Khó khăn bủa vây
Ngày 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị về tình hình sản xuất và đề xuất nhiệm vụ giải pháp tháp gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022. Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, ngành hàng đã tập trung thảo luận tình hình sản xuất, kinh doanh, những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp, ngành hàng về chi phí sản xuất, giá bán đầu ra, thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng, lao động, vốn, tín dụng 6 tháng đầu năm. Đồng thời, dự báo về tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm, đề xuất các kiến nghị, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng, tập trung vào các giải pháp cụ thể, có khả năng thực hiện ngay.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao; lạm phát cao đi kèm điều chỉnh chính sách tiền tệ khác nhau ở nhiều nước; gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; nhu cầu tiêu dùng sụt giảm ở một số nền kinh tế lớn; nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế ở một số quốc gia.
Chia sẻ rõ hơn về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, đại diện cho các doanh nghiệp ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, như vậy, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may trong năm là hoàn toàn có khả năng nếu tình hình được duy trì ổn định trong những tháng cuối năm.
“Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn chưa thể khẳng định được nhiều. Bởi nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng giá năng lượng, giá nguyên, vật liệu. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá bông đã tăng 19%, cùng với đó giá xăng, dầu cũng tăng mạnh khiến doanh nghiệp dệt may đứng trước những khó khăn. Trong khi đó, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá cả leo thang, làm lạm phát tại một số thị trường tăng cao, ảnh hưởng đến cơ hội cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của doanh nghiệp dệt may”, ông Trường Văn Cẩm phân tích.
Còn theo bà bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), những tháng đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp da giày có nhiều đơn hàng hơn, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn.
Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp ngành da giày, túi xách lại đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), cùng với đó là chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia tình hình dịch bệnh đang bùng phát trở lại. Ảnh minh họa: H.Dịu
Sớm bình ổn giá xăng dầu
Đứng trước nhiều khó khăn, đại diện hiệp hội các ngành hàng đã đề xuất nhiều biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể mau chóng phục hồi, đảm bảo được tình hình sản xuất kinh doanh. Cụ thể, bà Đỗ Thị Thuý Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Uỷ viên Ban chấp hàng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Còn theo ông Bùi Doãn Nề, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành hàng không nhanh chóng phục hồi, phát triển, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế, VABA đề nghị Nhà nước xem xét đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam.
“Đồng thời, triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác thị trường này. Giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0% cho đến khi thị trường hàng không quốc tế được phục hồi; trước mắt sớm thực hiện mức áp dụng 1.000 đ/ lít). Đặc biệt là tiếp tục xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí ,lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hành không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục về mức thời điểm trước dịch”, ông Bùi Doãn Nề đề xuất.