Sản xuất cà phê chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Thứ ba - 15/06/2021 20:41
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều lợi thế cho sản xuất cà phê. Hiện nay, ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk đã có một vị trị rất quan trọng trong ngành hàng cà phê cả nước và nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk. Ở Việt Nam có 19 tỉnh sản xuất cà phê, tuy nhiên diện tích và sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê toàn quốc, gấp nhiều lần mức bình quân của các tỉnh khác. Ngoài ra, hoạt động sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan; cà phê là một trong những sản phẩm xuất khẩu và là nguồn thu ngân sách quan trọng của tỉnh Đắk Lắk. Diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2020 đạt  209.955 ha, sản lượng 557.659 tấn với mức năng suất đạt 28,60 tạ/ha.
Trong những năm vừa qua, quy mô sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tương đối ổn định với thuận lợi là: Nhu cầu thị trường một số sản phẩm cà phê có chất lượng cao như cà phê đặc sản, cà phê hữu có có xu hướng tăng; ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk và thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được nhiều khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến; sự phát triển các sản phẩm cà phê chất lượng cao hiện nay đang được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn của Đảng và nhà nước; trình độ người sản xuất cà phê trong tỉnh Đắk Lắk  ngày càng được cải thiện, người dân đang từng bước chuyển đổi hướng canh tác theo hướng an toàn và bền vững hơn.
z2553259894499 7c1eaa263ada2dd63301221c0df58584
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột - Quảng bá cà phê
Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua, dịch bệnh covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình giao thương, xuất khẩu cà phê nói chung, cà phê chất lượng cao nói riêng; diện tích cà phê tại Đắk Lắk khá manh mún, điều này làm chi phí đăng ký các chứng nhận tăng cao; nhu cầu thị trường thế giới các sản phẩm cà phê có chứng nhận UTZ, 4C, Rainforest Alliance, Fairtrade chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại; diện tích nông hộ nhỏ, tạo rào cản cho việc liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua các sản phẩm có chất lượng cao; năng lực tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường của nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cà phê trong tỉnh còn hạn chế, điều này dẫn đến vai trò hỗ trợ của các hợp tác xã, tổ hợp tác đối với sản xuất cà phê chất lượng cao của nông hộ còn hạn chế.
Với nhiều lợi thế để phát triển cà phê nhân xô chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao. Hiện nay, sản lượng cà phê có chất lượng cao của tỉnh Đắk Lắk đạt khoảng 160.423,44 tấn, chiếm khoảng 28,77% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh. Các sản phẩm cà phê chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay có thể liệt kê là cà phê có chứng nhận UTZ, 4C, Rainforest Alliance, Fairtrade, cà phê đặc sản, cà phê có chứng nhận hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng chưa được chứng nhận.
Mặc dù sản lượng cà phê chất lượng cao hiện nay chiếm 28,77% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh tuy nhiên phần lớn sản phẩm này là sản phẩm có chứng nhận 4C, UTZ, trong khi đó giá trị gia tăng của sản phẩm 4C, UTZ hiện nay cũng không quá cao, chỉ cao hơn sản phẩm cà phê bình thường trên thị trường vài trăm đồng cho đến dưới 1.000 đồng. Những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn những sản phẩm cà phê bình thường của thị trường từ 5.000 đồng cho đến vài chục nghìn đồng, thậm chí cả trăm nghìn hiện nay khá ít, chỉ chiếm có 10,03% tổng sản lượng cà phê chất lượng cao và 2,88% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh. Cà phê có chất lượng cao như cà phê đặc sản, cà phê có chứng nhận hữu cơ từ năm 2019 đến nay được mở rộng thêm tuy nhiên quy mô mở rộng so với tổng diện tích cà phê cũng còn nhỏ. Sản lượng cà phê đặc sản năm 2021 so với 2019 chỉ tăng thêm 15 tấn, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ tăng 10 ha.
z2553256110996 c606eb758fad5b44fd29c360f095214f
Hội thảo phát triển cà phê Buôn Ma Thuột bền vững
Để sản xuất cà phê chất lượng cao phát triển ngày càng bền vững, Đắk Lắk tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Đắk Lắk  để thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư mới tham gia liên kết với nông hộ để sản xuất các sản phẩm cà phê có chất lượng cao, gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng và thực hiện các chính sách ưu đãi để khuyến khích hình thành và phát triển các chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao như hỗ trợ tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ máy móc chế biến, hỗ trợ cấp chứng nhận…Khuyến khích sự hình thành và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. HTX nông nghiệp liên kết các hộ nông dân trồng cà phê và tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích dồn điền, đổi thửa cho các diện tích sản xuất cà phê của nông hộ sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp... đã góp phần đáng kể tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị cao trên thị trường.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cà phê có chất lượng cao hiện có như cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ trong việc đăng ký chứng chỉ, tiếp cận thị trường, phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô liên kết…,hỗ trợ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại để đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê chất lượng cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp cà phê của tỉnh đưa sản phẩm cà phê vào bán tại các siêu thị trong nước, bên cạnh đó, để hình thành các nhà máy chế biến, gắn chế biến sâu với vùng nguyên liệu; ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư đầu tư máy móc thiết bị chế biến, hỗ trợ lãi suất đối với vốn vay cho những doanh nghiệp đầu tư nhằm đổi mới trang thiết bị công nghệ.                                                            

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 6 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây