Bộ Công Thương ban hành Quyết định về công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương.

Chủ nhật - 29/03/2020 04:53

Bộ Công Thương ban hành Quyết định về công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương.

Ngày 16 tháng 03 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 842/QĐ-BCT về việc ban hành Quy định công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương.

Theo đó, Cục Công Thương địa phương được giao làm đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan công nhận, quản lý, giám sát, đánh giá hoạt động của mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương.   
Theo Quy định công nhân thì hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công thương được thực hiện trong 15 lĩnh vực, bao gồm: an toàn thực phẩm; mặt hàng rượu; mặt hàng thuốc lá; mặt hàng khí; hoạt động tham gia chuỗi phân phối sản phẩm ngoài nước; tư vấn về đầu tư các loại nguồn điện; hoạt động khuyến công; hoạt động cụm công nghiệp; cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; hỗ trợ tư vấn đầu tư, phát triển lĩnh vực hóa chất; hỗ trợ xuất khẩu; xúc tiến đầu tư phát triển; ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại; công nghiệp; phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương yêu cầu cá nhân tư vấn phải là công dân Việt Nam, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có phẩm chất đạo đức tốt, không đang trong tình trạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực hành nghề tư vấn.
Cùng với đó, tư vấn viên phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo; hoặc tốt nghiệp đại học trở lên và có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm đối với các lĩnh vực khác đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 1 năm làm quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Trường hợp, cá nhân tư vấn là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Đáp ứng các quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5, Điều 3, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Đối với tổ chức tư vấn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phải được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Mặt khác, có chức năng tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định; có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo pháp luật chuyên ngành và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Công Thương cũng lưu ý các tổ chức này phải có trụ sở và phương tiện làm việc và ít nhất 2 cá nhân tư vấn đáp ứng yêu cầu, ký hợp đồng dài hạn hoặc không xác định kỳ hạn. Đã hoặc đang thực hiện tối thiểu 10 hợp đồng tư vấn cho doanh nghiệp… Ngoài các tiêu chí chung nên trên, Bộ Công Thương cũng đưa ra tiêu chí chuyên biệt đối với lĩnh vực tư vấn ngành công thương.
Cụ thể, với lĩnh vực an toàn thực phẩm, các cá nhân tư vấn phải có bằng cấp, chuyên môn phù hợp hoặc có chứng chỉ đã tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về an toàn thực phẩm; hiểu biết về hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung.
Đối với tổ chức tư vấn, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ an toàn thực phẩm; cung cấp thông tin về hệ thống pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm (lưu thông, phân phối, xuất nhập khẩu.) và các dịch vụ khác về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Về hoạt động tham gia chuỗi phân phối sản phẩm ngoài nước, Bộ Công Thương quy định cá nhân tư vấn phải am hiểu luật thương mại, kinh doanh quốc tế; phong tục tập quán, quy định của nước sở tại đối với sản phẩm tư vấn.
Đặc biệt là tại các thị trường có những yêu cầu, quy định riêng về bao bì, dán nhãn, hoặc thị trường các quốc gia Hồi giáo quy định về chứng nhận Halal.
Hơn nữa, phải am hiểu về quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với đối tác tư vấn, các thỏa thuận, điều ước quốc tế, các cơ chế về hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam với đối tác tư vấn để giúp doanh nghiệp tận dụng được các ưu đãi, mở rộng thị trường phân phối sản phẩm.
Mặt khác, có kinh nghiệm nghiên cứu thị trường, hiểu biết về hệ thống phân phối sản phẩm tại một hoặc nhiều thị trường ngoài nước cụ thể; thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng của một hoặc nhiều thị trường nước ngoài; chính sách, pháp luật về công nghiệp, thương mại, rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thương nhân trong và ngoài nước (một hoặc nhiều thị trường ngoài nước cụ thể).
Ngoài ra, có kinh nghiệm tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường ngoài nước cũng như kinh nghiệm hướng dẫn hoạt động thương mại của các thương nhân Việt Nam ở nước ngoài; trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn chung…
Hồ sơ đăng ký vào mạng lưới tư vấn viên ngành công thương Thực hiện theo quy định tại Điểm b và Điểm c, Khoản 4, Điều 13 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới tư vấn viên ngành công thương của các cá nhân, tổ chức nộp trực tiếp đến Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, theo địa chỉ số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc nộp trực tuyến tại địa chỉ website: www.arit.gov.vn.

 

File đính kèm

Tác giả: Mai Thanh - TTKC

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây