Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư G20 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng, tác động sâu sắc, toàn diện trên toàn cầu, gây ra những hậu quả chưa từng có cho tất cả các nền kinh tế. Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6 năm 2020 của Ngân hàng thế giới (WB), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay do các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính khối lượng giao dịch hàng hóa thế giới ước tính sẽ giảm từ 13% đến 32% so với năm 2019. Báo cáo triển vọng kinh tế của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 16/4, dự đoán triển vọng tăng trưởng của G20 trong năm nay là - 2,8%, giảm 6,2% so với mức dự báo hồi tháng giêng vừa qua. Đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới đối mặt với những thách thức mới, chưa từng có và không quốc gia nào có thể đơn phương ứng phó.
Theo chương trình nghị sự, các Bộ trưởng G20 đã nghe các tổ chức quốc tế chia sẻ thông tin về tình hình thương mại và đầu tư quốc tế trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020 và được dự đoán sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2021. Phát biểu tại Hội nghị, các Bộ trưởng G20 đều nhất trí nhất trí tiếp tục hợp tác và phối hợp nhằm hỗ trợ phục hồi thương mại và đầu tư quốc tế, ủng hộ các nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông qua Sáng kiến Riyadh về Tương lai WTO, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế và tăng cường đầu tư quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Chia sẻ với các Bộ trưởng G20, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá cao những nỗ lực tích cực và kịp thời của G20 và hoan nghênh vai trò chuyên môn, đóng góp thiết thực của Ngân hàng thế giới (WBG), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng như các tổ chức quốc tế khác trong cuộc chiến chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế. G20 cần tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế có liên quan trong việc chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cách thức giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do dịch bệnh gây ra để hỗ trợ các nền kinh tế, đặc biệt những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch sớm vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Thứ trưởng chia sẻ, trong khuôn khổ ASEAN, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đưa ra “Sáng kiến về Kế hoạch hành động Hà Nội về Phục hồi kinh tế ASEAN”, bao gồm các nội dung về duy trì các cam kết mở cửa thị trường để đảm bảo an ninh lương thực và tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng khu vực; xây dựng các nền tảng tạo thuận lợi thương mại hiện có trong ASEAN để thúc đẩy và hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; và tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và tạo điều kiện các doanh nghiệp, đặc biệt là MSMEs tiếp tục hoạt động. Từ thực tiễn của mình, Việt Nam khuyến khích G20 theo đuổi mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. Một mặt tập trung vào việc chống lại dịch bệnh COVID-19, mặt khác thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại và đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm và ổn định cuộc sống của người dân. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các thành viên G20 và các quốc gia khác để sớm ngăn chặn đại dịch và phục hồi nền kinh tế.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư G20 đã thông qua Tuyên bố “Nắm bắt các cơ hội của thế kỷ 21 cho tất cả mọi người” trong đó bao gồm 05 nội dung chính: Hỗ trợ khôi phục thương mại và đầu tư quốc tế, Hỗ trợ cải tổ cần thiết của WTO – Sáng kiến Riyadh về Tương lai WTO, Tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của MSMEs, Thúc đẩy đa dạng kinh tế, Các bước tiếp theo.
Sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư G20 trực tuyến đã khẳng định sự ủng hộ, hợp tác của Việt Nam đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống COVID-19 và phục hồi nền kinh tế; thể hiện Việt Nam là đối tác chủ động, tích cực và đóng góp có trách nhiệm trong việc tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.