Một là, công tác xúc tiến du lịch của tỉnh cần giới thiệu đầy đủ về thông tin quy hoạch du lịch của tỉnh để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư về lĩnh vực du lịch. Quảng bá hình ảnh, những tiềm năng đầu tư về du lịch của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, một loại hình du lịch mà tỉnh ta có thế mạnh. Giới thiệu những tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh đến với những khách hàng tiềm năng, những nhà đầu tư trong và ngòai nước. Thu hút khách du lịch trong và ngòai nước đến với Đắk Lắk là để thưởng ngọan những danh lam thắng cảnh thực sự, được mở mang trí thức qua những tour du lịch văn hóa, lịch sử và để thưởng thức những đặc sản của Tây Nguyên.
Thứ hai, Tập trung quảng bá thế mạnh về du lịch nhất của tỉnh với nhiều tiềm năng như:
- Về tự nhiên: Thuận lợi về giao thông, diện tích rừng lớn, nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn, nhiều sông, hồ, thác nước…Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái lớn.
- Về xã hội: Là mảnh đất đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán, nhiều di tích lịch sử, cách mạng, là quê hương của “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, là vùng đất nổi tiếng về voi và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Nhiều Lễ hội lớn được tổ chức định kỳ như: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Festival Cồng chiêng, Hội đua voi và nhiều Lễ hội truyền thống khác của đồng bào dân tộc tổ chức hàng năm.
- Về kinh tế: Là Trung tâm kinh tế lớn, năng động nhất Tây Nguyên, với nhiều loại nông sản, trái cây nổi tiếng, trong đó sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột đã được tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam (VietKings) chính thực công bố Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam (năm 2017) thích hợp cho du khách làm quà tặng đặc sản cho người thân sau mỗi chuyến du lịch và có giá trị không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt văn hóa, du lịch.
- Xác định những sản phẩm du lịch đặc thù, chủ lực và khác biệt so với các địa phương trong nước cũng như ngoài nước trong khu vực để đầu tư xây dựng lập kế hoạch quảng bá, giới thiệu. Nhiều kinh nghiệm cho thấy, cần phải có cái nhìn ở tầm vi mô và vĩ mô về một sản phẩm du lịch để xây dựng và quảng bá mới mang lại hiệu quả thiết thực. Nói về ngành du lịch chúng ta, ở Việt Nam thì Buôn Đôn nổi tiếng về voi, nhưng voi Buôn Đôn chỉ thu hút khách trong nước chứ chưa sánh được với Thái Lan vì voi Buôn Đôn chỉ mới biết chở khách đi dạo sông, dạo suối với xu hướng du lịch cưỡi voi ở ĐăkLăk sẽ chấm dứt mà chuyển đổi sang mô hình hướng dẫn du khách tìm hiểu hành vi cũng như nét đặc trưng của voi. Trong khi đó, voi Thái Lan đã biết massage cho du khách, biết biểu diễn bống đá, biết vẽ tranh bán cho khách du lịch và nhiều hoạt động khác…. Vì vậy việc quảng bá voi Buôn Đôn ra nước ngoài cần phải tính toán thấu đáo.
Thứ ba, đầu tư quảng bá những sảm phẩm mới hòan thiện đưa vào khai thác; tập trung nhiều cho giới thiệu quảng bá sản phẩm này, sản phẩm mới hòan thiện, để thu hút khách du lịch. Không quảng bá dàn trải như những năm qua vì không đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền quảng bá .
Thứ tư, tập trung cho tuyên truyền quảng bá loại hình du lịch mới xuất hiện ở Việt Nam gọi là du lịch MICE - viết tắt của Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị, hội thảo) và Exhibition (triển lãm). Gọi nôm na là du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện, đây là loại hình du lịch tiềm năng và nếu được phát triển, nó sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho ngành du lịch mà còn cho cả thương mại, đầu tư. Nhiều khách sạn, nhà hàng, Trung tâm hội nghị, hội thảo khang trang, tiện nghi được đầu tư xây dựng, tỉnh cũng đã chủ động đăng cai nhiều sự kiện lớn về kinh tế, xã hội, thể thao, văn hóa…bước đầu đã gặt hái được nhiều thành quả trong lĩnh vực du lịch này. Đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch MICE, vì trong thời gian tới, khi Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trực thuộc trung ương thì việc khai thác loại hình dịch vụ này sẽ dễ dàng và mang lại nhiều lợi nhuận nhất.
Thứ năm, cần tập trung đầu tư và thay đổi phương thức quảng bá thương hiệu du lịch một cách hiệu quả và bền vững bằng cách kết hợp cùng Hiệp hội Du lịch, trực tiếp cùng các doanh nghiệp làm công tác dịch vụ du lịch tổ chức kết nối du lịch của tỉnh đối với các vùng miền trong cả nước, quảng bá thế mạnh đặc thù của mình đối với các nơi như: Miền Tây nam bộ Du lịch trên nền tảng là sông nước, miệt vườn, ruộng đồng... Còn ở tỉnh ta là voi, núi rừng, sông, suối, thác, thiên nhiên hùng vĩ....Hai địa phương có hai đặc thù nền tảng về du lịch khác nhau thì dễ kết nối cùng nhau phát triển du lịch. Đồng thời thông qua các tổ chức xúc tiến du lịch của các địa phương, qua đài truyền hình của các địa phương mà đưa hình ảnh du lịch của ĐăkLăk đến với khách du lịch mọi miền trên đất nước. Ngược lại hoạt động xúc tiến du lịch của ta cũng hỗ trợ các địa phương bạn quảng bá du lịch qua đài truyền hình của ta.
Thứ sáu, quảng bá và xây dựng thương hiệu Buôn Đôn, nhưng trước hết cần tập trung đầu tư và thay đổi phương thức khai thác thương hiệu du lịch Buôn Đôn một cách hiệu quả và bền vững bằng cách xây dựng và ban hành quy chế khai thác thương hiệu du lịch Buôn Đôn và buộc các doanh nghiệp đang kinh doanh du lịch thực hiện nghiêm chỉnh quy chế này, tránh sự trùng lắp, tranh giành gây sự bất bình cho du khách.
Thứ bảy, vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường tính liên kết, liên vùng trong phát triển du lịch, chung sức tập trung quảng bá các danh lam thắng cảnh, tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là công tác quảng bá rất quan trọng, vì có thực hiện được công tác này thì các đơn vị kinh doanh du lịch mới thực hiện tốt việc xây dựng thương hiệu của mình trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Thứ tám, thường xuyên tổ chức lác lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng, nâng cao nguồn nhân lực cho các cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, khách sạn nhà hàng; tổ chức các cuộc hội thảo, liên kết, kết nối công tác xúc tiến du lịch giữa các vùng miền để phát triển du lịch. Tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương đối với ngành du lịch Đắk Lắk, để tập huấn, nâng cao các kỹ năng xúc tiến du lịch, nhất là cho đội ngũ làm xúc tiến du lịch ở cả cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong thời kỳ hội nhập. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, ĐăkLăk được biết đến như một địa danh du lịch đầy tiềm năng, hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư, thu hút du khách trên khắp mọi miền, kể cả trong và ngoài nước.