Dầu giảm giá
Giá dầu giảm trong ngày 24/5 do dự kiến nguồn cung giảm từ Venezuela và Iran có thể khiến OPEC hạn chế cắt giảm sản lượng dầu.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,01 USD xuống 78,79 USD/thùng, giảm 1,27%. Giá dầu thô WTI kỳ hạn giảm 1,13 USD xuống 70,71 USD/thùng, giảm 1,57%.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ có thể quyết định trong tháng 6 sẽ tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung giảm từ Venezuela và Iran.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết việc cắt giảm sản lượng có thể được nới lỏng dần dần nếu các nước OPEC và các nước không thuộc OPEC nhận thấy thị trường dầu cân bằng trong tháng 6, hãng tin Interfax đưa tin.
Sản lượng dầu của Venezuela đã giảm xuống còn khoảng 1,4 triệu thùng/ngày, theo các nguồn tin của OPEC, do khủng hoảng kinh tế tăng lên và công ty quốc doanh PDVSA đang nỗ lực trả nợ và hoạt động quỹ.
Các lo ngại về nguồn cung đã đẩy dầu thô lên mức cao trong nhiều năm, giá dầu Brent tuần trước đã phá vỡ ngưỡng 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014.
OPEC và một số nhà sản xuất dầu lớn khác dự kiến sẽ gặp ở Vienna vào tháng tới, trước đó đã đồng ý hạn chế sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá và giảm dư thừa nguồn cung.
Dự trữ dầu toàn cầu đã giảm mạnh, ngay cả khi sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên. Trong tháng hai, Mỹ đã sản xuất kỷ lục10,3 triệu thùng/ngày.
Giá dầu kỳ hạn cũng giảm khi các thương nhân giao dịch trục lợi trước kỳ nghỉ cuối tuần của Ngày lễ Tưởng niệm Liệt Sĩ của Mỹ.
Hôm qua, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến diễn ra tại Singapor trong tháng tới về vấn đề hạt nhân cũng đã gây áp lực tới giá dầu song đồng USD yếu đã hỗ trợ dầu thô, chiến lược gia Carsten Fritsch thuộc Commerzbank cho biết.
Giá vàng tăng vọt
Giá vàng tăng mạnh hôm 24/05 lên trên 1.300 USD/ounce khi USD mất giá sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức tuyên bố hoãn hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên dù Bình Nhưỡng đã tiến hành dỡ bỏ bãi thử hạt nhân.
Giá vàng giao ngay tăng 0,9% đạt mức 1.305,18 USD/ounce vào cuối phiên qua tại Mỹ, trước đó giá đã lên mức 1.306,56 USD, mức cao nhất 9 ngày qua. Giá vàng kỳ hạn Mỹ giao tháng 6 đã tăng 14,80 USD, hay 1,2%, chạm mức 1.304,40 USD/ounce.
Vàng ngay lập tức tăng vọt trở lại trên mốc 1.300 USD khi thông tin nói trên được công bố. Tình hình Triều Tiên khi đạt được các thỏa thuận về hủy bỏ các cơ sở hạt nhân trước đó đã làm vàng mất mốc 1.300 USD.
Trước đó các chuyên gia phân tích hàng hóa tại Commerzbank, Frankfurt cho biết: "Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên cho thấy các điểm nóng địa chính trị đã giảm bớt, điều này sẽ tác động lớn lên giá vàng trong thời gian tới". Do vậy, khi tình hình này nóng trở lại, giá vàng sẽ được dịp hồi phục lại các mốc cũ đã mất.
Trong số các kim loại quý khác, bạc tăng 1,5% đạt 16,67 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1% lên 907,74 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 14/5 là 914,30 USD. Giá palladium giảm 0,1% xuống 976 USD/ounce.
Cà phê giảm mạnh
Mức chênh lệch giá cà phê của Indonesia so với thị trường Luân Đôn thu hẹp hơn nữa do kỳ vọng nguồn cung tăng trước vụ thu hoạch năm nay, trong khi điều kiện thời tiết tốt ở Việt Nam đang hỗ trợ người trồng cà phê song giao dịch vẫn chậm lại do nguồn cung thắt chặt.
Mức chênh lệch giá cà phê loại 4, 80 hạt lỗi của Indonesia so với giá kỳ hạn tháng 7 tại Luân Đôn là 20- 30 USD/tấn so với mức 40 USD - 50 USD/tấn trong tuần trước đó.
Giá hạt cà phê tại Lampung, khu vực sản xuất cà phê robusta chính của Indonesia, giảm mạnh do nguồn cung dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi một số khu vực ở phía nam tỉnh Sumatra đã bước vào mùa thu hoạch.
Tại Việt Nam, giá cà phê hạt được các thương nhân ở Tây Nguyên chào bán, đã tăng lên 35.500 - 37.500 đồng (1,56- 1,65 USD)/kg so với mức 35.400-36.800 đồng/kg trong tuần trước đó.
"Hoạt động bán hàng chậm lại do nông dân không mặn mà bán với mức giá dưới 37.000 đồng/kg", một thương nhân ở Daklak cho biết. "Nguồn cung đang ở mức thấp, khoảng 30% sản xuất niên vụ 2017-2018 vẫn chưa bán được."
Điều kiện thời tiết ở Tây Nguyên thuận lợi cho mùa vụ tới, lượng mưa vừa phải tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để có dự báo về sản lượng niên vụ 2018-19, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, cho biết.
Mức chênh lệch giá giữa cà phê 5% đen, vỡ loại 2 robusta của Việt Nam và Luân Đôn kỳ hạn tháng 7 là 80 USD/tấn, so với 110 USD/tấn trong tuần trước.
Gạo Ấn Độ thấp nhất 1 năm
Giá gạo tại Ấn Độ đã giảm trong tuần thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất trong một năm do đồng rupee trượt xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, trong khi các thị trường xuất khẩu hàng đầu khác vẫn tương đối trầm lắng.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm 10 USD xuống 394- 398 USD/tấn. Gạo Ấn Độ rất cạnh tranh so với nguồn cung từ Thái Lan và Việt Nam. Các đơn hàng xuất khẩu đã được cải thiện do giá gạo Ấn Độ tính theo USD đang giảm.
Đồng rupee đã giảm gần 7% từ đầu năm tới nay đã đẩy tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Trong khi đó, sản lượng gạo mùa hè ở nước láng giềng Bangladesh có khả năng đạt 19,7 triệu tấn, vượt mục tiêu 19 triệu tấn, khi nông dân tăng diện tích trồng trọt để tận dụng giá cao hơn.
Giá gạo ở nước này, nổi lên như một nước nhập khẩu chính trong năm 2017 sau khi lũ lụt phá hủy vụ mùa, đã tăng khoảng 40% trong năm ngoái do cạn kiệt dự trữ, buộc chính phủ phải tìm nguồn cung từ các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Giá gạo 5% tấm tiêu chuẩn của Thái Lan đã giảm nhẹ trong tuần này xuống còn 435- 438 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 435- 440 USD vào tuần trước do đồng baht yếu. Nước này đã bán gạo cho Philippines trong cuộc đấu thầu quốc tế tuần này. Giá thấp đã thu hút nhu cầu tiêu thụ từ một số khách hàng tiềm năng như Irắc, Malaysia nhưng cho đến nay không có thỏa thuận mới nào được ký kết.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không thay đổi so với mức 460- 465 USD/tấn trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014. Quốc gia này đang tìm cách tăng lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường mới, đặc biệt là các nước đã ký hiệp định thương mại tự do như Hàn Quốc và Úc.
Tổng cục Hải quan cho biết giá gạo Việt Nam đã tăng đáng kể vào cuối năm ngoái, nhờ vào nỗ lực chuyển sang các giống lúa chất lượng cao hơn.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết trong tuần này, nước này đang mở rộng diện tích trồng lúa thơm và gạo nếp, có chất lượng tốt hơn và bán giá cao hơn.
Giá chì cao nhất gần 3 tháng qua
Giá chì đạt mức cao nhất gần 3 tháng qua trong ngày 24/05 do nguồn cung giảm, dự trữ tại LME giảm trong tuần này. Giá chì tăng mạnh nhất trong số các kim loại công nghiệp trong tuần này, tăng hơn 7% kể từ lúc đóng cửa cuối tuần trước.
Dự trữ chì sụt giảm xuống mức thấp mới trong 5 năm qua đã hỗ trợ tăng giá, nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết, mặc dù các yếu tố khác đang hạn chế tăng giá trong tuần này.
Mức thiếu hụt trên thị trường chì đã vượt quá các dự kiến đưa ra trong quý đầu tiên, ông nói thêm.
Giá chì kỳ hạn 3 tháng tại LME chốt phiên ở mức 2.505 USD/tấn, tăng 1,2%. Đầu phiên có lúc giá chạm mức cao nhất kể từ 28/2 là 2.509 USD/tấn.
Trong khi đó, giá đồng vững sau khi giảm mạnh trong phiên giao dịch trước đó. Giá đồng ổn định ở mức 6.865 USD/tấn sau khi giảm 1,6% hôm trước đó trong bối cảnh các thị trường chứng khoán tăng nhẹ và lo ngại về quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Giá nhôm ổn định ở mức 2.270 USD/tấn trong khi giá nickel giảm 0,4% còn 14.590 USD/tấn; giá thiếc giảm 1,6% còn 20.300 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 25/5