/110kV, 01 trạm biến áp 220kV Krông Ana; 09 trạm biến áp 110kV, 16 đường dây truyền tải điện 110kV; cải tạo nâng công suất 05 trạm biến áp; cải tạo nâng tiết diện 05 đường dây 110kV; Giai đoạn 2021-2025: Quy hoạch 01 trạm biến áp 500kV Cư M’Gar với cấp điện áp 500/220/110kV; xây dựng mới 02 trạm biến áp 110kV; cải tạo xây dựng mới 3 đường dây 110kV. Với định hướng quy hoạch lưới điện đã được Bộ Công thương phê duyệt, Công suất từ các điện mặt trời trên địa bàn tỉnh sẽ đấu nối truyền tải lên các đường dây truyền tải điện 110kV, 220kV, 500kV để cung cấp điện cho tỉnh và cung cấp điện cho miền Nam đang thiếu điện.
          Tiềm năng, thế mạnh phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh tỉnh Đắk Lắk còn rất nhiều như phát triển điện mặt trời trên mặt đất và trên mặt nước các công trình thủy điện (17 hồ thủy điện), công trình thủy lợi (600 hồ chứa thủy lợi chưa được khai thác); tiềm năng điện gió còn khoảng 1.000MW, năng lượng sinh khối chưa được khai thác, sử dụng. Để khơi dậy, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững của tỉnh. Đắk Lắk rất cần nguồn lực đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đắk Lắk sẽ đồng hành với nhà đầu tư từ lúc khảo sát, lập dự án, triển khai xây dựng và đến khi dự án đưa vào vận hành.
Đầu tư năng lượng tái tạo tác động đến nền kinh tế tuần hoàn và cộng sinh công nghiệp đem lại hiệu quả về nguồn lực, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và giải quyết các hình thức, thích ứng khả năng chống chịu để phát triển hài hòa, lấy mục tiêu giá trị bền vững là điều kiện lựa chọn dự án đầu tư phù hợp. Vì vậy, Đắk Lắk xác định đây là thế mạnh để thu hút phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong đó có dự án năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk góp phần tăng trưởng xanh.

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 4 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây