Kế hoạch “Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018 – 2020”

Chủ nhật - 15/10/2017 23:38
Thực hiện Chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 06/3/2017 về việc ban hành kế hoạch triển khai chương trình số 08-CTr/TU ngày 06/12/2016 của Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như sau:
I. Mục đích và Yêu cầu
1. Mục đích:
- Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nói riêng của tỉnh Đắk Lắk. Từ đó đẩy mạnh các giải pháp ổn định thị trường tiêu thụ một cách bền vững, giúp các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng và phát triển sản xuất. Đồng thời mở ra hướng đi mới trong việc liên kết để hàng địa phương xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối hiện đại theo phương thức tiêu thụ hiện đại với hợp đồng dài hạn, ổn định và khối lượng lớn.
- Tăng cường quảng bá, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh có điều kiện thuận lợi nhất.
- Hỗ trợ tổ chức, cá nhân gia tăng sản xuất, giúp cho doanh nghiệp, người sản xuất đưa hàng vào tiêu thụ tại các siêu thị với hợp đồng tiêu thụ dài hạn và ổn định, có khối lượng lớn, đồng thời tạo lập mối liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nhà cung cấp và nhà tiêu thụ.
- Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” , đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng trong tỉnh có điều kiện thuận lợi nhất để đưa hàng vào hệ thống phân phối.
2. Yêu cầu
-  Từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trong nước. Trước mắt là các siêu thị trên địa bàn tỉnh Đăk Lắk.
-  Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ sản xuất nông sản phẩm nâng cao năng lực sản xuất và tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
-  Đẩy mạnh, phối kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk tại các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
-  Phấn đấu đến năm 2020 đưa sản phẩm của 10 - 15 đơn vị sản xuất các mặt hàng nông sản vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: cà phê, ca cao, mật ong, macca, thịt gia súc, gia cầm, gạo721,…
II. Đối tương, thời gian thực hiện:
1. Đối tượng thực hiện:
- Sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và các sản phẩm chất lượng cao đã được chứng nhận.
- Các doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ sản xuất sản phẩm, đại lý thu mua nông sản đạt chất lượng cao đã được chứng nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
2.Thời gian thực hiện: giai đoạn 2018 - 2020
III. Thực trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh
1. Thực trạng sản xuất:
- Hiện nay, ngoài các cây nông nghiệp như cà phê, hồ tiêu, điều đã có quy mô rộng lớn, thì nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ có quy mô nhỏ lẻ ở các hộ gia đình, chưa được cấp chứng nhận về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất chưa rõ ràng và thiếu định hướng về thị trường tiêu thụ để phát triển lên quy mô sản xuất lớn.
- Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sản xuất trên địa bàn như: cà phê, ca cao, mật ong, macca, thịt gia súc, gia cầm, gạo, rau, củ, quả … nếu phục vụ cho thị trường trong tỉnh thì đủ hoặc dư thừa nguồn cung, nhưng muốn vào hệ thống siêu thị, vươn ra thị trường ngoài tỉnh hay phục vụ thị trường chế biến, xuất khẩu cần số lượng hàng hóa lớn, ổn định, đảm bảo về an toàn thực phẩm thì hầu như chưa đáp ứng được. Chính vì còn ở dạng mô hình nên thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
2. Thực trạng về tiêu thụ:
- Hầu hết sản phẩm nông sản của tỉnh Đắk Lắk (rau, củ quả, trái cây các loại) chủ yếu được tiêu thụ trực tiếp tại thị trường địa phương thông qua các chợ truyền thống hoặc tiêu thụ qua các trung gian bán buôn từ các tỉnh khác đến thu mua.
- Chưa hình thành kênh phân phối bền vững thông qua các hợp đồng tiêu thụ dài hạn hoặc một số sản phẩm đưa vào tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị chưa đáp ứng các yêu cầu về các quy định đối với chất lượng sản phẩm đưa vào siêu thị theo như quy định.
- Việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản chủ yếu theo hình thức mạnh ai người đó làm, cho nên gặp khó khăn trong quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối và sản phẩm tạo ra mang tính cạnh tranh thấp.
- Sức tiêu thụ của siêu thị về các sản phẩm nông sản còn thấp do thói quen tiêu dùng của người dân chủ yếu mua sản phẩm nông sản tại các chợ cóc, chợ tạm. Chưa có kênh kết nối giữa sản xuất và siêu thị.
- Cơ quan nhà nước quan tâm đầu vào cho nông dân nhưng đầu ra các sản phẩm chưa được chú ý, chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ nông dân dẫn đến đầu ra của sản phẩm chưa ổn định và gặp nhiều khó khăn.
IV. Thuận lợi và khó khăn
1. Thuận lợi:
Điều kiện về thời tiết, khí hậu và đất đai ở địa phương khá thuận lợi để sản xuất nông sản phẩm chất lượng cao.
Có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng nối liền với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Từ thành phố Buôn Ma Thuột có quốc lộ 14 chạy qua nối với thành phố Đà Nẵng qua các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và cách thành phố Hồ Chí Minh 350 km; quốc lộ 26 nối liền với tỉnh Khánh Hoà, cách thành phố Nha Trang gần 200 km; quốc lộ 27 nối với tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 183 km. Bên cạnh đó, còn có quốc lộ 14C dọc biên giới Campuchia thuận lợi cho việc giao thương, lưu chuyển hàng hóa.
Với vị trí nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, thuận lợi cho việc giao lưu hàng hoá, có hệ thống các Siêu thị, Trung tâm Thương mại và chợ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm cho các du khách đến tham quan và đầu tư.
2. Khó khăn:
- Hiện nay, hầu hết người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm nông nghiệp an toàn, đâu là sản phẩm nông nghiệp thông thường
- Quy mô sản xuất sản phẩm nông sản chưa tập trung, nguồn hàng chưa ổn định, chủ yếu theo mùa vụ.
- Điều kiện tiêu chuẩn nông sản phẩm đưa vào tiêu thụ trong siêu thị là khá chặt chẽ. Nông sản phẩm khi đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị phải đảm bảo các điều kiện về: Sản xuất hàng hóa; Chứng nhận (hoặc cam kết ) về vệ sinh an toàn thực phẩm; Vietgap; Hồ sơ công bố chất lượng; Hồ sơ công bố hợp quy; Kết quả kiểm định chất lượng; Nguồn hàng phải ổn định. Tuy nhiên các đơn vị sản xuất nông sản phẩm (rau, củ quả, trái cây các loại) chưa quan tâm đến việc đăng ký, thực hiện các tiêu chuẩn đối với sản phẩm.
- Chi phí kiểm định chất lượng sản phẩm và thực hiện hồ sơ đối với sản phẩm khá cao và cần nhiều thời gian. Đây là một trong những trở ngại lớn đối với hàng nông sản phẩm muốn đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.
- Các cơ sở sản xuất nông sản phẩm hầu hết tại các vùng xa trung tâm huyện, thị xã, do dó chi phí vận chuyển hàng hóa cũng là trở ngại.
- Tâm lý của các cơ sở sản xuất nông sản phẩm chưa thật sự muốn đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị mà vẫn duy trì kinh doanh theo lối truyền thống (bán cho thương lái, bán tại chợ).
V. Kế hoạch hỗ trợ đưa sản phẩm thế mạnh và chất lượng cao của tỉnh vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước.
1. Hoạt động sản xuất:
- Thực hiện quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, tạo ra lượng sản phẩm đủ lớn để cung cấp ổn định, dài hạn. Tổ chức sản xuất mang tính tập thể và liên kết sản xuất với hình thức Hợp tác xã, Hiệp hội, trang trại.
- Tổ chức Hội thảo, tập huấn phổ biến hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.
- Hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm đặc trưng để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm và dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tình trạng cũng như địa điểm cung ứng sản phẩm.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về việc tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP, HACCP.
- Hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ chi phí cho các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao trong việc đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, … và chi phí kiểm định, công bố chất lượng sản phẩm.
2. Hoạt động Xúc tiến thương mại:
- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua các hoạt động tổ chức các chương trình kết nối giao thương giữa các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao của tỉnh với các siêu thị trên toàn quốc.
- Tăng cường công tác tổ chức, tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm nhằm quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm nông sản chất lượng cao của tỉnh đến các thị trường trong và ngoài nước.
- Cung cấp thông tin các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao của tỉnh đến hệ thống siêu thị trên toàn quốc để quảng bá, giới thiệu và kêu gọi hợp tác kinh doanh.
- Cung cấp thông tin về quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của siêu thị đối với nông sản phẩm khi đưa vào tiêu thụ trong siêu thị.
- Phát hành cẩm nang xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk hàng năm nhằm cập nhật thông tin sản phẩm và quảng bá tiềm năng, thế mạnh về các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trên cả nước.
- Thực hiện các bản tin chuyên đề, chuyên mục phóng sự về nông sản chất lượng cao của tỉnh để quảng bá, giới thiệu trên các kênh truyền hình.
- Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản một cách thường xuyên trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
- Thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề về thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện nền kinh tế đầy biến động, qua đó pháy huy sáng kiến của các chuyên gia nhằm ổn định sản xuất, củng có thị trường, xây dựng thương hiệu phát triển thị phần sản hẩm nông sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu
- Hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ sở kết nối vào chuỗi siêu thị nhằm tăng cường công tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao.
- Phối kết hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại trên toàn quốc, đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại nhằm nắm bắt kịp thời thông tin các chương trình có liên quan đến hoạt động thương mại, quảng bá và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản thế mạnh và nông sản đạt chất lượng cao có chứng nhận.
VI. Trách nhiệm của các Phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở
1. Phòng Quản lý Thương mại:
- Phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại, khảo sát, lựa chọn các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, thế mạnh của địa phương để tổ chức hỗ trợ.
- Tham mưu Lãnh đạo Sở hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao của tỉnh vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước.
- Cung cấp thông tin về quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của siêu thị đối với nông sản phẩm khi đưa vào tiêu thụ trong siêu thị. Hướng dẫn trình tự, thủ tục để đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.
2. Trung tâm Xúc tiến Thương Mại:
- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua các hoạt động tổ chức các chương trình kết nối giao thương, kết nối cung cầu giữa các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao của tỉnh với các siêu thị trên toàn quốc.
- Phối hợp với cơ quan truyền thông, truyền hình của địa phương thực hiện các bản tin, cẩm nang, phóng sự, chuyên đề để quảng bá sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh trên Đài phát thanh truyền hình, báo và các trang thông tin điện tử.
- Lập danh sách, cung cấp thông tin các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao của tỉnh đến hệ thống siêu thị trên toàn quốc để quảng bá, giới thiệu và kêu gọi hợp tác kinh doanh.
- Cung cấp đầy đủ các thông tin về các sản phẩm nông sản hàng hóa an toàn cho các cơ quan, đơn vị và các hệ thống phân phối.
3Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp:
- Tổ chức Hội thảo, tập huấn, hỗ trợ đầu tư thiết bị tiên tiến, hiện đại, xây dựng mô hình trình diễn áp dụng kỹ thuật trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh đồng thời xúc tiến quảng bá, tiệu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao sau chế biến.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về việc tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP, HACCP.
4. Chi Cục Quản lý Thị trường:
Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường về chất lượng và nguồn gốc của các sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao đã được chứng nhận trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
VII. Kinh phí thực hiện:
1. Đối với hoạt động Xúc tiến thương mại: Nguồn kinh phí được thực hiện trên cơ sở dự toán kinh phí các chương trình xúc tiến thương mại được cấp hằng năm.
2. Đối với hoạt động khuyến công:  Nguồn kinh phí được thực hiện trên cơ sở dự toán kinh phí các chương trình khuyến công được cấp hằng năm.
VIII. Tổ chức thực hiện
1. Trên cơ sở nội dung Kế hoạch và trách nhiệm được phân công, các phòng ban và các đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao.
2. Giao Phòng Quản lý Thương mại làm đầu mối phối hợp với các phòng ban và các đơn vị trực thuộc Sở tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện./.
Phụ lục danh mục các chương trình thực hiện kế hoạch: /uploads/news/2017/ke-hoach-ho-tro-tieu-thu-2.pdf

Tác giả: Mai Thanh - TTKC & TVPTCN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây