Dầu tăng từ mức thấp nhất 1 tháng
Lo ngại về nguồn cung khiến giá dầu Brent tăng 9 US cent (0,12%) lên 75,38 USD/thùng vào lúc đóng cửa giao dịch mặc dù chỉ vài giờ trước đó giá chạm mức thấp nhất kể từ 8/5 (73,81 USD/thùng). Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tương tự cũng tăng 77 US cent (1,2%) lên 65,52 USD/thùng mặc dù đầu phiên có lúc xuống chỉ 64,52 USD/thùng – thấp nhất kể từ 10/4.
Giá bán lẻ xăng tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 3 năm đã gây lo ngại cho Mỹ. Tổng thống nước này, Donald Trump, đã từng phàn nàn về chính sách của OPEC và việc giá dầu tăng. Giá xăng trung bình tại Mỹ hiện là 2,94 USD/gallon. Dự trữ dầu thô tại Mỹ tuần tới 1/6 đã giảm 2 triệu thùng xuống 432,8 triệu thùng, nhiều hơn mức dự đoán là giảm 1,8 triệu thùng. Tồn trữ dầu thô tại trung tâm phân phối Cushing, Oklahoma giảm 1 triệu thùng, thông tin từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết.
Thông tin từ OPEC và một số nguồn tin trong ngành cho biết Chính phủ Mỹ đã tỏ ý muốn Saudi Arabia và các nước sản xuất OPEC khác nâng sản lượng dầu, mặc dù chưa có đề nghị chính thức và cũng chưa đưa ra con số cụ thể. Bloomberg ngày 5/6 đưa tin Chính phủ Mỹ đã đề nghị các nhà sản xuất tăng sản lượng dầu thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung của OPEC tăng sẽ tác động trực tiếp tới dầu Brent nhiều hơn là WTI. Do đó, chênh lệch giá giữa 2 loại dầu giảm xuống chỉ còn 9,38 USD, từ 11,57 USD tuần trước.
Vàng và bạc tăng, bạch kim và palađi giảm
Giá vàng tăng do USD giảm nhẹ khỏi mức cao nhất 6 tháng. Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.298,45 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 8 tăng 4,9 USD (0,4%) lên 1.302,20 USD/ounce.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, doanh số tiêu thụ vàng trang sức tại Trung Quốc quý 1/2018 tăng 7%, là quý tăng đầu tiên sau 3 năm liên tiếp giảm khi người tiêu dùng chuyển hướng từ mua vàng sang những mục đích khác như chi tiêu cho du lịch và mua sắm hàng hóa xa xỉ.
Trong số những kim loại quý khác, giá bạc tăng 1% lên 16,52 USD/ounce, tuy nhiên bạch kim giảm 0,5% xuống 896,25 USD/ounce (đầu phiên có lúc chạm mức thấp nhất kể từ 21/5 là 888 USD), và palađi cũng giảm 0,1% xuống 992 USD/ounce (đầu phiên xuống thấp nhất 6 tuần là 1.010,50 USD/ounce).
Đồng cao nhất 6 tuần do lo ngại về khả năng đình công ở Escondida
Đúng như dự đoán, giá đồng tiếp tục tăng vượt mốc 7.000 USD/tấn bởi lo ngại nguồn cung có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc thương lượng về tiền lương và thưởng của 34.000 công nhân mỏ ở Escondida. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,8 USD lên 7.099 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 7.016 USD/tấn, không còn xa mức dự đoán của nhà phân tích Wang Tao của hãng Reuters trong kịch bản cuộc đàm phán thất bại.
Chì cao nhất 18 tháng
Giá chì tại Trung Quốc tăng mạnh trong phiên vừa qua lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng sau khi chính quyền tỉnh Hà Bắc của nước này thông báo chiến dịch kiểm tra về môi trường.
Chì giao tháng 7 trên sàn Thượng Hải tăng 3,6% lên 20.610 NDT (3.215,39 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt 20.670 NDT, cao nhất kể từ 29/11/2016.
Trên sàn London, chì giữa phiên cũng tăng lên mức cao nhất 3 tháng, 2.528 USD/tấn (tăng 4%) theo xu hướng giá tại Thượng Hải. Kết thúc phiên giao dịch, giá chì tại London tăng 0,3% lên 2.516 USD/tấn.
Hà Bắc là trung tâm tái chế ắc quy chì – acid của Trung Quốc. Chính quyền tỉnh này vừa thông báo sẽ tiến hành "kiểm tra và chấn chỉnh" các doanh nghiệp liên quan đến acid kể từ 18/6. Động thái này là nỗ lực mới nhất của chính quyền tỉnh nhằm tìm ra chất thải nguy trong chiến dịch bảo vệ môi trường của Trung Quốc.
Kể từ giữa tháng 4 tới nay giá chì tại Thượng Hải đã tăng gần 18% do lo ngại nguồn cung khan hiếm sau chiến dịch kiểm soát tuông tự làm trong sạch môi trường ở tỉnh An Huy (miền Đông Trung Quốc). Antaike ước tính An Huy đã đóng cửa công suất sản xuất khoảng 800.000 tấn công suất chì tái chế/năm ở khu vực Taihe của An Huy trong nỗ lực hiện đại hóa ngành sản xuất chì.
Quặng sắt tăng do Trung Quốc đóng cửa nhiều cơ sở khai thác
Giá quặng sắt tại Trung Quốc cũng tăng bởi lo ngại nguồn cung bị thắt chặt sau khi thành phố Tangshan (Đường Sơn) của nước này lên kế hoạch đóng cửa hàng trăm công ty khai thác mỏ, song đà tăng bị hạn chế bởi khối lượng tồn trữ tại các cảng tăng. Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 1,7% lên 467 NDT (72,90 USD)/tấn. Quặng sắt trên sàn Thượng Hải cũng tăng 0,1% lên 3.736 NDT/tấn.
Đường Sơn là thành phố sản xuất thép lớn nhất của tỉnh Hà Bắc. Chính quyền thành phố cho biết sẽ đóng cửa 225 công ty, tức là một nửa số cơ sở khai thác quặng sắt, bởi lý do không đầy đủ giấy phép kinh doanh. Đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc khai thác trái phép và để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các nhà phân tích cho biết chiến dịch này có thể ảnh huổng tới sản lượng quặng sắt, nhưng điều này sẽ giúp giảm áp lực cung vượt cầu. Tồn trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng biển Trung Quốc trong tuần tới 1/6 đã tăng thêm 1,4 triệu tấn lên 161,98 triệu tấn, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, theo số liệu của SteelHome.
Sữa giảm do nguồn cung ở New Zealand tăng
Giá sữa thế giới giảm khỏi mức cao nhất 9 tháng do sản lượng của New Zealand tăng. Tại phiên đấu giá hàng tuần diễn ngày 5/6, chỉ số giá sữa của hãng Fonterra (GDT Price Index, tham chiếu cho thị trường toàn cầu) đã giảm 1,3% xuống trung bình 3.487 USD/tấn. Phiên đấu giá trước đó một tuần, chỉ số này đã tăng 1,9% lên mức cao kỷ lục 9 tháng. Phiên đấu giá tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 19/6.
Trong phiên vừa qua, giá sữa bột nguyên kem (WMP, loại được giao dịch nhiều nhất), giảm 1,1%.
Sản lượng sữa của New Zealand năm ngoái bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, nhưng đang dần hồi phục. Sản lượng trong tháng 4 đã tăng 3%.
Cao su thấp nhất 5 tuần
Giá cao su tại Tokyo giảm mạnh xuống mức thấp nhất 5 tuần theo xu hướng giá ở Thượng Hải do hoạt động bán ra mạnh và lo ngại nhu cầu lốp xe yếu đi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp thuế nhập khẩu ô tô.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn Tokyo giảm 3,2 yen (1,7%) xuống 187,2 JPY (1,7 USD), đầu phiên có lúc giá chạm 186,3 JPY (thấp nhất kể từ 1/5). Hợp đồng giao tháng 9 tại Thượng Hải trước đó cũng giảm 110 NDT xuống 11.605 NDT (1.812 USD)/tấn, trong phiên có lúc xuống mức thấp nhất 2 tuần (11.455 NDT).
Các nhà đầu tư lo ngại Malaysia sẽ tăng cường bán cao su ra vì tỷ giá nội tệ của nước này gần đây giảm. Đồng rinngit đã giảm giá liên tiếp kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Malaysia.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sáng ngày 6/6
Tác giả: Lê Bích-TTKC
Nguồn tin: Theo Cafef:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn