Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị có sự tham gia chia sẻ của Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize; Ông Ngô Xuân Tỵ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Suriname); Ông Ngô Mạnh Khôi, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Achentina (kiêm nhiệm Uruguay, Paraguay); Bà Vũ Thị Thúy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao; Ông Trương Xuân Trung, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) và tham tán thương mại tại 50 thị trường nước ngoài, 45 lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 19 Trung tâm Xúc tiến Thương mại địa phương, 10 Chi cục Quản lý chất lượng nông sản, lâm sản; Hiệp hội ngành hàng, các Liên minh Hợp tác xã, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô lớn, gần 500 đại biểu tham gia trực tiếp, trực tuyến. Tỉnh Đắk Lắk có Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương, đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và 03 doanh nghiệp xuất nhập khẩu cùng tham dự họp trực tuyến.
Tại Hội nghị được chia làm 2 phiên tư vấn, Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Canada, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize); Thương vụ Việt Nam tại Brazil (kiêm nhiệm Bolivia, Guyana, Suriname); Thương vụ Việt Nam tại Argentina (kiêm nhiệm Uruguay, Paraguay); Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao); Thương vụ Việt Nam tại UAE (kiêm nhiệm Qatar) thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Phiên 2 dành cho đại diện Hiệp hội (Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam); các cơ quan địa phương (gồm Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Hội nghị cập nhật tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam có một số điểm đáng chú ý: Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 04 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 09 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 01 mặt hàng so với năm 2021). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tháng 01 năm 2023 ước đạt 46,56 tỷ USD, giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6%, so với tháng trước. Nhập khẩu ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 21.3% so với tháng trước. cán cân thương mại đạt thặng dư 3,6 tỷ USD. Việc giảm về con số do tháng 1 này trong nước nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài, mặt khác kinh tế thế giới khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng mới giảm.
Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị
Trong khuôn khổ Hội nghị Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk chia sẻ về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của Cà phê thế giới” qua đó mời gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia chương trình với hai nội dung chính là Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê Buôn Ma Thuột và Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3/2023.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 01/2023 là hội nghị đầu tiên trong năm 2023 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022 tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cần thiết về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu sang thị trường nước ngoài. Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng cũng đề nghị các địa phương, Hiệp hội ngành hàng tiếp tục nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến xuất, nhập khẩu đối với các mặt hàng, ở các thị trường cụ thể, đề xuất nhu cầu tới cơ quan Thương vụ liên quan để được định hướng, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.