Là một trong những ngành mũi nhọn giàu tiềm năng, có thể tăng trưởng với tốc độ cao, được kỳ vọng gánh vác trọng trách tạo bước đột phá, thúc đẩy hoàn thành kế hoạch phát triển KT- XH của tỉnh, nên được các cấp Ủy Đảng, Chính quyền đặc biệt quan tâm phát triển.
Năm 2017 là một năm thành công rực rỡ của ngành Công Thương. Là năm đầu tiên sau 5 năm các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt, có chỉ tiêu vượt gấp 3 lần. Nhiều dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động và hoạt động ổn định cho giá trị sản xuất rất lớn, đặc biệt là các nhà máy thủy điện. Các dự án cấp điện (kể cả các dự án điện thôn buôn) được đầu tư khá nhiều đảm bảo năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời cũng chứng tỏ năng lực sản xuất đang được tăng thêm rõ rệt. Công tác khuyến công đang phát huy hiệu quả, nhiều dự án mới được đăng ký đầu tư với chất lượng cao góp phần đảm bảo phát triển bền vững cho những năm tiếp theo. Quản lý, hoạt động của các CCN đang được củng cố, phát triển. An toàn vệ sinh thực phẩm, điện, hồ đập thủy điện, vật liệu nổ công nghiệp... được đảm bảo, góp phần ổn định sản xuất, tiêu dùng tạo nên thành công của ngành. Thị trường được kiểm soát ổn định, cùng với việc tổ chức thành công lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và các chương trình xúc tiến thương mại khác đã thúc đẩy tiêu dùng mạnh mẽ, kết nối giao thương ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại. Xuất, nhập khẩu hàng hóa được quan tâm chú trọng, các mặt hàng xuất khẩu đang được đa dạng, củng cố về chất và số lượng, hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh đáp ứng nhu cầu đầu tư và tiêu dùng.
Cụ thể những kết quả đạt được trong năm 2017:
1. Kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp
- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 (giá SS 2010) đạt 14.448 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm 2016 và vượt kế hoạch đề ra gần 5%.
- Tình hình hoạt động, đầu tư sản xuất sản phẩm CN chủ yếu:
Trong năm 2017, nhìn chung tình hình sản xuất của các nhà máy khá ổn định, các sản phẩm chế biến nông sản có sản lượng sản lượng khá cao.
Một loạt các dự án được đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động ổn định như: 03 dự án chế biến tinh bột sắn; dự án sản xuất bia lon 35 triệu lít/năm; Dự án nâng công suất Nhà máy đường 333; Dự án Nhà máy đường Ea Súp Đắk Lắk công suất 3.000 tấn mía cây…, tạo đà tăng giá trị sản phẩm trong năm 2017 cũng như năm 2018.
Các nhà máy thủy điện do có nguồn nước dồi dào trong thời gian dài nên hoạt động vượt công suất, tổng sản lượng điện sản xuất đạt 4,8 tỷ kWh - tăng khoảng 67% so với năm 2016.
- Tình hình đầu tư các dự án điện: Các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) đang được xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hiện đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký khảo sát, một số dự án đang thực hiện tiếp các thủ tục đầu tư. Nhà máy điện gió Tây Nguyên tại Ea H’leo công suất giai đoạn I là 28MW, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia xây dựng tại 11 huyện, đến hết năm 2017 đã cơ bản đã hoàn thành tại 09 huyện, 02 huyện còn lại sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018.
Các dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư trong các CCN đang tiếp tục đầu tư đưa vào hoạt động trong năm 2018, bao gồm: Nhà máy sơ chế và trang trại trồng cây dược liệu Kiến Tây; Nhà máy chế biến Gỗ Viên Thành; Cơ sở sản xuất các loại sản phẩm từ gỗ, sắt, nhôm, inox, kính, plastic Quốc Tuấn…
- Tình hình đầu tư và hoạt động các CCN
Tình hình Đầu tư cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp: Trong 08 CCN đang hoạt động có 03 CCN có Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho 08 CCN đang hoạt động ước tính hơn 1.266,6 tỷ đồng. Đến nay, qua tổng hợp tại các CCN đang hoạt động đã đầu tư được khoảng: 292,3 tỷ đồng.
Tình hình thu hút đầu tư hoạt động tại các CCN: Hiện tại đã có 141 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất là 240,7 ha, tỷ lệ lấp đầy 78 % diện tích (242/309,5). Trong đó, có 87 dự án (DA) đang hoạt động với diện tích thuê đất 140,7 ha; có 21 DA đang xây dựng với diện tích thuê đất 31 ha; có 14 DA ngưng và tạm ngưng hoạt động với diện tích 39 ha, có 18 DA mới có chủ trương và đang lập hồ sơ với diện tích 31,8 ha.
2. Kết quả hoạt động thương mại
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường năm 2017 thực hiện 65.083 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2016, đạt 110,7% kế hoạch.
Mức tăng lưu chuyển hàng hóa cả năm do chỉ số giá tiêu dùng tăng và sự phát triển các mặt hàng mới đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời giá cà phê ổn định ở mức khá làm tăng cầu, góp phần tích cực vào tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, cùng với sự kiện Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và nhiều hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại… cùng với môi trường kinh doanh thông thoáng đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa tăng mạnh.
Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh khá ổn định, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu hàng hóa cho người tiêu dùng, cả về chất lượng và mẫu mã chủng loại, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng, sốt giá. Các siêu thị thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu với lượng dự trữ đầy đủ, đã bước đầu phát huy sự chi phối, dẫn dắt và định hướng giúp thị ttrường ổn định.
- Tình hình xuất nhập khẩu:
+ Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu đạt 575 triệu USD, tăng 4,5% so với năm 2016, và đạt 101% kế hoạch. So với năm 2016, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh như cà phê nhân, cà phê hòa tan, sản phẩm ong đều tăng cả về lượng và giá trị; hạt điều và cao su giảm về lượng nhưng tăng về giá trị; hạt tiêu tăng về lượng nhưng giảm về giá trị; riêng sản phẩm sắn giảm cả về lượng và giá trị.
+ Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu đạt 38 triệu USD tăng gần 2 lần so với năm 2016 và đạt hơn gấp 3 lần kế hoạch. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất và phân bón.
3. Công tác quản lý Nhà nước
- Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch án phát triển ngành:
Trong năm 2017 đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 08 Quy hoạch, đề án tạo cơ sở, tiền đề cho việc quản lý, đầu tư và xúc tiến đầu tư các dự án phát triển ngành trong những năm tới.
Ngoài ra, còn 04 quy hoạch được chuyển sang năm 2008 để tiếp tục hoàn chỉnh, phê duyệt. Trong đó Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt được quan tâm. Đây được coi là một trong những hướng phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành mũi nhọn, tạo bước đột phá trong những năm tiếp theo.
- Công tác quản lý công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm:
Tham mưu cấp 02 giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá cho 02 doanh nghiệp.
Góp ý kiến thẩm định đề xuất đầu tư cho 24 dự án.
Trong năm đã tham mưu ban hành 20 văn bản chỉ đạo, báo cáo triển khai thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm; Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 75 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm; Cấp Giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 768 cá nhân.
Đã tiến hành kiểm tra thực hiện thủ tục hành chính về ATTP thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện tại 03 đơn vị. Kiểm tra đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại 10 cơ sở.
- Công tác quản lý thương mại:
Công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh có điều kiện: cấp 172 Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, xác nhận 10 Giấy Xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu và 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho cửa hàng bán LPG và Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý kinh doanh LPG, Xác nhận 06 Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm Tổng đại lý kinh doanh LPG, cấp 1 giấy phép bán buôn thuốc lá và 1 giấy phép bán buôn rượu.
Phối hợp tổ chức lớp học nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) cho hơn 100 người.
Công tác xúc tiến thương mại: Biên nhận 2.304 thông báo chương trình khuyến mại với giá trị gần 33 tỷ đồng; xác nhận 151 chương trình đăng ký khuyến mại bốc thăm trúng thưởng cho với giá trị hơn 8,733 tỷ đồng; Xác nhận 91 cuộc tổ chức Hội thảo về phân bón; Xác nhận kế hoạch tổ chức Hội chợ - Triển lãm năm 2018, cho 13 đợt hội chợ.
Xác nhận thông báo hoạt động bán hàng đa cấp cho 22 doanh nghiệp, xác nhận cho phép tổ chức 20 đợt hội thảo cho 4 Công ty.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ, đã có 17 đơn vị tham gia đầu tư, kinh doanh khai thác và quản lý 19 chợ; Triển khai xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo VSATTP tại chợ Tân An.
Tham mưu Đoàn Thanh tra liên ngành về giải quyết kiến nghị của các tiểu thương liên quan đến chợ và triển khai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về giải quyết khiếu nại kiến nghị của tiểu thương.
Lập, triển khai kế hoạch công tác bình ổn giá, tham mưu cho các đơn vị tham gia bình ổn vay vốn lãi suất ưu đãi; giải cứu các sản phẩm nông nghiệp rớt giá; Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Hoạt động của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
Lập kế hoạch, triển khai Ngày người tiêu dùng 15/03;
Tổ chức hội thảo với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”.
Xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2018-2020.
Thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các hoạt động của Hội. Tuyên truyền người tiêu dùng, dùng hàng Việt Nam là yêu nước.
Thương mại quốc tế và Hội nhập kinh tế thế giới:
Công tác xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại: Đã soạn thảo hơn 10 văn bản và báo cáo về các vấn đề liên quan.
Về thương mại biên giới và hợp tác phát triển: Phối hợp với Bộ Công Thương về triển khai xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào; Việt Nam – Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, lĩnh vực thuộc tỉnh Đắk Lắk.
Về hội nhập kinh tế quốc tế: Xây dựng kế hoạch thực hiện tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế; Chương trình thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Về thương mại điện tử: Xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020. Báo cáo số giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn; Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
- Công tác quản lý điện năng: Tình hình cung ứng điện và điện sản xuất: Trong năm, trên địa bàn không xảy ra hiện tượng cắt điện luôn phiên do thiếu nguồn. Việc cung cấp điện đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp.
Thỏa thuận tuyến cấp điện và hành lang tuyến của các công trình:
Triển khai thực hiện rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng: cấp điện cho khách hàng đối với lưới điện trung áp trên không là 20 ngày, trung áp đi ngầm là 28 ngày (áp dụng với công trình trạm biến áp dưới 2 MVA).
Lĩnh vực an toàn điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt về an toàn hành lang lưới điện cao áp; phối hợp với Truyền tải để tuyên truyền bảo vệ an toàn lưới điện cao áp tại các địa phương.
Công tác tiết kiệm điện: Tham mưu ban hành văn bản về thực hiện tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh; Tổ chức Sự kiện Giờ trái đất năm 2017.
Cấp giấp phép hoạt động điện lực cho 07 tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Thẩm định các công trình điện: đã thẩm định được 12 công trình với tổng giá trị 101 tỷ đồng, trong đó có 02 thiết kế cơ sở.
- Công tác kỹ thuật, an toàn môi trường: Thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn công nghiệp: Tham mưu cấp giấy phép sử dụng VLNCN tại 11 địa điểm; Đăng ký sử dụng VLNCN tại 18 địa điểm khai thác khoáng sản cho 01 đơn vị dịch vụ nổ mìn; Kiểm tra tình hình quản lý kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN tại 20 đơn vị; Thẩm định thiết kế bản vẽ thi công dự án khai thác chế biến khoáng sản rắn cho 01 dự án và thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật 01 kho chứa VLNCN; Thông báo xác nhận bản công bố hợp quy sản phẩm phân bón vô cơ cho 08 đơn vị sản xuất, nhập khẩu phân bón trên địa bàn; Tham mưu bổ sung quy hoạch 01 trạm chiết nạp LPG vào chai tại Khu công nghiệp Hòa Phú và chủ trương xây dựng 01 trạm cấp LPG phục vụ Trung tâm thương mại; Tổ chức huấn luyện và sát hạch cấp Giấy chứng nhận Thợ mìn cho 47 cá nhân.
- Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực thủy điện và năng lượng tái tạo:
Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành hồ chứa của 01 công trình thủy điện; Tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt 01 Phương án bảo vệ đập; 09 Phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập và 13 phương án phòng chống lũ lụt hạ du đập cho các công trình thủy điện; Xây dựng Kế hoạch ứng phó thiên tai của ngành Công Thương; Tham mưu bổ sung 12 dự án điện năng lượng mặt trời vào quy hoạch.
- Hoạt động của Hội cơ khí:
Thông tin tuyên truyền các hoạt động ngành cơ khí; Phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các văn bản Pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh đến các Hội viên; Vận động Hội viên tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ VI (2016-2017).
Tư vấn những giải pháp công nghệ, cung cấp thiết bị máy móc phục vụ cho sản xuất công nghiệp nông thôn theo nội dung khuyến công.
Tham gia gian hàng triển lãm các sản phẩm cơ khí tỉnh Đắk Lắk tại Festival cà phê lần thứ VI.
Ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội cơ khí tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc.
Thực hiện đề án khuyến công, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho 100 cơ sở cơ khí, trên địa bàn tỉnh.
- Công tác khuyến công:
Khuyến công quốc gia: Thực hiện: 2/3 chiếm 67%KH năm. Tổng kinh phí: 2.650 triệu đồng. Kinh phí KCQG hỗ trợ thực hiện: 400 triệu đồng, chiếm 67% KH năm. Khuyến công địa phương: Thực hiện: 15/16 chiếm 94% KH năm. Tổng kinh phí: 2.045 triệu đồng. Kinh phí KCĐP hỗ trợ thực hiện : 1.115 triệu đồng, chiếm 94 % KH năm.
Công tác tư vấn phát triển CN: Tư vấn thẩm tra thiết kế, dự toán: 02 công trình; Tư vấn giám sát thi công: 02 công trình. Doanh thu 277.000.000 đồng.
- Công tác xúc tiến thương mại:
Hội chợ Triển lãm: Tổ chức thành công Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4. Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, với 735 gian hàng của 234 đơn vị tham gia, trong đó số gian hàng chuyên ngành cà phê: 295 gian; các gian hàng trưng bày, triển lãm các sản phẩm phụ trợ liên quan đến cà phê: 293 gian hàng; các sản phẩm thương mại đặc trưng của các tỉnh thành trong nước: 89 gian hàng; Số gian hàng của các doanh nghiệp nước ngoài: 58 gian hàng. Mỗi ngày có trên 60.000 lượt khách tham quan. Có hàng trăm biên bản ghi nhớ hợp tác của các doanh nghiệp tham gia gian hàng tại hội chợ triển lãm ký kết và trên 30 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong trong ngành cà phê.
Hội chợ triển lãm ngoài tỉnh: Đã tổ chức tham gia 08 Hội chợ, hỗ trợ 19 lượt doanh nghiệp với 24 gian hàng, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Tổ chức 01 Phiên chợ hàng Việt về miền núi, thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017. Kết quả có 21 đơn vị tham gia với 52 gian hàng.
Tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về Miền núi từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia, kết hợp tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tổ chức Tập huấn nâng cao năng lực: Tổ chức 03 lớp tập huấn có 249 lượt học viên của 122 lượt đơn vị đăng ký tham gia.
Tổ chức, tham gia 05 Hội nghị, Hội thảo, kết quả đã có 18 cặp biên bản được ký kết tại Hội nghị, hội thảo.
Ấn phẩm, tuyên truyền: Đã thực hiện cập nhật 97 tin bài và 190 ảnh trên website ngành Công Thương; Tiếp tục tái bản 910 cuốn cẩm nang xúc tiến thương mại và in sang 1.000 đĩa CD rom nhằm cập nhật thông tin quảng bá đến nhà đầu tư, doanh nghiệp trên cả nước.
Khảo sát thị trường, kết nối giao thương: Tổ chức Hội nghị kết nối giao thương Đắk Lắk – Phú Yên với 31 doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối của 2 tỉnh. Kết quả có 25 cặp biên bản được ký kết tại Hội nghị; Tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia khảo sát, kết nối giao thương tại Nam Trung Bộ. Kết quả, có 30 cặp biên bản ghi nhớ được ký kết.
- Công tác quản lý thị trường: Trong năm đã thu phạt hành chính 4.405.254 triệu đồng vượt 40% kế hoạch.
Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm: đã xử lý 107 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu. Qua xử lý thu được số tiền là 2.247.103.000 đồng, trong đó tiền phạt vi phạm hành chính là 1.116.150.000 đồng, tiền bán hàng hóa tịch thu 539.688.000 đồng, giá trị hàng hóa tịch thu: 591.265.000 đồng. Về kiểm tra hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ: xử lý vi phạm được 22 vụ vi phạm, phạt hành chính được 242.150.000 đồng.
Kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm: Xử lý 02 vụ vận chuyển thịt heo không có nguồn gốc xuất xứ với tổng khối lượng 903 kg, xử phạt hành chính với tổng số tiền 25.000.000 đồng, tiêu hủy toàn bộ số thịt.
Kiểm tra về gian lận thương mại: Đã kiểm tra, xử lý 08 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 15.500.000 đồng.
Công tác phối hợp với các lực lượng chức năng: Chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành xử lý 55 vụ vi phạm, tổng số tiền thu qua được qua xử lý: 1.402.755.755 đồng (trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính: 675.920.000 đồng, tiền bán hàng hóa và truy thu: 289.506.480 đồng, giá trị hàng hoá tịch thu: 437.329.275 đồng).
Công tác tham mưu xử lý các vụ vi phạm vượt thẩm quyền: tham mưu xử lý được: 54 hồ sơ vụ việc vượt thẩm quyền, tổng số tiền thu được qua xử lý 4.082.061.207 đồng. Tiếp nhận 01 hồ sơ chuyển tới để xử lý, xử phạt vi phạm hành chính 40.000.000 đồng.
- Công tác thanh tra:
Thanh tra chuyên ngành: Đã tiến hành 07 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 39 tổ chức, cá nhân và 04 công trình điện; Tham gia phối hợp kiểm tra đối với 11 đơn vị; kiểm tra đột xuất đối với 21 đơn vị; kiểm tra về hoạt động thủy điện đối với các 05 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đã chủ trì 03 cuộc kiểm tra liên ngành đối với 20 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và 10 cơ quan quản lý nhà nước. Qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành 54 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền xử phạt hành chính là 425.600.000 đồng. Đồng thời, đã tước quyền sử dụng có thời hạn 02 Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC: đã xây dựng lịch trực tiếp công dân thường xuyên theo quy định và lịch tiếp công dân đột xuất. Trong năm 2017, đã tiếp nhận 14 đơn/14 vụ việc. Các đơn thư thuộc thẩm quyền đã được giải quyết xong dứt điểm; Số đơn không thuộc thẩm quyền đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết: 07đơn/07 vụ việc.
Công tác phòng, chống tham nhũng: đã ban hành Kế hoạch công tác PCTN năm 2017; Đồng thời, tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đối với đơn vị trực thuộc.
- Công tác cải cách hành chính: Trong năm 2017, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả đã tiếp nhận 1.168 hồ sơ trong đó: 1.113 hồ sơ được giải quyết đúng hạn; 55 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết và không có hồ sơ bị trễ hạn. Thu phí, lệ phí: 374.898.844 đồng. Đã thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết từ 20 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc đối với 12 thủ tục kinh doanh xăng dầu. Rút ngắn thời gian giải quyết từ 30 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc đối với 4 thủ tục kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
Công bố công khai 112 TTHC, thông báo việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trên Hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông tỉnh Đắk Lắk.
* Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu này, ngành Công Thương đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, tập trung vào những sản phẩm có nhiều lợi thế, cải tiến, giao kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp cho các địa phương. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện thị xã thành phố kiểm tra, đôn đốc, động viên các doanh nghiệp tăng cường tiết kiệm vật tư, nhiên liệu đầu vào, tích cực chủ động trong huy động vốn bằng nhiều hình thức, chủ động triển khai các nhiệm vụ khuyến công, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích phát huy tinh thần tự chủ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cùng với các ngành tích cực nắm bắt các khó khăn của các dự án đang đầu tư trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ.
Nhìn lại một năm, ngành Công Thương Đắk Lắk đã khẳng định sự nỗ lực của tỉnh, của ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh hết sức khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới nhưng chúng ta vẫn có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo trong năm 2018, khó khăn còn rất lớn, nhưng với sự cố gắng, ý chí vươn lên, ngành Công Thương Đắk Lắk chắc chắn sẽ lại có một năm vượt khó đi lên hoàn thành nhiệm vụ.