Đắk Lắk có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi: là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên và có cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, Đắk Lắk thuận lợi trong việc giao thương kinh tế và văn hóa trong vùng cũng như với các tỉnh lân cận và Tp. Hồ Chí Minh. Đường bộ cớ Quốc Lộ 14 (đi Tp. Hồ Chí Minh 350 km, đi Pleiku 190 km), Quốc lộ 26 (đi Nha Trang 180 km) Quốc lộ 27 (đi Đà Lạt 200km), Quốc lộ 29 (đi Phú Yên 185km). Đường hàng không có Sân bay Buôn Ma Thuột với các chặng bay đến nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh.
Đắk Lắk có nhiều thuận lợi phát triển Nông – Lâm – Thủy sản: là tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, trong đó có gần 5.400 km2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đa số là đất bazan màu mỡ, rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, sản lượng cao hàng năm như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, xoài…Ngoài các sản phẩm trên, Đắk Lắk còn có thế mạnh về ngô lai, mật ong, sắn, mía…Tỉnh đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như phát huy hiệ quả tối đa trong sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại. Đắk Lắk có hệ thống ao, hồ, song, suối đa dạng và rộng lớn với tổng diện tích mặt nước trên 50.000 ha, thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.
Đắk Lắk: Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu:
Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh đạt gần 600 triệu đô la Mỹ.
Cà phê: Với diện tích trên 200.000 ha, sản lượng bình quân đạt trên 450.000 tấn/năm, cà phê Buôn Ma Thuột đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đi 65 nước trên thế giới như: Nhật Bản, Châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Hoạt động xuất khẩu cà phê đạt trung bình 200.000 tấn/năm, him ngạch xuất khẩu đạt trên 400 triệu USD. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức công bố cà phê Buôn Ma Thuột nằm trong top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam 2017.
Cao su: là một trong những cây công nghiệp chủ lực, kinh tế mũi nhon của Đắk Lắk với diện tích trên 38.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 31.000 tấn, được trồng và tổ chức sản xuất chủ yếu theo hình thức tập trung, quy mô doanh nghiệp hoặc trang trại lớn, việc vận dụng các giống mới, thiết bị kỹ thuật canh tác khá đồng bộ. Thị trường xuất khẩu trên 24 nước, chủ yếu là Đức, Hà Lan, Malaysia, Mỹ, Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8 triệu USD.
Hồ tiêu: Là cây trồng lâu năm ở Đắk Lắk với diện tích gần trên 27.000 ha, sản lượng đạt trung bính 48.000 tấn. Hồ tiêu Đắk Lắk hiện đang xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… sản lượng xuất khẩu đạt trên 3.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 30 triệu USD.
Hạt điều: có diện tích trên 21.000 ha, sản lượng đạt trên 23.000 tấn/năm, tập trung tại một số địa phương có điều kiện đất đai khô cằn, sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt như: Ea Súp, Buôn Đôn, Ea Kar, M’Đắk,… Sản phẩm chính lấy từ cây điều là hạt nhân điều có giá trị xuất khẩu cao. Hạt điều Đắk Lắk chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (50%), Mỹ (30%), còn lại qua các thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Singapore (20%). Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt gần 4 triệu USD.
Ca Cao: có diện tích trên 2.000 ha, sản lượng đạt 1.900 tấn/năm. Phần lớn diện tích ca cao đang được các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nông dân để tập huấn sản xuất, tổ chức sản xuất, thu mua và chế biến theo chuỗi và theo các tiêu chuẩn chất lượng thế giới như: Fairtrade…
Ong mật: có diện tích gần 600.000 ha rừng tự nhiên, nhiều loại cây công nghiệp, bạt ngàn hoa rừng, cà phê, cao su, tỉnh Đắk Lắk có trên 50.000 đàn ong, sản lượng ong mật đạt trên 12.000 tấn/năm.
Sắn: có sản lượng đạt trên 590.000 tấn/năm và sản phẩm tinh bột sắn xuất khẩu hàng năm đạt 110.000 tấn.
Mía đường: đạt sản lượng trên 1.132.000 tấn/năm. Ngoài các loại cây công nghiệp lâu năm, với điều kiện khí hậu tự nhiên, đất đai màu mỡ cũng như điều kiện khí hậu rất thích hợp, tỉnh Đắk Lắk hiện nay tập trung phát triển đất trồng các loại cây ăn quả có chất lượng và giá trị kinh tế cao như sầu riêng cơm vàng hạt lép; xoài xanh, chôm chôm, mít tố nữ, măng cụt, vải thiều, nhãn lồng, mẵng cầu, dứa….
Bơ: Là một trong những sản phẩm cây ăn trái đặc sắc được biết đến ở Đắk Lắk, diện tích hiện có khoảng gần 2.500 ha, sản lượng đạt hơn 33.000 tấn; bên cạnh việc duy trì và phát triển đối với một số giống địa phương có nhiều ưu điểm thơm ngon như TA1,TA40, các loại giống mới đáp ứng các nhu cầu xuất khẩu được đưa vào trồng nhiều như Booth7, Reed…
Sầu Riêng: là loại cây trồng có mặt lâu năm ở Đắk Lắk song mới phát triển mạnh trong những năm gần đây. Bên cạnh các giống sầu riêng truyền thống chủ yếu phục vụ thị trường ăn tươi trong tỉnh, người dân chú trọng phát triển các giống mới như DoNa, Ri6 có chất lượng thơm ngon đặc trưng được thị trường ưu chuộng.
Mắc ca: cũng là một trong những loại cây công nghiệp dài ngày phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại một số vùng ở Đắk Lắk. Hiện nay, hạt mắc ca đã được các doanh nghiệp quan tâm thu mua và chế biến để cung cấp ra thị trường các sản phẩm có giá trị như mắc ca sấy, rang khô ăn liền được nhiều ưa thích.
Tác giả: Mai Thanh - TTKC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn