Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 05/07/2018 22:59
Đắk Lắk vốn tự hào là Trung tâm của vùng Tây Nguyên với hệ thống giao thông từ đường bộ đến đường hàng không khá thuận tiện, với ngành nông nghiệp rất đa dạng về cơ cấu cây trồng, trong đó cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mỗi năm thu về một lượng ngọai tệ không nhỏ ( kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên dưới 700 triệu USD) góp phần đưa Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thuộc loại nhất, nhì khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Hệ thống thương mại ở Đắk Lắk đang ngày càng phát triển, nhiều Trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại mọc lên với đa dạng mặt hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng ngày càng cao của người dân sở tại cũng như trong khu vực. Đắk Lắk cũng là mảnh đất rất được thiên nhiên ưu đãi với một diện tích rừng khá lớn hơn 602.000 ha, trong đó có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn từ vài chục đến cả trăm ngàn ha như: Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin, khu bảo tồn thiên nhiêu Ea Sô, Nam Kar…với thảm thực vật được đánh giá là rất đa dạng và phong phú, thu hút nhiều nhà nghiên cứu sinh học trên thế giới đến tìm hiểu.
Phần thứ nhất THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN
Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn có một hệ thống sông, suối, ao, trên 40.000 ha mặt hồ rất đa dạng như: hồ Lắk, hồ Ea Nhái, hồ Ea Súp thượng…, địa hình có độ dốc lớn đã tạo ra những thác nước khá hùng vĩ như: Thác Gia Long, Krông Kmar, Thủy Tiên, Dray Nur…Là vùng đất được xem là “Đất lành” với 47 trong tổng số 54 dân tộc của Việt Nam đang sinh sống ở đây tạo nên cho Đắk Lắk một nét văn hóa khá đặc trưng và rất phong phú, đa dạng, nhất là về các phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc bản địa có sức hút rất lớn đối với du khách nói chung và các nhà nghiên cứu văn hóa nói riêng. Là tỉnh được xem là chiếc nôi của “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ khi được UNESCO công nhận (năm 2005), tỉnh đã đầu tư nhiều tiền của và công sức để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vô giá này nhằm thu hút khách du lịch trong và ngòai nước đến tìm hiểu, thưởng thức và được sống trong cái không gian văn hóa đầy âm thanh đó.
Du lịch vốn được xem là ngành kinh tế tổng hợp, khi các ngành kinh tế khác phát triển thì du lịch sẽ dựa trên những thành quả đó để tạo cho mình một điểm tựa khá chắc chắn để phát triển và tác động thúc đẩy trở lại giúp cho các ngành kinh tế khác phát triển mãnh mẽ hơn nữa.
Trong những năm qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, đa dạng sản phẩm du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… để phục vụ phát triển du lịch. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng được tăng cường, đặc biệt trong các sự kiện của địa phương như: Hội nghị, hội thảo, liên hoan văn hóa cồng chiêng, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, các chương trình quốc gia được tổ chức tại ĐăkLăk cũng như trong nước… Không thể phủ nhận hoạt động du lịch luôn phát triển, doanh thu du lịch liên tục tăng theo các năm như: như năm 2010, doanh thu du lịch ước đạt 200 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2000; năm 2013 tăng 85% so với năm 2010, doanh thu đạt 370 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2012-2015 đạt 13,6% bằng 91,74% so với kế hoạch. Năm 2017: Tổng lượt khách đạt 703.000 lượt khách, đạt 100,43% kế hoạch. Trong đó khách quốc tế đạt 67.000 lượt, tăng 3,08% kế hoạch và tăng 15,52% so với cùng kỳ 2016; khách trong nước đạt 636.000 lượt, đạt 100,16% kế hoạch, tăng 12,975 so với cùng kỳ 2016. Doanh thu đạt 610 tỷ đồng, tăng 1,67% so với kế hoạch và tăng 27,08% so với cùng kỳ 2016. Công suất sử dụng phòng đạt 61%. Tuy nhiên du lịch ĐăkLăk vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất là do ngành du lịch tỉnh nhà thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù; các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch kinh doanh dịch vụ các loại hình trùng lắp. Trong những năm qua có vài điểm du lịch mới hình thành và phát triển như: Du lịch Ko Tam, Đồi thông, Vườn Troh Bư… đang dần thu hút khách du lịch ngày càng đông; còn lại thì vẫn chỉ có những điểm du lịch như: Buôn Đôn, Hồ Lắk, cụm thác Đray Nur, Gia Long và các di tích lịch sử, cách mạng…. Các điểm du lịch này đầu tư chưa đúng mức mà còn ngày càng có nguy cơ xuống cấp. Chẳng hạn, du lịch Buôn Đôn chỉ nổi tiếng là du lịch voi, vậy mà đàn voi nhà phục vụ du lịch đang ngày càng giảm sút về số lượng, khai thác kiệt quệ về sức lực và đáng chú ý là13 tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã đã ký bản tuyên bố cam kết hợp tác với Việt Nam. Cả thế giới đang nhìn vào Việt Nam, và đây chính là cơ hội quý giá để Việt Nam cho thế giới thấy rằng Việt Nam thực sự nghiêm túc trong việc chấm dứt tội phạm về các loài hoang dã. Vì vậy voi Buôn Đôn đang có nguy cơ trở thành “huyền thoại’ như nhiều báo chí đã phản ánh.
Ngoài Voi, du lịch Đắk Lắk còn nổi tiếng về thác cao, hồ rộng. Tuy nhiên trong thời gian qua, do sự phát triển của hệ thống thủy điện trên dòng sông Sêrêpốk đã làm cho nhiều thác nước như Đray Nur, Gia Long, Đray Sáp,…vốn nổi tiếng là hùng vĩ nhất Tây Nguyên thì nay đã trở nên thiếu nước, làm đau lòng những người tâm huyết với ngành du lịch. Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu các hồ, đập thủy điện có dòng xả chảy từ 8m3/s lên 27m3/s. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các cụm thác du lịch ĐăkLăk, tuy nhiên quá trình thực hiện cũng có nhiều bất cập. Cũng cùng số phận với nhiều thác nước, các hồ lớn ở Đắk Lắk đã được quy hoạch làm du lịch như hồ Lắk, Ea Kao, Ea Nhái, Ea Súp Thượng…trong nhiều năm qua vẫn chỉ là những hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chứ chưa được đầu tư bài bản để trở thành những khu du lịch nổi tiếng thu hút khách. Thứ hai là việc mở các tuyến, điểm du lịch mới được triển khai khá chậm. Được biết từ những năm 2004, Tổng cục Du lịch đã từng khảo sát mở tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” đi xuyên suốt qua 5 tỉnh Tây Nguyên, tiếp đến là Ngành du lịch Đắk Lắk tổ chức khảo sát mở tour du lịch “Chinh phục đỉnh Chư Yang Sin”, hay các doanh nghiệp du lịch kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê để mở tour du lịch cà phê…nhưng đến nay, các dự định này vẫn còn nằm trên giấy hoặc khó khả thi. Thứ ba, là các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên ít có sự khác biệt, theo nhiều du khách cho biết là sản phẩm du lịch của các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, Đắk Lắk cứ na ná giống nhau, cũng cưỡi voi, thăm rừng, cũng ngắm thác, ngắm hồ, cồng chiêng, cũng cơm lam, rượu cần, gà nướng… nên chỉ cần đến một nơi là đủ chứ không cần phải đến những nơi khác. Trong khi đó, Đà Lạt là thương hiệu Du lịch nổi tiếng trong và ngòai nước nên hầu hết du khách chọn đến du lịch Đà Lạt xem như biết cả Tây Nguyên. Thứ tư là phương thức khai thác du lịch. Trong thời gian qua nhiều du khách luôn phàn nàn về tình trạn khai thác du lịch lộn xộn tại Đắk Lắk làm mất niềm tin của du khách đối với du lịch Đắk Lắk, đặc biệt là tại Buôn Đôn.
Đối với du khách trong và ngoài nước, Buôn Đôn (hay Bản Đôn) là một thương hiệu du lịch khá nổi tiếng gắn liền với loại hình du lịch voi, nhiều du khách cho rằng đến Đắk Lắk, Tây Nguyên mà chưa vào Buôn Đôn cưỡi voi thì coi như chưa đến Tây Nguyên. Chính vì thế mà trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tranh nhau khai thác thương hiệu du lịch này một cách ‘triệt để”. Tính từ Trung tâm huyện Buôn Đôn vào tới Khu du lịch sinh thái Bản Đôn của Công ty Ánh Dương hiện có tới 4 đơn vị khai thác du lịch khai thác du lịch. Điều dáng nói ở đây doanh nghiệp nào cũng muốn có khách đến với điểm du lịch của mình nên đã tranh nhau treo pa-nô quảng cáo trên đọan đường này đơn vị nào cũng sử dụng thương hiệu Bản Đôn hoặc Buôn Đôn làm cho nhiều du khách lẫn lộn, không biết Buôn Đôn thật ở đâu? Ngay tên của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Buôn Đôn cũng có từ Bản Đôn, Buôn Đôn na ná lẫn lộn; đặc biệt tính liên kết các doanh nghệp chưa thật sự thành một khối thống nhất trong hoạt động du lịch dịch vụ. Thứ năm, tình hình đầu tư trong ngành du lịch Đắk Lắk hiện nay có thể nói đang là “Đầu tư ngược”. Trong thời gian qua, nhiều nhà hàng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ… được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, trong khi các điểm, khu du lịch lại đang ngày càng xuống cấp và ít được đổi mới. Khách du lịch không phải đến với Đắk Lắk vì nghe ở Buôn Ma Thuột có nhiều khách sạn sang trọng vừa mới được xây dựng rồi đưa nhau lên ngủ, mà họ đến vì nhu cầu thưởng thức cái đẹp, nhu cầu hiểu biết và chất lượng của những sản phẩm du lịch. Do đó, có thể nói “đầu tư ngược” là vì, lẽ ra các doanh nghiệp tập trung vốn đầu tư các điểm du lịch để thu hút khách, sau đó mới xây khách sạn để phục vụ sự ăn nghỉ của du khách, đằng này lại làm ngược lại. Thứ sáu, trong thời gian qua, công tác xúc tiến du lịch của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết là do lĩnh vực xúc tiến du lịch là một lĩnh vực khá mới mẽ. Cục xúc tiến du lịch được thành lập thuộc Tổng cục du lịch nhưng chưa hỗ trợ được gì cho các địa phương, nhất là trong hoạt động xúc tiến du lịch.
Trung tâm xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk thành lập từ năm 2008 đến năm 2014 được chia thành 3 trung tâm xúc tiến thuộc 3 sở, một phần do lĩnh vực này có điểm xuất phát chậm, cán bộ làm công tác xúc tiến du lịch đa phần mới được tuyển dụng nên chưa có kinh nghiệm, chỉ dựa vào những lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn về xúc tiến du lịch nên nhiều cán bộ còn bỡ ngỡ. Phần khác là do nguồn kinh phí hàng năm từ ngân sách địa phương cho công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch quá ít nên hoạt động chỉ đủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch và thực hiện một số cuộc khảo sát kết nối tour, tuyến với các địa phương trong nước chứ chưa thể nghĩ đến những việc to lớn hơn. Sự hỗ trợ, chủ động, phối hợp quảng bá du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của tỉnh chưa mạnh, đa số chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Nhìn nhận thực trạng du lịch ĐăkLăk trong thời gian qua, tập trung khắc phục những tồn tại của du lịch tỉnh ta, rút ra những kinh nghiệm thực tiễn; từ đó xây dựng Chiến lược, chương trình kế hoạch phát triển du lịch cho từng giai đoạn nhất định; khắc phục được những điểm yếu, hạn chế còn tồn tại đồng thời phải tạo bước phát triển mạnh về chiều sâu, lấy chỉ tiêu chất lượng và hiệu quả làm thước đo đánh giá phát triển du lịch trong thời gian tới.
Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công thương Đắk Lắk