Đắk Lắk: Nỗ lực không ngừng nâng tầm giá trị hạt cà phê trên địa bàn tỉnh

Thứ năm - 05/10/2023 20:29
Nhắc đến Đắk Lắk, ai cũng biết đây là nơi được mệnh danh thủ phủ cà phê của Việt Nam. Với  diện tích 210.000 hecta, hàng năm Đắk Lắk thu hoạch đạt hơn 520.000 tấn cà phê, chiếm trên hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đắk Lắk đạt 1,586 tỷ USD, trong đó riêng cà phê đạt hơn 819 triệu USD, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Với thế mạnh đó, ngành công thương Đắk Lắk cùng các sở ngành không ngừng nỗ lực nâng tầm giá trị cà phê Đắk Lắk.
Đắk Lắk: Nỗ lực không ngừng nâng tầm giá trị hạt cà phê trên địa bàn tỉnh
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp cà phê Đắk Lắk đã được hỗ trợ nhiều từ Ngành Công Thương Đắk Lắk để nâng cao giá trị hạt cà phê, từ xuất khẩu hạt nhân thô đến xuất khẩu cà phê chế biến. Để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cà phê chế biến, ngành công thương Đắk Lắk cũng tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển kênh tiêu thụ. Trước đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê ở tỉnh Đắk Lắk vẫn chỉ sản xuất cà phê nhân thô, không qua chế biến, dẫn đến giá trị sản phẩm thấp và khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngành Công Thương Đắk Lắk đã hỗ trợ các doanh nghiệp có chế biến cà phê bằng cách cung cấp các kỹ thuật công nghệ và đầu tư vào trang thiết bị hiện đại để cải thiện chất lượng sản phẩm. Thông qua hoạt động của mình, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk là đơn vị có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho ngành công nghiệp cà phê Đắk Lắk nâng cao giá trị sản phẩm.
Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê bột, tại xã Cư Né, huyện Krông Búk” là một cú hích lớn cho Công ty Cổ Phần Coffee Group Ea H’leo phát triển. Nếu như trước đây Công ty chỉ mới thu mua và xuất bán cà phê nhân xô, thì từ năm 2020, sau khi nhận được Đề án, Công ty đã có điều kiện đổi mới trang thiết bị sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí đầu tư. Tổng kinh phí đầu tư đề án là 500 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ là 200 triệu đồng. Hệ thống máy móc thiết bị được chế tạo theo công nghệ mới với các chỉ tiêu kỹ thuật tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhằm tăng công suất chế biến, thay thế sức lao động, giảm giá thành sản phẩm.
119940109 249126229727989 321000101549596131 n
Hỗ trợ ứng dụng MMTB tiên tiến trong chế biến cà ohee bột tại huyện Krông Buk
Trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ 13 đề án khuyến công về việc ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê theo Nghị quyết 154 của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày 10/7/2015 với tổng kinh phí thực hiện hơn 4 tỷ 919 triệu đồng. Trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 1 tỷ 690 triệu đồng; Và trong giai đoạn 2021-2025, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp cà phê Đắk Lắk, đến nay đã có 5 đề án khuyến công về việc ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê với tổng kinh phí thực hiện: 1 tỷ 861 triệu đồng. Trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương là 675 triệu đồng. Với sự hỗ trợ của Trung tâm, nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã được áp dụng các công nghệ hiện đại và tiên tiến để cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường năng suất sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cà phê, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và đưa sản phẩm của Đắk Lắk khai thác tối đa tiềm năng vào các kênh tiêu thụ trên thị trường quốc tế.
1

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn nhưng ngành cà phê Đắk Lắk đã có sự chuyển dịch lớn cả về diện tích, năng suất và cách tổ chức sản xuất, đã từng bước gia tăng giá trị sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường. Cà phê Đắk Lắk đang tìm được chỗ đứng ở phân khúc cao trên thị trường thế giới, với những sản phẩm cà phê khác biệt, cà phê đặc sản Robusta… Người nông dân cũng đã hiểu và ứng dụng thực hiện phương thức canh tác, chăm sóc cây cà phê theo các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest, Fairtrade… để nâng được chất lượng cũng như sản lượng của cà phê Đắk Lắk. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 39 tổ hợp tác và 53 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cà phê được thành lập. Trong đó, có khoảng 31 hợp tác xã cà phê có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp và 5 hợp tác xã có sản phẩm được chứng nhận OCOP. Các hợp tác xã sản xuất cà phê hiện nay hoạt động mang lại hiệu quả khá cao, phù hợp với điều kiện sản xuất cà phê của tỉnh Đắk Lắk và là xu hướng phát triển tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế nhằm liên kết các hộ nông dân trồng cà phê và tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững có chứng nhận, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp… góp phần tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị kinh tế cao trên thị trường.
5 hinh anh cay ca phe chin inkythuatso 28 10 06 10
Trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, ngành công thương Đắk Lắk đã không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư nhằm phát triển hoạt động giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như nước ngoài. Theo đó, ngành công thương đã vận động, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực cà phê trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa, kết nối cung cầu song phương, đa phương tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức những phiên chợ hàng Việt về miền núi, tạo cầu nối cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ doanh nghiệp mang những sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài…
Những năm qua ngành công thương Đắk Lắk cũng đã khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tham gia các Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Qua đó, các cơ sở, doanh nghiệp cũng đã hiểu và thực hiện việc đầu tư nâng cho chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì ấn tượng, phong phú. Và khi được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, thì tất cả các cơ sở có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp đều được Sở công thương thông qua các hoạt động để quảng bá thông tin, được hỗ trợ in ấn phẩm quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp của tỉnh; các cơ sở nổi bật về mô hình được lựa chọn để thực hiện phóng sự trên trang truyền hình công thương của Đài phát thanh và truyền hình Đắk Lắk hoặc được hỗ trợ quảng bá trên báo Đắk Lắk; được ưu tiên lựa chọn mời tham gia các chương trình kết nối giao thương giữa các vùng miền, các tỉnh tổ chức hoặc các chương trình xúc tiến thương mại của ngành tổ chức trong và ngoài nước… 
Trong năm 2022, Ngành Công Thương và những đơn vị liên quan đã tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia 22 chương trình hội chợ, hội nghị kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố lớn như: Vĩnh Long, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, với 171 đơn vị là đại diện các sở, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh, các nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp chế biến, cung ứng, thu mua, xuất nhập khẩu trong nước tham gia… Thông qua các hoạt động xúc tiến, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng dù có sản lượng cao nhưng giá trị cà phê Đắk Lắk vẫn chưa đạt được đúng tiềm năng của loại sản phẩm đặc trưng này. Vì vậy, ngành sản xuất cà phê tại Đắk Lắk cần phải tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm đồng thời đảm bảo tăng trưởng bền vững.  Để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê Đắk Lắk, cần có nhiều giải pháp như đầu tư vào các công nghệ tiên tiến để cải thiện quy trình chế biến sản phẩm, nâng cao chất lượng hạt cà phê và mở rộng thị trường xuất khẩu. Năm 2023, để gia tăng kim ngạch và sản lượng xuất khẩu cà phê, ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk cập nhật thông tin thường xuyên từ hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước để nắm bắt những thay đổi trong quy định kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu của các quốc gia để chuyển tải đến doanh nghiệp. Tỉnh tích cực chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và phát triển thêm các thị trường mới.
Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 250 cơ sở, doanh nghiệp chế biến cà phê, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế biến theo phương pháp chế biến khô. Do đó, quá trình xây dựng thương hiệu cũng đứng trước nhiều thách thức. Nhất là việc nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, năng lực, công nghệ, nhân lực của doanh nghiệp, cơ sở chế biến. Để có sự thay đổi từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang mô hình sản xuất, chế biến đòi hỏi chiến lược, sự đầu tư bài bản hơn và làm thương mại cho sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh. Để làm được điều đó, bản thân mỗi cơ sở, doanh nghiệp cần thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đầu tư dây chuyền công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là phát triển thương hiệu để tiếp cận thị trường thế giới, từng bước nâng tầm vị thế hạt cà phê Đắk Lắk trên trường quốc tế./.

Tác giả: Mai Thanh - TTKC:

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây