Những năm gần đây, nhiều giải pháp về tiết kiệm năng lượng, trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ để cải thiện chế độ sử dụng năng lượng và giảm suất tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm được các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng tại các cơ sở sử dụng năng lượng đã có hiệu quả rất lớn, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Xác định rõ nhiệm vụ trong việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2030, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Công Thương Đắk Lắk đã triển khai thực hiện các giải pháp, phối hợp với các đơn vị có liên quan, để tổ chức triển khai thực hiện nhằm đạt các mục tiêu theo Quyết định 1217 ngày 29/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2030; Quyết định số 2836 ngày 16/12/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, tập trung truyền thông nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, tòa nhà công sở, bệnh viện, trường học, giao thông vận tải, nghiên cứu khoa học công nghệ.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương về sử dụng điện tiết kiệm, các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến tiết kiệm điện năng, đã xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao. Thiết kế xây dựng nhà xưởng tối đa hiệu quả chiếu sáng, thông gió, làm mát. Bảo dưỡng, thay thế thiết bị công nghệ lạc hậu, kiểm toán năng lượng được các cơ sở quan tâm thực hiện.
Công ty Cổ phần thép Asean
Với việc triển khai các chương trình sáng kiến, sáng tạo đến tất cả các bộ phận và áp dụng cho sản xuất, những năm qua, Công ty Cổ phần thép Asean đã có những sáng kiến tiết kiệm cho công ty hàng triệu KWh điện, hàng ngàn lít dầu, nhớt. Trong sản xuất, Công ty luôn đặt ra định mức tiêu hao năng lượng và yêu cầu là phải cải thiện định mức mỗi năm, tiết kiệm năng lượng nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao giá thành cạnh tranh sản phẩm, giảm tác động môi trường. Công ty cũng đã đưa Tự động hóa vào trong lưới điện trung hạ áp, giảm tối đa công suất vô công, nâng cao hiệu suất làm việc của thiết bị; chế biến nguyên vật liệu chuyên sâu để tiết giảm thời gian luyện thép, giảm tiêu hao điện năng.
Tiết kiệm năng lượng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Cụ thể như: tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực ứng dụng công nghệ, cũng như uy tín thương hiệu trong bối cảnh sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đang trở thành tiêu chí trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.
Theo Nghị quyết số 55-NQ-TW về định hướng chính lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị, các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được đẩy mạnh triển khai toàn diện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Điểm sáng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp là một số doanh nghiệp thuộc các ngành nghề tiêu tốn năng lượng như thép, sản xuất, chế tạo... đã chủ động hướng đi, đầu tư tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc các doanh nghiệp chủ động thực hiện các giải pháp như sử dụng nhiệt dư, khí dư, nguồn nguyên liệu dư trong quá trình sản xuất để tái sử dụng trong sản xuất thay thế điện năng là một giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giải pháp này còn phần giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện lưới quốc gia, nhất là những tháng nắng nóng cao điểm.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030, ngành Công Thương đã tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội thông qua triển khai đồng bộ và triệt để các giải pháp quản lý, kỹ thuật, tập trung vào những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Đồng thời, cũng có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Về phía doanh nghiệp, tiết kiệm năng lượng là một trong các biện pháp để doanh nghiệp giữ được chi phí sản xuất thấp và tồn tại được trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được triển khai trong toàn bộ dây chuyền sản xuất kinh doanh. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được áp dụng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trong thời gian vừa qua đã có hiệu quả rất lớn, giúp giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công nghiệp hiện đang là ngành kinh tế tiêu thụ năng lượng cũng như điện năng lớn nhất. Trong khi đó, chi phí năng lượng đối với sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn có mức thâm dụng năng lượng lớn. Nguyên nhân lớn nhất là do nhiều doanh nghiệp đang sử dụng máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, không hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng, và vì hạn chế về năng lực tài chính để có thể chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật, thay thế thiết bị dây chuyền cũ, lạc hậu bằng dây chuyền mới hiệu quả hơn.
Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng trong chính sách phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và an ninh năng lượng quốc gia nói chung, coi đó là một thành tố chủ chốt trong phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước cũng như thực hiện công nghiệp hóa đất nước. Để triển khai hiệu quả quyết sách này, bên cạnh nỗ lực tổ chức thực hiện của các cơ quan trung ương, hành động của các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp được coi là nhân tố chủ đạo, đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Và để hoạt động tiết kiệm năng lượng đi vào thực chất thì chính quyền địa phương và các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng...
Có thể thấy, các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm điện cho phát triển kinh tế xã hội. Tiết kiệm năng lượng cũng là công cụ then chốt giúp ngành công nghiệp phát triển. Ngành công thương Đắk Lắk đã thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ kinh nghiệm trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội, hộ gia đình; giảm tiêu hao năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững./.