Buổi tham vấn do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và các ngài Zhong Shan, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc; ngài Kajiyama Hiroshi, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; và Bà Yoo Myung Hee, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc.
Tại buổi tham vấn về kinh tế giữa ASEAN và 3 nước đối tác lần này, hai Bên đã thống nhất một số nội dung chính như sau:
(i) Các Bộ trưởng của hai Bên ghi nhận rằng, theo thống kê từ phía ASEAN, tổng giá trị giao dịch thương mại giữa ASEAN và 3 nước đối tác nói trên đã đạt 890,2 nghìn tỷ USD, đóng góp 31,6% cho tổng giá trị giao dịch thương mại của ASEAN với các đối tác trong năm 2019; tăng nhẹ khoảng gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng giá trị FDI từ 3 nước này vào ASEAN đạt khoảng 32 nghìn tỷ USD trong năm 2019, chiếm khoảng 19,9% trong tổng số vốn FDI vào ASEAN trong cùng năm.
(ii) Các Bộ trưởng bày tỏ sự thông cảm và lo lắng đối với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 tới cuộc sống của người dân trong khu vực và thống nhất sẽ tiếp tục giữ vững hợp tác, cùng nhau chống lại đại dịch để phát triển kinh tế và ổn định các chính sách vĩ mô giữa các Bên, kèm theo việc duy trì chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với các hàng hóa thiết yếu như hàng hóa y tế, thực phẩm v.v. Các Bộ trưởng cho rằng vấn đề quan trọng là phải giữ vững lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp khu vực sau đại dịch và tập trung nguồn lực vào thúc đẩy kinh tế, ổn định xã hội, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020.
(iii) Nhằm triển khai một cách có hiệu quả Tuyên bố chung của ASEAN+3 về “Giảm nhẹ các tác động tiêu cực của Covid-19”, được thông qua bởi các Bộ trưởng ASEAN cộng Ba, vào ngày 04 tháng 6 năm 2020, các Bộ trưởng nhất trí sẽ tăng cường hợp tác nhằm triển khai Kế hoạch hành động giữa hai Bên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm thiểu rủi ro do Covid-19 mang lại, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra trong khu vực.
(iv) Các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định RCEP và các động thải chuẩn bị tốt cho việc ký kết Hiệp định này vào cuối năm 2020. Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc đưa Hiệp định RCEP vào thực thi sẽ giúp tăng cường niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và củng cố cấu trúc của kinh tế khu vực, cũng như cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của khu vực đối với một Hệ thống thương mại đa biên mở, đồng đều và dựa trên nguyên tắc chung.