Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 18/12/2018 21:29
Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng ở một nước nhiệt đới, các tỉnh tại Việt Nam đã hình thành các vùng nguyên liệu trái cây khá tập trung phục vụ cho chế biến công nghiệp và tiêu dùng. Đắk Lắk với diện tích tự nhiên 1.303.048,53 ha, điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp đặc biệt là cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu,… Bên cạnh thế mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực thì sản xuất cây ăn quả như sầu riêng, cam, quýt, … cũng có nhiều tiềm năng.
Là một trong những huyện phát triển về kinh tế bậc nhất của tỉnh Đắk Lắk. Huyện Ea Kar có diện tích tự nhiên là 103.747 ha, không phải là vùng đất thế mạnh về cây cà phê và hồ tiêu, do đó, huyện đã có hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển các loại cây ăn quả đã mang lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho nông dân. Theo các báo cáo tham luận tại Hội thảo – Hội chợ phát triển cây ăn trái trên địa bàn huyện Ea Kar ngày 20/10/2018, địa bàn Đắk Lắk hiện có 26.517 ha cây ăn trái, tập trung chủ yếu là bơ và sầu riêng, với thị trường tiêu thụ chính ở trong nước. Riêng huyện Ea Kar, có khoảng trên 2.000 ha cây ăn trái, gồm các cây trồng chính như: bơ, sầu riêng, mít, nhãn, vải và giống cây có múi (cam, bưởi da xanh và quýt đường) mang lại giá trị kinh tế hàng năm khoảng trên 100 tỷ đồng. Năm 2017, được xem là năm bội thu cho giống cây có múi khi sản lượng thu hoạch cam, quýt, bưởi đạt 1.358 tấn và là huyện có sản lượng lớn nhất tỉnh, đây cũng có thể là tiền đề để phát triển trái cây chủ lực cho huyện.
Ea Kar được xem là vùng đất giàu tiềm năng về phát triển cây ăn trái. Tuy nhiên, những năm gần đây việc trồng cây ăn quả đã mang lại giá trị kinh tế cao nên người dân đầu tư phát triển một cách ồ ạt chưa đúng theo quy hoạch của Nhà nước, dẫn đến nguy cơ việc sản xuất và tiêu thụ thiếu bền vững. Ngoài ra, một thực trạng nổi lên là khâu đầu tư chế biến tinh sau thu hoạch vẫn còn rất hạn chế. Diễn biến giá cả tăng giảm thất thường phần nào ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm và dễ bị ép giá. Việc xây dựng thương hiệu riêng để truy xuất nguồn gốc xuất xứ khi mặt hàng trưng bày tại hội chợ hoặc trung tâm thương mại cho các sản phẩm trái cây của huyện cũng đang gặp vấn đề. Hầu hết các sản phẩm đều được bán “tươi”, không tập trung vào xây dựng một thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý riêng cho các sản phẩm này nên giá trị của các sản phẩm trái cây đem lại dễ dẫn đến tình trạng giá cả không ổn định. Do trái cây có thời điểm thu hoạch tập trung và số lượng lớn, giao thông chưa thuận tiện nên nhiều nhà vườn không thể tiêu thụ hết dẫn đến để rơi rụng tại gốc và thua thiệt. Thị trường tiêu thụ trái cây của huyện chủ yếu tập trung ở các thành phố như: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Buôn Ma Thuột,...
Cùng với đẩy mạnh phát triển trái cây chủ lực là nỗi lo về vấn đề tiêu thụ sản phẩm của người dân. Hiện nay, việc tiêu thụ những sản phẩm nông sản này còn khá manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn vào tư thương. Vì vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để phát triển sản xuất theo hướng tập trung, tiêu thụ hàng hóa nông sản theo hợp đồng sẽ tạo thế ổn định và bền vững.
Các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh đã và đang tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh trên thị trường. Hàng năm, ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyến khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiêu thụ sản phẩm cho các sản phẩm của địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đem lại cơ hội quảng bá đến các thị trường mới thông qua hội chợ trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm, hội nghị kết nối cung cầu với các kênh phân phối hàng hóa nội địa khác.
Theo định hướng phát triển đến năm 2020 của tỉnh, chủ trương của tỉnh sẽ đưa cây ăn quả thành một trong những loại cây trồng chính. Do đó, với thế mạnh về trồng cây ăn trái của huyện sẽ cần có những định hướng, giải pháp để phát triển bền vững và xúc tiến thương mại cây ăn trái mở rộng các kênh phân phối, chẳng hạn như: Một là, quy hoạch, xây dựng các mô hình chuyên canh cây ăn quả thuận tiện cho việc quản lý và chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ cũng như chứng nhận được nguồn gốc của sản phẩm; kết hợp giữa nhà nông, nhà khoa học, nha phân phối và nhà quản lý một cách đồng bộ. Hai là, xây dựng thương hiệu riêng cho trái cây của huyện, từng bước khẳng định vị trí tại thị trường nội địa và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ở thị trường quốc tế. Ba là, tận dụng các nguồn hỗ trợ từ lĩnh vực xúc tiến thương mại của tỉnh để quảng bá, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
(Nguồn: Niên giám thống kê năm 2017; Tài liệu Hội thảo phát triển cây ăn quả huyện Ea kar năm 2018)