Tham gia chỉ đạo Chương trình có Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, Các phòng: Quản lý Công nghiệp, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Văn phòng; Trung tâm Xúc tiến Thương mại cùng các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Nghiêm – Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk
Ông Lê Hồng Giang – Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh
Hội nghị kết nối giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm tinh bột sắn nói riêng và nông sản Đắk Lắk nói chung sang thị trường Trung Quốc tại hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn là hoạt động có ý nghĩa, thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động này không chỉ mang lại những hiệu quả tích cực bổ ích mang tính định hướng cho các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. Kết thúc đoàn công tác đã tiếp nhận, học tập được nhiều kết quả quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn trong công tác xúc tiến thương mại, cũng như công tác định hướng xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh trong giao đoạn hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Hải Phó giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn
Theo khuyến cáo của Sở Công Thương Quảng Ninh và Lạng Sơn, hiện nay việc xuất khẩu hàng hóa nông sản của doanh nghiệp trong nước sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn:
* Về mặt khách quan:
Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa nông sản các loại nhập khẩu từ Việt Nam với nhiều tiêu chuẩn, quy định và biện pháp kỹ thuật khắt khe:
- Xây dựng tường rào dọc tuyến biên giới Việt Nam và Trung Quốc nhằm ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu theo đường tiểu ngạch vào Trung Quốc;
- Xây dựng hệ thống theo dõi, lắp đặt camera quan sát, thường xuyên tuần tra 24/24 dọc tuyến biên giới, chốt chặn các đường mòn, giao thông đấu nối với đường tuần tra biên giới, ngăn chặn phương tiện giao nhận hàng hóa tại các điểm xuất hàng từ Việt Nam sang;
- Bổ sung một số mặt hàng vào danh mục cấm nhập khẩu và điều chỉnh danh mục hàng hóa thương mại biên giới được nhập khẩu...
* Về mặt chủ quan:
Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng còn thụ động, chưa đầu tư thay đổi về quy trình, tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh mặc dù đã được khuyến cáo từ chính phủ Trung Quốc;
Chi phí đầu tư áp dụng tiêu chuẩn lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; quản lý quy cách, quy trình sản xuất cao;
Đoàn Công tác tham quan cầu Bắc Luân II – Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc)
Quy định đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc:
Theo đó, từ ngày 01/5/2018, Trung Quốc đã tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu vào thị trường này, nhất là hoa quả có nguồn gốc từ Thái Lan và Việt Nam, tất cả các doanh nghiệp phía Trung Quốc xin nhập khẩu hoa quả, trái cây từ Việt Nam và Thái Lan đều phải có giấy phép của cơ quan kiểm dịch động, thực vật, phải có đầy đủ thông tin về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu. Hiện nay Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc 09 loại trái cây (gồm: thanh long, nhãn, xoài, vải, chuối, mít, chôm chôm, dưa hấu và măng cụt).
Đối với mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát, tháng 11/2018, Cơ quan Hải quan phía Trung Quốc thông báo các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Trung Quốc phải thông qua Chính phủ Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để đăng ký danh sách doanh nghiệp sản xuất với cơ quan Hải quan Trung Quốc. Các yêu cầu cụ thể của phía cơ quan Hải quan Trung Quốc đó là:
- Hàng hoá (tinh bột sắn, sắn lát) phải do doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trong danh sách đã được đăng ký với cơ quan Hải quan Trung Quốc;
- Khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu phải xuất trình chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan Kiểm dịch của Việt Nam chứng nhận;
- Nhãn mác biểu thị trên bao bì phải được in lên bao bì vừa đóng gói trước khi xuất xưởng, không cho phép hàng hoá đến cửa khẩu mới dùng biện pháp phun tạm thời hoặc lồng bao bì có in sẵn sản phẩm hay những cách thức và hình thức khác;
- Trên bao bì cần ghi rõ ít nhất 5 yếu tố như: Nơi sản xuất, cấp bậc chất lượng, đơn vị sản xuất, ngày sản xuất và ghi rõ ràng hàng hoá dùng trong thực phẩm hay dùng trong công nghiệp (trong đó nếu dùng làm thực phẩm thì không cần phải ghi cấp bậc chất lượng).
Đối với các sản phẩm nông sản khác, từ đầu năm 2019 trở lại đây, Trung Quốc tiếp tục siết chặt tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Trung quốc cũng đã sáp nhập cơ quan Kiểm dịch, Kiểm nghiệm vào Hải quan, theo đó sẽ thực hiện kiểm dịch hàng hóa trước rồi mới tới các thủ tục tiếp theo. Hàng hóa hoa quả nông sản từ Việt Nam bắt buộc phải thuộc các vườn trái cây hoặc xưởng đóng gói được cơ quan chức năng Việt Nam đăng ký và được Tổng cục Hải quan xác nhận; bắt buộc phải làm thủ tục thẩm định kiểm dịch; khi khai báo phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan chức năng Việt Nam; Tem, nhãn mác trên bao bì phải in trên bao bì gốc trước khi sản phẩm xuất xưởng, không được đưa hàng hóa đến cửa khẩu mới phun, in tạm thời hoặc đóng thêm bao bì có nhãn mác; Trên bao bì ít nhất phải ghi rõ 3 yếu tố gồm tên gọi, xuất xứ, tên gọi hoặc mã đại lý xưởng đóng gói.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tập trung kiểm soát và quản lý chặt chẽ các mặt hàng chưa có trong danh mục được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, đặc biệt phía Quảng Tây, Trung Quốc đã thông qua "Điều lệ an toàn thực phẩm Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây", có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2019 nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm (lương thực, rau xanh, trái cây tươi, trái cây khô, măng, gia súc, gia cầm, thịt các loại, trứng, mật ong, thủy sản, hải sản và nấm) tiêu thụ trên địa bàn Quảng Tây.
Chụp ảnh lưu niệm cùng Sở Công Thương Lạng Sơn
Qua việc tổ chức đoàn khảo sát, kết nối giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm tinh bột sắn nói riêng nông sản nói chung sang thị trường Trung Quốc tại hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng sơn có thể thấy:
Mặt tích cực:
* Về cơ sở hạ tầng:
Hiện nay trên tuyến biên giới đất liền của Quảng Ninh và Lạng Sơn có các cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng đã được công bố thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, tái xuất hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hóa, có đầy đủ các lực lượng chức năng, được đầu tư cơ bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu. Hệ thống nhà làm việc liên hợp tại một số cửa khẩu các tỉnh được chú trọng đầu tư, xây dựng; đường giao thông, nhà công tác của các lực lượng chức năng, hệ thống kho bãi tại các khu vực cửa khẩu thường xuyên được nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu.
* Về công tác liên kết, phát triển:
Sở Công Thương Lạng Sơn và Quảng Ninh luôn chủ động nắm bắt thông tin về cơ chế chính sách phía Trung Quốc và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, đặc biệt vào mùa vụ thu hoạch nông sản; Thường xuyên cung cấp thông tin tới Sở Công Thương các tỉnh có hàng hoá xuất khẩu để kịp thời phối hợp, giải quyết khi có khó khăn, vướng mắc; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt thông tin thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa.
* Về kết nối tiêu thụ sản phẩm: Được các tỉnh quan tâm, chú trọng đặc biệt là Sở Công Thương Quảng Ninh đã kết nối đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại (Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng, khách sạn và Trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP) và chợ truyền thống; kết nối các sản phẩm của địa phương vào hệ thống phân phối Big C trên toàn quốc...
Mặt hạn chế:
Doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, còn trông chờ các hướng dẫn của các bộ, ngành cơ quan khiến doanh nghiệp thiếu những chuẩn bị cần thiết để đối phó với tình huống mới;
Doanh nghiệp còn thụ động trong việc tìm hiểu nắm bắt thông tin, chưa đặt được các câu hỏi mang tính cốt lõi để đáp ứng và tháo gỡ những khó khăn hiện tại cho doanh nghiệp;
Giải pháp và bài học kinh nghiệm từ đoàn công tác:
Cần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trong việc thay đổi hình thức sản xuất kinh doanh phù hợp với thị trường , đáp ứng được những quy chuẩn, tiêu chuẩn từ nhà nhập khẩu;
Cần chủ động cập nhật mọi thông tin, thường xuyên liên kết, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, Cục Hải quan, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu các tỉnh và các ngành, đơn vị liên quan để nắm bắt thông tin, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu;
Cập nhật thông tin của phía Trung Quốc để kịp thời thông báo tới các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu cũng như phối hợp tổ chức tuyên truyền các phương thức nuôi trồng, sản xuất và gia công, chế biến nông sản hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh và phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường tiêu thụ;
Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ quan trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tìm kiếm thị trường;
Phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu theo hình thức chính ngạch vào Trung Quốc, hạn chế xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, tránh rủi ro.