Cùng với địa hình đa dạng, đồi núi xen kẻ bình nguyên và thung lũng; Đắk Lắk có nhiều hệ thống sông suối phân bố đều trên địa bàn tỉnh với hai hệ thống sông chính là sông Sêrêpôk và sông Ba.
- Hệ thống sông Sêrêpôk: diện tích lưu vực 29.450km2 (trong phạm vi của Đắk Lắk là 4.200km2), do hai nhánh sông Krông Ana và Krông Nô hợp lưu tạo thành.
+ Sông Krông Ana gồm các nhánh chính hợp thành suối Krông Búk bắt nguồn từ dãy núi thuộc cao nguyên Buôn Ma Thuột, suối Krông Păk bắt nguồn từ dãy núi phía tây Khánh Hòa và suối Krông Bông bắt nguồn từ dãy núi phía Đông Nam tỉnh, chiều dài sông chính 215km, diện tích lưu vực 3.960km2.
+ Sông Krông Nô bắt nguồn từ dãy núi cao Chư Yang Sin, chảy theo hướng Đông Nam-Tây Bắc, toàn bộ lưu vực của sông hầu hết là rừng núi, thượng lưu hẹp và dốc, bề rộng của dòng sông lớn dần từ thượng lưu xuống hạ lưu, diện tích lưu vực 3.080km2, chiều dài sông chính là 143km.
- Hệ thống Sông Ba: diện tích lưu vực 14.000km2, nằm về phía Đông Bắc tỉnh và có hai phụ lưu chính chảy trong phạm vi của tỉnh là sông Krông Hin và sông Krông Năng. Hai sông này bắt nguồn từ dãy núi cao và chảy qua các vùng có lượng mưa lớn và phong phú.
+ Sông Krông Năng: có lưu vực phần lớn chảy trong địa phận của tỉnh Đắk Lắk với diện tích lưu vực là 1.069km2, chiều dài sông chính 196km.
+ Sông Krông Hin: bắt nguồn từ dãy Cư Mu, chiều dài sông chính là 88km, lưu vực 1.040km2.
Với những đặc điểm thuận lợi về địa hình, hệ thống sông ngòi phân bố tương đối đều trên lãnh thổ cùng với hàng trăm hồ chứa và nhiều con suối đã tạo cho Đắk Lắk có một mạng lưới sông hồ khá dày đặc. Vì vậy, nhiều vùng trong tỉnh có khả năng khai thác nguồn nước mặt thuận lợi để phục vụ vào mục đích cấp nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và phát điện.
Thực trạng phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Đắk Lắk đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt theo Quyết định số 444/QĐ-UB Ngày 15/3/2005, với 22 công trình thủy điện và 79 điểm có tiềm năng phát triển thủy điện với tổng công suất lắp đặt tương ứng là 190 MW. Kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện đã loại bỏ khỏi Quy hoạch 13/22 công trình và 71/79 điểm có tiềm năng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh 06 dự án thủy điện. Như vậy hiện nay số công trình và điểm có tiềm năng thủy điện trong Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Đắk Lắk là 15 công trình và 08 điểm có tiềm năng phát triển thủy điện với tổng công suất lắp đặt tương ứng là 149 MW.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 23 công trình thủy điện đã được đầu tư xây dựng đưa vào vận hành phát điện đấu nối vào hệ thống lưới điện Quốc gia với tổng công suất 953,01 MW, tổng sản lượng điện sản xuất theo thiết kế khoảng 3,8 tỷ kWh/năm; trong đó 07 công trình thủy điện công suất lắp máy ≥ 30MW có tổng công suất 824 MW, tổng sản lượng điện sản xuất khoảng 3,4 tỷ kWh/năm và 16 công trình thủy điện nhỏ công suất lắp máy từ 0,3 MW đến dưới 30MW có tổng công suất 129,01 MW, tổng sản lượng điện sản xuất khoảng 400 triệu kWh/năm.
- Năm 2016, tổng sản lượng điện sản xuất của 22 công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt 3,27 tỷ kWh, tổng giá trị sản xuất điện đạt 3.270 tỷ đồng, giá trị nộp ngân sách nhà nước trên 570 tỷ đồng thông qua các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng.
- Kế hoạch năm 2017, tổng sản lượng điện sản xuất của 23 công trình thủy điện dự kiến đạt 3,6 tỷ kWh, tổng giá trị sản xuất điện dự kiến đạt trên 3.600 tỷ đồng, dự kiến nộp ngân sách nhà nước trên 630 tỷ đồng.
Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk các công trình thủy điện sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách cho địa phương; góp phần phát triển sản xuất thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm đồng thời góp phần cải tạo môi trường, chủ động điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân trong mùa khô ở vùng hạ lưu và khu vực xung quanh hồ chứa.
Đối với mỗi công trình thủy điện được quy hoạch, khi tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng đều thực hiện việc đánh giá tác động môi trường nhưng công tác này trên thực tế chưa được thực hiện đầy đủ và còn mang tính chủ quan; chưa nghiên cứu toàn diện về tác động của hệ thống hồ chứa, kênh dẫn, diễn biến tình trạng hạn hán, các xung đột về sử dụng nước, các hiện tượng xảy ra do biến đổi khí hậu…, do đó ở một số công trình, khi đưa vào khai thác vận hành cũng gây nên ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong khu vực.
Một số công trình đầu mối hồ chứa thủy điện do thiết kế kỹ thuật thi công xây dựng không có cống xả bùn cát, qua một thời gian các hồ chứa bị bồi lắng làm thay đổi dung tích, mực nước của hồ chứa dẫn đến vận hành liên hồ không thực hiện theo thiết kế và phương án phòng chống lũ lụt không theo quy luật của dòng sông, đồng thời không bù đắp phù sa về phía hạ lưu cũng là một nguyên nhân làm xói lỡ bờ sông, thay đổi dòng chảy.
Những công trình thủy điện dẫn dòng hàng chục kilômét cũng sẽ làm thay đổi trạng thái lưu lượng dòng chảy của đoạn sông vì vậy các trạm thủy văn căn cứ mốc cao độ quốc gia đo thủy văn không còn chính xác nữa, dự báo lũ không đúng dẫn đến công tác phòng chống lũ lụt không còn tính chủ động xảy ra lũ bất ngờ không đảm bảo an toàn.
Hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với thủy điện vừa và nhỏ
- Một số quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ “về quản lý an toàn đập” và Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công Thương “quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện” đã không còn phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật mới được ban hành nhưng đến nay vẫn chưa được thay thế, bổ sung. Đơn cử như việc phân cấp quản lý về an toàn đập, vận hành hồ chứa thủy điện được quy định tại 02 Văn bản trên không phù hợp với các quy định mới của pháp luật về phân cấp quản lý về chất lượng công trình xây dựng của Nhà nước.
- Các tình huống vỡ đập ứng với tần suất lũ thiết kế và tần suất lũ kiểm tra trong Phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập của các công trình thủy điện chưa được Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể nên các chủ đầu tư chưa tính toán được chính xác các tình huống này; việc phân tích, tính toán chỉ dựa trên giả định một số tình huống có thể gây vỡ đập.
- Hiện nay, trên lưu vực sông Srêpốk có những dự án thủy lợi có hồ chứa với dung tích lớn đã và đang được đầu tư xây dựng như thủy lợi Krông Búk Hạ và thủy lợi Krông Pắk Thượng; trên nhánh sông Krông Nô có 02 công trình thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3 (công trình xây dựng trên lưu vực sông Srêpốk, nhà máy đặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng) được đưa vào vận hành phát điện trong năm 2016, tình hình thủy văn đã có nhiều thay đổi nên Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk được ban hành kèm theo Quyết định 1201/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Các dự án thủy điện: Krông Nô 2, Krông Nô 3, Cụm Đrây H’linh và Hòa Phú cũng chưa được cập nhập bổ sung vào trong Quy trình này.
- Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để áp dụng thiết kế các công trình thủy điện chưa đầy đủ nên một số hạng mục công trình như hồ, đập áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công trình thủy lợi của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kiến nghị, đề xuất và giải pháp trong quản lý đầu tư xây dựng và vận hành khai thác thủy điện vừa và nhỏ
- Báo cáo, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định để thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ “về quản lý an toàn đập”. Trên cơ sở đó cũng xây dựng ban hành Thông tư để thay thế cho Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công Thương “quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện”.
- Sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tính toán, xác lập các tình huống vỡ đập vào trong Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập.
- Báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk được ban hành kèm theo Quyết định 1201/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 để phù hợp với tình hình thực tế.
- Xây dựng, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để áp dụng trong thiết kế, vận hành các công trình thủy điện.
Đối với công tác thiết kế và thẩm định kỹ thuật công trình đầu mối hồ chứa thủy điện cần quan tâm chú ý tính toán đến vấn đề bồi lắng lòng hồ và phù sa cho hạ lưu để nghiên cứu sự cần thiết bố trí xây dựng cống xả bùn cát; đây không chỉ là vấn đề tăng tuổi thọ của công trình mà còn với mục đích an toàn môi trường, giảm thiểu việc thay đổi dòng chảy, gây xói lỡ bờ sông.
- Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến các quy định về quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa thủy điện nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức của các cơ quan quản lý nhà nước về thủy điện và các nhà máy thủy điện.
- Về ứng dụng công nghệ mới: Để tận dụng tiềm năng thủy năng của dòng chảy, xu thế hiện nay đi sâu vào nghiên cứu đầu tư các nguồn thủy năng có cột nước thấp. Ưu điểm của loại công nghệ này là tận dụng tối đa nguồn thuỷ năng trên các con sông lớn để phát điện, vì cột nước phát điện thấp (≥ 4m); đồng thời khi xây dựng công trình sẽ giảm thiểu đền bù, giải phóng mặt bằng. Kết cấu công trình đơn giản, ngập lụt ít, hầu như không phải di dân mà chỉ đền bù đất nông nghiệp ven sông suối; thuỷ điện cột nước thấp điều tiết hàng ngày, nên không ảnh hưởng lớn đến chế độ chảy tự nhiên của sông. Để tận dụng nguồn thủy năng có cột nước thấp này, hiện nay ở nước ta đã nghiên cứu sử dụng các nhà máy thủy điện lắp đặt loại tua bin bóng đèn; đây là loại tua bin mới được áp dụng ở nước ta do đó đề nghị Bộ có cơ chế nhằm khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện lắp đặt loại tua bin này. Đồng thời hạn chế đầu tư xây dựng các công trình thủy điện đào kênh dẫn dòng với cự ly dài để tìm vị trí cột nước thích hợp, làm thay đổi lưu lượng dòng chảy của các con sông suối, thực tế đã để lại những hệ lụy rất lớn cho xã hội.
Tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ là một nguồn năng lượng cần được khai thác, phát triển bền vững để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để khai thác, phát triển bền vững thì từ công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng cho đến việc quản lý vận hành… các công trình thủy điện, nhất là tính toán các yếu tố tác động đến môi trường sinh thái, không làm thay đổi dòng chảy của các lưu vực sông suối tự nhiên vì vậy yêu cầu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của Nhà nước đã ban hành.
Đầu tư năng lượng tái tạo trong đó có thủy điện tác động đến nền kinh tế tuần hoàn và cộng sinh công nghiệp, đem lại hiệu quả về nguồn lực, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức, thích ứng khả năng chống chịu để phát triển hài hòa, lấy mục tiêu giá trị bền vững là điều kiện lựa chọn dự án đầu tư phù hợp.