Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Văn phòng Bộ Công Thương, số 23 Ngô Quyền, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, kết hợp trực tuyến trên Zoom và livestream trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Tham gia tại Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Chủ trì Hội nghị và Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông báo chí...
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị
Qua nền tảng Zoom, Hội nghị có sự tham gia chia sẻ của Bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan; Ông Dương Hoàng Minh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia và Liên minh kinh tế Á-Âu; Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ; Ông Lưu Vạn Khang – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize); Ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc); Ông Vũ Tiến Hùng – Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc); Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ; Ông Nguyễn Phú Hoà – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia (kiêm nhiệm Vanuatu, Quần đảo Marshall, Micronesia, Quần đảo Solomon); Ông Phạm Thanh Hải – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi. Hội nghị thu hút trên 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự. Tỉnh Đắk Lắk có đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và 02 doanh nghiệp xuất nhập khẩu cùng tham dự họp trực tuyến.
Tại Hội nghị được chia làm 2 phiên tư vấn: Phiên 1 cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu dành cho các đại diện: Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan; Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia và Liên minh kinh tế Á-Âu; Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ; Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize); Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc); Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc); Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ; Thương vụ Việt Nam tại Australia (kiêm nhiệm Vanuatu, Quần đảo Marshall, Micronesia, Quần đảo Solomon); Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi. Phiên 2 thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp dành cho đại diện các Hiệp hội (Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam).
Hội nghị cập nhật tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam có một số điểm đáng chú ý như sau: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3/2023 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).
Dự báo tình hình quốc tế thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu…; Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 03/2023 tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu góp phần bảo đảm cán cân thương mại phát triển hài hòa, bền vững.