Ngành Thương Mại Đắk Lắk: vững vàng đồng hành thị trường

Thứ năm - 13/05/2021 01:53
Được thành lập và củng cố ngay sau ngày đất nước thống nhất, thương mại Đắk Lắk chính là một trong những ngành mũi nhọn của vùng kinh tế trọng điểm Tây Nguyên, trực tiếp mở các kênh hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân và định hướng xuất khẩu.
Vượt qua những khó khăn nhất định từ thời bao cấp, rồi tham gia thị trường mở cửa, tự do cạnh tranh, toàn ngành luôn vững vàng tư thế tiên phong, đồng hành với từng nhịp phát triển kinh tế xã hội quốc dân, góp phần vào cục diện bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biên giới Tổ quốc.
Hiện trạng lịch sử của thương mại Đắk Lắk sau ngày miền Nam giải phóng, là đời sống người dân toàn tỉnh rất khó khăn, các mặt đầu tư kinh tế, cơ sở vật chất thiếu thốn, khiến cơ hội phát triển hàng hóa thương mại bị kìm hãm. Đắk Lắk lại nằm ở cao nguyên trung phần, đường sá sau chiến tranh trở ngại, càng khiến cho năng lực vận tải hàng hóa đi các nơi thêm hạn chế. Tất cả khiến địa phương suốt một thời gian dài chỉ cố gắng duy trì ổn định việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho người dân, trở ngại trong kết nối phân phối hàng hóa đi các vùng miền khác.
Ngay từ giai đoạn đầu mở cửa kinh tế, nhận diện được thế mạnh phát triển của kinh tế vùng Tây Nguyên mà Đắk Lắk là cửa ngõ quan trọng, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo đầu tư, mở mới nhiều tuyến đường giao thông liên tỉnh, thông luồng giao thương bắc nam. Từ đó, Đắk Lắk có được hệ thống giao thông kết nối mạnh mẽ với các trung tâm kinh tế như Đà Nẵng, TP.HCM qua QL 14, cảng biển Nha Trang, Đà Lạt qua QL 26, 27 và cảng Vũng Rô – Phú Yên qua QL 29, chưa kể QL 14C kết nối với nước bạn Campuchia. Hệ thống giao thông đường bộ này đã giúp địa phương định vị quan hệ cung ứng hàng hóa thương mại giữa các khu vực trong tỉnh, giữa tỉnh với các vùng miền khác của cả nước.
Có được nền tảng giao thương thông suốt ấy, hoạt động thương mại tỉnh Đắk Lắk nhanh chóng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh. Những năm qua, cơ cấu kinh tế địa phương đã dịch chuyển theo hướng lợi thế này, định vị cho ngành thương mại - dịch vụ Đắk Lắk chiếm tỷ trọng tăng trưởng bình quân đến 13,5% ở giai đoạn 2011 – 2020.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn ngành giai đoạn này đã đạt được 492.267 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ tăng bình quân 12,%/năm. Trong đó, mức bán lẻ hàng hóa chiếm đến 91,02% doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh, với nhiều mặt hàng hóa tiêu thụ tốt là lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, hàng tiêu dùng… Mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là những mặt hàng nhu yếu phẩm cho nhân dân từng bước mở rộng, xây dựng các điểm bán hàng bình ổn giá đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, cung ứng tốt các mặt hàng chính sách xã hội và hàng hóa tiêu dùng cho người dân trên địa bàn.
Riêng về hạ tầng thương mại dịch vụ, đến nay toàn tỉnh Đắk Lắk có 148 chợ, gồm 2 chợ hạng 1, 15 chợ hạng 2, và 131 chợ hạng 3; 6 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và khoảng 475 của hàng xăng dầu, phân bổ đều trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố. Các cơ sở hạ tầng thương mại này đều được đầu tư, cải thiện tốt, từng bước hiện đại hóa, quy mô hóa theo nhu cầu đời sống nhân dân và chuẩn tiêu dùng của xã hội.
Đặc biệt, Đắk Lak là địa phương xây dựng được quan hệ gắn bó, chặt chẽ giữa các mô hình kinh doanh thương mại, vừa bảo đảm hệ thống chợ truyền thống ngày một phát triển, vừa đôn đốc xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại chất lượng, cùng góp phần cung ứng hàng hóa tiêu dùng với giá cả bình ổn và hình thành những thói quen giao dịch văn minh, hiện đại trong vùng dân cư.
Cạnh hoạt động kinh doanh hàng hóa nội địa, hoạt động xuất khẩu của Đắk Lắk vẫn duy trì bình ổn với các thị trường truyền thống, tiếp cận thêm một số thị trường mới, với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản ngày càng tăng. Thị trường xuất khẩu của tỉnh, trong đó xuất khẩu cà phê được mở rộng trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2020 đạt 5.621 triệu USD, bình quân hàng năm đạt 562 triệu USD. Các mặt hàng được thị trường bên ngoài ưa chuộng là café nhân, cao su, hạt tiêu, mật ong…; đặc biệt là các mặt hàng chế biến công nghệ cao như tinh bột sắn, ca cao, café hòa tan… Tổng kim ngạch nhập khẩu toàn ngành giai đoạn 2011 – 2020 cũng đạt 532 triệu USD, bình quân hàng năm đạt 53,2 triệu USD.
Lợi thế đáng ghi nhận ở đây, là cộng đồng các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thương mại của tỉnh luôn nỗ lực đồng hành với địa phương, tổ chức khai thác tốt các nguồn hàng trong và ngoài tỉnh, đồng thời tham gia điều tiết hàng hóa khi có yêu cầu để bình ổn thị trường phục vụ nhân dân.
Qua đó, hoạt động ngành thương mại địa phương ngày càng gắn bó cùng các doanh nghiệp, chủ động cùng nhau xây dựng tốt các thị phần nội địa, đầu tư chiều sâu vào các thị trường lớn, cân đối hợp lý cả ba khu vực thành phố, nông thôn, miền núi.
Quan hệ gắn kết này còn thể hiện qua những chương trình hợp tác tổ chức đầu tư thương mại giữa các doanh nghiệp với người dân, các HTX để có định hướng bền vững về xây dựng các vùng nguyên liệu, nông thổ sản, nuôi trồng và tổ chức dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp hiệu quả, định vị các chương trình lưu thông hàng hóa, logicstics đồng bộ…
Nhìn lại chặng đường dài đã qua, ngành thương mại Đắk Lắk ghi nhận những thành quả quan trọng nhờ các chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập quan trọng của Trung ương và địa phương, từng bước hỗ trợ ngành hoạt động hiệu quả, không ngừng tăng tốc đầu tư, gắn chặt sản xuất kinh tế với lưu thông hàng hóa để phát huy thế mạnh của tỉnh, đồng hành và phục vụ tốt nhu cầu nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh chính trị toàn tỉnh.

Tác giả: Trần Trọng Lưu - Trưởng phòng Quản lý Thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 5 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây