Tham dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu khai mạc Hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của hơn 464 Đại biểu, trong đó 86 Đại biểu của các tổ chức quốc tế là Đại sứ quán tại Việt Nam của các nước như: Armenia, Ma Rốc, Mông Cổ, Ả-Rập Xê-Út, Kazakhstan;... Lãnh sự quán các nước: Ấn Độ, Cu Ba, Lào, Trung Quốc, Campuchia,... các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các tổ chức, hiệp hội quốc tế; các hãng thông tấn báo chí nước ngoài,…Về trong nước có lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công Thương, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cùng lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại - Đầu tư của các tỉnh/thành: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hoà, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông...
Các doanh nghiệp trao đổi làm việc tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ
Phát biểu khai mạc Hội nghị ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về phát triển nông nghiệp với diện tích tự nhiên hơn 1,3 triệu ha xếp thứ 4 cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 627.000 ha, quỹ đất đỏ bazan chiếm khoảng 40% diện tích với điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: cây cà phê, cây cao su, hồ tiêu, sầu riêng, bơ… Trong đó, diện tích cây cà phê khoảng 210.000 ha, sản lượng bình quân hơn 550.000 tấn, cao nhất cả nước với lượng cà phê xuất khẩu hơn 380.000 tấn, đạt kim ngạch hơn 800 triệu USD, chiếm hơn 21% về lượng và 20% về kim ngạch trong tỷ trọng xuất khẩu cà phê của cả nước. Cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng bạ tên gọi xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột (nay là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột) và được bảo hộ tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Ông cũng nhấn mạnh Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 sẽ là cầu nối thiết thực cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cà phê có cơ hội được gặp gỡ các đối tác, các nhà nhập khẩu, các chuỗi cung ứng cà phê lớn trên toàn cầu từ đó thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung đẩy mạnh tiêu thụ góp phần hiện thực hoá đưa Buôn Ma Thuột là điểm đến của Cà phê thế giới.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp xuất - nhập khẩu
Cũng tại Hội nghị các Đại biểu đã có những ý kiến đóng góp quan trong về những thuận lợi, khó khăn đồng thời đưa ra những giái pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê ra thị trường quốc tế trong tình hình hiện nay.
Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam phát biểu bế mạc Hội nghị
Bên cạnh đó, Hội nghị còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của 30 gian hàng các doanh nghiệp nhằm quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh Đắk Lắk. Kết thúc Hội nghị đã có 10 cặp biên bản, ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà nhập khẩu đến từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc với các doanh nghiệp Việt Nam.