Vai trò quan trọng với nền kinh tế
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập, ngành thương mại dịch vụ Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng phát triển, thúc đẩy mở rộng thị trường hàng hóa. Thương mại dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh trong thời gian qua.
Giai đoạn 2011- 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt 3.568,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2016 và đạt 3.234,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017 (4 tháng đầu năm 2018, ước đạt 1.399,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ 2017). Mặc dù ở giai đoạn sau (từ 2011 trở lại đây), tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng tính chung từ 2006 - 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.
Có được kết quả đó không thể không kể đến sự góp sức của hạ tầng thương mại. Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, các loại hình hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại đã được quan tâm đầu tư và có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại trong thời gian gần đây nhưng vẫn giữ được vai trò quan trọng, duy trì sự cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại với lưu lượng hàng hóa qua chợ cao.
Tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần là các chợ hoạt động hiệu quả (97%) và thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối trên cả nước còn khiêm tốn với 83 chợ, chiếm 0,97%.
Bên cạnh đó, cả nước có 957 siêu thị tại 62/63 tỉnh, thành phố (Hà Giang là tỉnh chưa có siêu thị) và 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành; tại các khu vực nông thôn, ngoại thành thì chưa phát triển. 189 trung tâm thương mại tại 51/63 tỉnh, thành phố. Riêng số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ lần lượt chiếm 47% và 50% so với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại cả nước.
Hệ thống phân phối bán lẻ trên cả nước đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong phân phối hàng hóa. Bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch điều hành quan hệ đối ngoại và truyền thông (Tập đoàn Central Group) cho biết, với hệ thống siêu thị có mặt tại 20 tỉnh thành, Big C có nhiều trung tâm thu mua đặt tại các tỉnh thành trọng điểm, có thể thu mua số lượng lớn hàng nông sản với giá cả tốt cho nông dân, giúp tiết kiệm các chi phí trung gian và nhanh chóng, hiệu quả. Ngoài ra, khi vào các mùa vụ cao điểm, Big C có thể thu mua tận nguồn thông qua việc ký hợp tác thu mua với các nhà cung cấp chuyên nghiệp, các hợp tác xã (HTX) và các hộ nông dân, để đảm bảo đầu ra trái cây cho nông dân được ổn định.
Từ nhiều năm nay, Big C còn hỗ trợ người nông dân tránh tình cảnh được mùa nhưng mất giá. Ngay trong tháng 5, Big C đang đã triển khai chương trình “Mỗi trái dưa triệu tấm lòng” - hỗ trợ nông dân Quảng Ngãi, Quảng Nam tiêu thụ dưa hấu. Theo đó, bên cạnh việc dành những vị trí đẹp nhất, bắt mắt nhất của siêu thị để bày bán dưa hấu, Big C còn bán nước dưa hấu ép để đa dạng hóa sự lựa chọn, nâng cao giá trị trái dưa.
Về dịch vụ, cả nước hiện có 15 trung tâm hội chợ triển lãm được phân bố tại 11 tỉnh thành; 50 trung tâm logistics tại 8 tỉnh thành phố. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với vị trí trung tâm Đông Nam Á, lại có quy mô kinh tế mở, Việt Nam có tiềm năng lớn trong ngành dịch vụ logistics. Đây là ngành được kỳ vọng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Khắc phục hạn chế, tạo lực cho thương mại dịch vụ phát triển
Song song với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, ông Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh, ngành thương mại dịch vụ nước ta cũng còn nhiều hạn chế như tăng trưởng chưa bền vững, dịch vụ hỗ trợ các hoạt động thương mại còn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh...) tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt; siêu thị, trung tâm thương mại còn ít. Hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số chợ có qui mô nhỏ. Nguồn vốn đầu tư phát triển chợ còn chưa thỏa đáng, cơ chế phân bổ chưa hợp lý. Thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi. Việc đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn, còn chợ và địa bàn nông thôn chưa có đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (do quy mô nhỏ, sinh lợi ít...).
Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh lại chỉ ra những bất cập ở khâu logistics, theo đó, dù quy mô nhỏ nhưng các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ cũng như hỗ trợ nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng do đó hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao. Bà Hiền cho rằng, có DN còn chưa chủ động được khâu vận chuyển hàng hải vì phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài, do vậy vẫn chưa có những giải pháp trọn gói và thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng...
Để phát huy hơn nữa vai trò của ngành thương mại, dịch vụ, ông Nguyễn Văn Hội cho biết, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó khâu quan trọng nhất là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đồng thời chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành.
Còn theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trong khuôn khổ của dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam” phối hợp với các đối tác Hàn Quốc, các hoạt động về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thiết kế và thương hiệu, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm... tiếp tục được chú trọng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ cho các sản phẩm Việt Nam.
Ngoài ra, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 2 vừa qua. Với nhiều sự hỗ trợ DN trong việc đào tạo nhân lực, đẩy mạnh liên kết… ngành dịch vụ logistics được kỳ vọng sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tác giả: Mai Thanh -TTKC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn