Dầu duy trì ổn định
Giá dầu cuối phiên ổn định sau khi rời mức cao nhất nhiều năm đạt được trong đầu phiên giao dịch ngày 15/5, được hậu thuẫn bởi lo ngại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran có khả năng hạn chế xuất khẩu dầu thô từ một trong những nước sản xuất lớn nhất tại Trung Đông.
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 20 cent tương đương 0,3% lên 78,23 USD/thùng, trong phiên có lúc tăng 1,24 USD lên 79,47 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn đóng cửa tăng 35 cent tương đương 0,5% lên 71,31 USD/thùng, không xa so với mức cao 71,92 USD/thùng trong ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Viện dầu mỏ Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô tăng gần 5 triệu thùng so với dự kiến của các nhà phân tích giảm 763.000 thùng. Sự chênh lệch giữa 2 loại dầu Brent và WTI lên tới hơn 8 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015, do nguồn cung dầu thô Mỹ tăng và rủi ro địa chính trị ảnh hưởng đến sản lượng dầu Brent.
Trong năm 2017, giá dầu thế giới đã tăng hơn 70% do nhu cầu tăng mạnh, trong khi sản lượng bị hạn chế bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, dẫn đầu bởi Saudi Arabia và các nước sản xuất khác bao gồm Nga. Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran về chương trình hạt nhân, gia tăng lo ngại rằng thị trường sẽ đối mặt với sự thiếu hụt vào cuối năm nay khi hạn chế thương mại có hiệu lực. Iran sẽ khởi động lại việc làm giàu uranium nếu nước này không tìm cách cứu thỏa thuận hạt nhân với EU sau khi Mỹ rút lui vào tuần trước, người phát ngôn chính phủ Tehran cho biết.
Sự gia tăng giá dầu bị hạn chế sau khi báo cáo đầu tư và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 4 thấp hơn so với dự kiến và doanh số bán nhà ở giảm, khiến triển vọng kinh tế của nước này suy giảm ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách điều chỉnh rủi ro nợ và giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ.
Ngoài ra thị trường thoái lui do đồng USD tăng mạnh mẽ so với các đồng tiền khác lên mức cao nhất kể từ tháng 12. Khi đồng USD tăng mạnh mẽ, các nhà đầu tư có thể rút khỏi các hàng hóa định giá bằng đồng USD như dầu.
Tuy nhiên thị trường vẫn được hậu thuẫn từ OPEC và các nước sản xuất khác cắt giảm sản lượng và các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. OPEC đưa ra con số ngày thứ hai (14/5) cho thấy rằng, dự trữ dầu tại các quốc gia công nghiệp OECD trong tháng 3/2018 giảm xuống còn 9 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm, từ mức 340 triệu thùng, cao hơn mức trung bình trong tháng 1/2017. Trong khi đó, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ được dự kiến sẽ tăng khoảng 145.000 bpd lên mức cao kỷ lục 7,18 triệu bpd trong tháng 6/2018, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết.
Vàng chạm mức thấp mới năm 2018
Giá vàng giảm hơn 1%, giảm phiên thứ 3 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong năm nay, do chi phí đi vay của Mỹ tăng đẩy đồng USD tăng và ảnh hưởng xung đột tại Gaza giảm.
Giá vàng giao ngay giảm 1,6% xuống 1.290,91 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.289,4 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 tại Mỹ giảm 27,9 USD tương đương 2,12% xuống còn 1.290,3 USD/ounce.
Tuy nhiên các nhà đầu tư vàng được định giá bằng đồng USD, khi đồng bạc xanh này tăng so với 1 giỏ tiền tệ chủ chốt, do lợi tức trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao nhất 10 năm trên 3%, đẩy chi phí đi vay cao hơn ở một số nước khác.
Một quan chức của Cục Dự trữ Liên bang trong tuần này đã ủng hộ việc tăng lãi suất tại Mỹ và cho rằng lạm phát chưa đạt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Lãi suất tăng cao sẽ thúc đẩy đồng USD và đẩy lợi tức trái phiếu tăng, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác và làm giảm sự hấp dẫn đối với tài sản phi lợi nhuận như vàng.
Các kim loại quý khác cũng giảm
Trong khi đó, giá bạc cũng giảm 1,5% xuống 16,26 USD/oucne, trong phiên có lúc chạm 16,18 USD/ounce, mức thấp nhất trong gần 2 tuần. Giá bạch kim giảm 1,2% xuống 893,99 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 892,24 USD/ounce, mức thấp nhất 1 tuần rưỡi. Giá palađi giảm 1% xuống 986 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 964 USD/ounce, mức thấp nhất 1 tuần.
Đồng giảm giá trong khi các kim loại cơ bản khác biến động trái chiều
Giá đồng giảm do đồng USD tăng cao và tồn kho tăng, bất chấp lạc quan về số liệu sản lượng công nghiệp từ Trung Quốc đã hậu thuẫn giá. Giá đồng hợp đồng tham chiếu trên sàn London giảm 1,1% xuống còn 6.808 USD/tấn. Đồng USD tăng cao khiến kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Sản lượng ngành công nghiệp Trung Quốc trong tháng 4/2018 tăng 7%, cao hơn so với dự báo 6,3% và tăng từ mức thấp nhất 7 tháng ở mức 6% trong tháng 3/2018. Dự trữ đồng tại kho ngoại quan LME đạt 291.350 tấn, tăng gần 10.000 tấn kể từ ngày 10/5. Dự trữ đồng tại kho ngoại quan Thượng Hải đạt gần 280.000 tấn, so với mức 250.000 tấn cuối tháng 4/2018.
Giá nhôm tăng 0,4% lên 2.327 USD/tấn, giá kẽm tăng 0,2% lên 3.062 USD/tấn, giá chì giảm 1,6% xuống còn 2.348 USD/tấn, giá thiếc giảm 0,4% xuống còn 20.875 USD/tấn và giá nickel giảm 0,5% xuống còn 14.425 USD/tấn.
Quặng sắt, than luyện cốc đạt mức cao nhiều tuần
Giá nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt và than luyện cốc tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2018, được thúc đẩy bởi tiêu thụ thép tại nước sử dụng hàng đầu thế giới tăng.
Dự trữ sản phẩm thép xây dựng bởi các thương nhân Trung Quốc giảm hơn 1/3 từ mức cao nhất 5 năm hồi giữa tháng 3/2018. Trong khi nhu cầu tăng mạnh, sản lượng thép thô trung bình ngày tại các nhà máy thép Trung Quốc trong tháng 4/2018 đạt 2,56 triệu tấn, mức cao nhất kể từ ít nhất tháng 5/2014, số liệu chính phủ Trung Quốc cho biết. Số liệu khác cho biết, tăng trưởng sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng 7% vượt xa so với kỳ vọng thị trường.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 tại sàn Đại Liên tăng 0,3% lên 485,5 NDT/tấn, do giá thép thoái lui từ mức cao đỉnh điểm, trong phiên có lúc đạt 494 NDT (78 USD)/tấn. Giá quặng sắt giao sang cảng Tần Hoàng Đảo tăng 2,2% lên 68,93 USD/tấn trong ngày thứ hai (14/5), mức cao nhất kể từ ngày 16/3, Metal Bulletin cho biết.
Giá thanh cốt thép kỳ hạn tháng 10 tại sàn Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.681 NDT/tấn, trong phiên có lúc đạt 3.715 NDT/tấn, mức cao nhất gần 2 tuần. Dự trữ thanh cốt thép của các thương nhân Trung Quốc đạt 6,39 triệu tấn tính đến 11/5, giảm 35% so với mức cao nhất 5 năm hồi giữa tháng 3/2018, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Sự gia tăng sản lượng thép sau khi dỡ bỏ các hạn chế sản xuất tại khu vực phía bắc Trung Quốc diễn ra từ 15/11 đến 15/3, là một phần trong chiến dịch chống ô nhiễm của Bắc Kinh. Trong khi một số thành phố khác gia hạn quy định hạn chế, nhiều nhà máy đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu xây dựng gia tăng sau mùa đông.
Cùng với xu hướng giá quặng sắt và thép tăng, giá than luyện cốc kỳ hạn tăng 1% lên 1.270,5 NDT/tấn, giá than cốc tăng 1,1% lên 2.102 NDT/tấn, sau khi cả hai mặt hàng đều đạt mức cao đỉnh điểm 10 tuần.
Cao su giảm
Giá cao su kỳ hạn trên sàn TOCOM – tham chiếu cho toàn thị trường Đông Nam Á – giảm cùng với giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải suy giảm, do một số nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra trong bối cảnh dự trữ cao su sản xuất lốp xe tăng cao.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn TOCOM kết thúc phiên giảm 4,2 JPY xuống còn 188,1 JPY/kg, chịu áp lực bởi giá cao su kỳ hạn Thượng Hải giảm.
Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 230 NDT xuống còn 11.440 NDT/tấn. Xét về nguyên tắc cơ bản, dự trữ tại Thượng Hải vẫn ở mức cao, trong khi nhu cầu duy trì ổn định. Dự kiến giá cao su sẽ suy yếu trong tháng 5 và tháng 6.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn SICOM giảm 1,4 Uscent xuống còn 139,2 Uscent/kg.
Đường tiếp tục tăng, cà phê giảm giá
Giá đường kỳ hạn tháng 7 tăng 0,26 cent tương đương 2,3% lên 11,52 cent/lb. Thái Lan đã phân bổ thêm 300.000 tấn đường thô cho sản xuất ethanol trong năm nay, trong bối cảnh giá suy yếu và dư cung toàn cầu lớn. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 1,3 USD tương đương 0,4% lên 322,4 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 0,65 cent tương đương 0,6% xuống còn 1,1695 USD/lb.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 14 USD tương đương 0,8% xuống còn 1.728 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 16/5