Theo đó, chủ động phòng chống, đảm bảo an toàn hệ thống điện, an toàn hồ, đập thủy điện trong mùa mưa bão 2024. Thực hiện Chỉ thị 04/CT-BCT ngày 28/03/2024 của Bộ Công Thương về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp và người dân trong mùa mưa bão năm 2024; đồng thời để chủ động phòng chống với diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2024 nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ngày 05/4/2024, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty Điện lực Đắk Lắk; Truyền tải Điện Đắk Lắk; Các Tổ chức Quản lý điện Nông thôn; Các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện; Chủ đầu tư các công trình điện mặt trời, điện gió. thực hiện các công tác chủ động phòng chống, đảm bảo an toàn hệ thống điện, an toàn hồ, đập thủy điện trong mùa mưa bão 2024, trong đó triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
UBND các huyện, thị xã, thành phố: chỉ đạo các UBND các xã, phường, thị trấn (chính quyền địa phương): phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận hành quản lý lưới điện để kịp thời ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành về an toàn điện trong mùa mưa bão 2024.
Các đơn vị quản lý vận hành hệ thống điện (Công ty Điện lực Đắk Lắk; Truyền tải Điện Đắk Lắk; Các tổ chức quản lý điện nông thôn): Thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm, khu vực xung yếu của hệ thống điện do đơn vị mình quản lý để kịp thời gia cố sửa chữa, lập kế hoạch vận hành, phương án dự phòng, phân công lịch trực 24/24 giờ, chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư để nhanh chóng khắc phục, khôi phục sự cố hệ thống điện do thiên tai gây ra. Đặc biệt có phương án duy trì cấp điện cho các công trình phòng chống thiên tai, và các phụ tải quan trọng. Kiểm tra, rà soát, chặt tỉa cây và tháo dỡ các công trình xâm phạm gây mất an hành lang an toàn lưới điện cao áp; tuyên truyền nhắc nhở người dân trong khu vực có lưới điện cao áp đi qua không xâm phạm hành lang an toàn lưới điện để tránh và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, đảm bảo cho hệ thống điện vận hành an toàn và liên tục. Phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân kiểm tra các hệ thống lưới điện do người dân tự đầu tư (các trạm bơm tưới cây công nghiệp) và các đường dây hạ áp sau công tơ vào nhà để yêu cầu sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn cung cấp và sử dụng điện theo quy định.
Các cơ quan, doanh nghiệp và người dân có công trình đường dây và trạm biến áp, lưới điện hạ áp (Chủ đầu tư công trình điện): chủ động phối hợp với Điện lực địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu của lưới điện do mình quản lý để gia cố, sửa chữa, đảm bảo an toàn lưới điện theo quy định. Kiểm tra rà soát kỹ lưỡng đúng yêu cầu kỹ thuật hiện hành, những đường dây không đáp ứng được yêu cầu an toàn điện đề nghị tách đấu nối khỏi lưới điện để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Các cá nhân đơn vị không chấp hành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự cố xảy ra.
Đối với các Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện, cần lập báo cáo đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện: Mẫu báo cáo quy định tại Phụ lục VI Thông tư số 09/2019/TT-BCT gửi Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương trước ngày 01 tháng 3 hàng năm.
Thiết lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp: Rà soát, hiệu chỉnh phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo mẫu phương án quy định tại Phụ lục II - Thông tư số 09/2019/TT-BCT. Thời hạn rà soát, hiệu chỉnh phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cơ quan tiếp nhận hồ sơ (theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định 114/NĐ-CP) trước ngày 01 tháng 4 hàng năm.
Báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện: Thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP và Báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục IV Thông tư số 09/2019/TT-BCT gửi Sở Công Thương Đắk Lắk trước ngày 15 tháng 4 hàng năm.
Thiết lập phương án ứng phó thiên tai: Rà soát, phê duyệt Phương án ứng phó thiên tai theo quy định tại Điều 22 Luật Phòng, chống thiên tai gửi Sở Công Thương Đắk Lắk trước ngày 15 tháng 4 hàng năm.
Tiến hành việc kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.
Đối với quy trình vận hành hồ chứa nước, cần rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Mẫu quy trình vận hành quy định tại Phụ lục V Thông tư 09/2019/TT-BCT.
Kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước: Thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP; Bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện: Thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư số 09/2019/TT-BCT. Mẫu phương án quy định tại Phụ lục III Thông tư 09/2019/TT-BCT.
Đối với các chủ đầu tư các công trình điện mặt trời, điện gió, cần thực hiện gia cố chống sạt trượt, ngập nước, thực hiện duy tu bảo dưỡng, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, công trình và thiết bị trong mùa mua bão năm 2024.