Trong những năm qua, để tham gia hiệu quả vào việc triển khai Chương trình khuyến công, nhất là các chính sách khuyến công theo các Chương trình, Đề án của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã chủ động phối hợp với Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk xây dựng Đề án khuyến công hàng năm trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó xác định tập trung thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xúc tiến thương mại; lồng ghép Chương trình Khuyến công với các chương trình, dự án khác, cụ thể: Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng, quảng bá thương hiệu, tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất kinh doanh, so chế biến nông sản và phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Qua đó Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk xây dựng 05 Đề án Khuyến công để triển khai đến cán bộ, hội viên, nông dân (HVND), kết quả như sau:
Một là, Giai đoạn 2015 - 2020 hai cơ quan đã tổ chức triển khai thực hiện được 05 Đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện là 420.000.000 đồng và lồng ghép với Chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới là trên ba trăm triệu đồng nên đã đạt được các mục tiêu, nội dung của Chương trình đã đề ra.
Hai là, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức sơ chế, bảo quản nông sản và chính sách khuyến công được các cấp hội tuyên truyền, phổ biến thường xuyên. Kết quả từ năm 2016 đến năm 2020, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã lồng ghép tổ chức được 5.790 buổi tuyên truyền với 260.550 lượt HVND tham dự.
Ba là, công tác tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Hội cơ sở Hội về công tác khuyến công đều đạt và vượt mục tiêu của đề án. Cụ thể 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đắk Lắk triển khai 12 lớp tập huấn ở 12 đơn vị Hội Nông dân các huyện, Thị xã Buôn Hồ nhằm nâng cao kiến thức sơ chế sau thu hoạch, bảo quản nông sản và phổ biến, tuyên truyền chính sách khuyến công cho 1.272 cán bộ cơ sở Hội, chi, tổ Hội, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Vượt gần 100 người thụ hưởng so với Đề án. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Đắk Lắk đã cử báo cáo viên hướng dẫn, giảng bài, trao đổi và phổ biến Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 20/2017/TT-BCT, ngày 29/9/2017 của Bộ Công thương về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công ; Thông tư số 28/2018/TT-BTC, ngày 28/3/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí Khuyến công; Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND, ngày 06/11/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành Quy định về tổ chức thực hiện và quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (thay thế Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND, ngày 12/2/2015 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành Quy định về tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk) và các biểu mẫu liên quan đến đề án khuyến công …
- Hội Nông dân tỉnh đã hợp đồng Giảng viên khoa Chế biến chế biến Lâm, Nông sản – Thực phẩm, Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên hướng dẫn, phổ biến kiến thức sơ chế sau thu hoạch, bảo quản nông sản.
- Báo cáo viên Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk phổ biến, hướng dẫn về các nhiệm vụ cụ thể của cán bộ cơ sở Hội, chi, tổ Hội trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức sơ chế sau thu hoạch, bảo quản nông sản và chính sách khuyến công đến hội viên nông dân nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung.
Bốn là, Một số kết quả nổi bật trong công tác tổ chức thực hiện đề án
Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị Hội triệu tập Hội viên nông dân tham dự đúng thành phần và số lượng đã đề ra. Thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, từ năm 2016 – 2020, 12/15 huyện, Thị Hội đã chỉ đạo cơ sở Hội cử cán bộ, chi, tổ Hội, hội viên nông dân tham gia lớp tập huấn đạt và vượt kế hoạch đề ra, điển hình như: năm 2016, tại huyện Krông Pắc 126/100 hội viên nông dân tham dự, đạt 126% kế hoạch đề ra, năm 2017, tại huyện Krông Ana, 135/100 hội viên nông dân tham dự, đạt 135% kế hoạch đề ra…
Căn cứ vào thực tế tổ chức thực hiện Đề án Khuyến công từ năm 2015 – 2018 và để tiếp nối những kết quả đã đạt được từ các lớp tập huấn, trong 2 năm 2019 – 2020, Hội Nông dân tỉnh đã đề xuất thêm nội dung thăm quan học tập kinh nghiệm thực tế tại các mô hình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và đã được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Trong 2 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức cho 400 hội viên nông dân thăm quan các mô hình thực tế tại tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể như sau:
* Năm 2019:
- Tại huyện Buôn Đôn: 100 hội viên nông dân đã được thăm quan học tập kinh nghiệm tại Khoa Chế biến Lâm, Nông sản – Thực phẩm, Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên và Hợp Tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết huyện Cư M’gar.
- Tại huyện Ea Kar: 100 hội viên nông dân đã được thăm quan học tập kinh nghiệm tại Khoa Chế biến Lâm, Nông sản – Thực phẩm, Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên và Hợp Tác xã sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi huyện Krông Năng.
* Năm 2020:
- Tại Thị xã Buôn Hồ: 100 hội viên nông dân đã được thăm quan học tập kinh nghiệm tại Hợp Tác xã sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi huyện Krông Năng và Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Thiện Bản Thị xã Buôn Hồ.
- Tại huyện Ea H’leo: 100 hội viên nông dân đã được thăm quan học tập kinh nghiệm tại Hợp Tác xã sản xuất nông nghiệp thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi huyện Krông Năng và Hợp tác xã nản xuất nông nghiệp Ea Wy huyện Ea H’leo.
Sau 02 năm thực hiện Chương trình phối hợp theo hướng đổi mới theo hướng hội viên nông dân đã được thăm quan học tập kinh nghiệm thực tế tại các mô hình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ đó, đúc rút kinh nghiệm để ứng dụng khoa học và công nghệ vào sơ chế sau thu hoạch, bảo quản nông sản nhằm nâng cao chất lượng nông sản, làm tăng giá trị và tăng thu nhập của Hộ gia đình nói riêng và của các Hợp Tác xã, Tổ hợp tác do các cấp Hội Nông dân hướng dẫn thành lập nói chung góp phần vào việc phát triển kinh tế tại địa phương.
Ngoài ra, các hội viên nông dân được thăm quan học tập kinh nghiệm còn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến cho hộ gia đình và hội viên nông dân tại địa phương. Qua đó, từ năm 2016 – 2020, các hội viên nông dân đã tuyên truyền phổ biến cho hơn 1 triệu lượt hội viên nông dân góp phần vào việc sơ chế sau thu hoạch, bảo quản nông sản của hộ gia đình.
Từ những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, để công tác phối hợp hoạt động khuyến công thời gian tới đạt được kết quả tốt hơn, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp tổ chức tốt một số nội dung cụ thể như sau:
1. Các cấp Hội tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh Đắk Lắk tổ chức thực hiện Đề án khuyến công cho cán bộ cơ sở Hội, chi, tổ Hội, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
2. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể hội viên nông dân kiến thức sơ chế sau thu hoạch, bảo quản nông sản và phổ biến chính sách khuyến công. Qua đó, vận động nông dân chủ động tiếp cận chính sách khuyến công của Nhà nước.
3. Lồng ghép vào việc tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn để tuyên truyền nhằm nâng cao sơ chế sau thu hoạch, bảo quản nông sản.
4. Phối hợp xây dựng mô hình điểm trong sơ chế sau thu hoạch, bảo quản nông sản để làm điểm cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh thăm quan học tập kinh nghiệm.
5. Thực hiện công tác sơ, tổng kết và nhân rộng các hoạt động nổi bật góp phần quan trong vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.