Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/5, giá cà phê thế giới điều chỉnh giảm trên cả hai thị trường kỳ hạn. Cụ thể, trên sàn ICE Europe – London , giá cà phê Robusta giảm nhẹ. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 3 USD, tức giảm 0,17%, xuống ở mức 1.725 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 6 USD, tức giảm 0,34%, xuống ở mức 1.738 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trong phiên khá thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York , giá cà phê Arabica cũng điều chỉnh giảm theo cùng xu hướng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 0,15 cent, tức giảm 0,12% xuống ở mức 120,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 0,15 cent, tức giảm 0,12% xuống ở mức 122,65 cent/lb. Khối lượng giao dịch giảm xuống khá thấp dưới mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên chỉnh giảm 100 đồng, xuống dao động trong khung 35.4 – 36.100 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.598 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi vẫn duy trì ở mức 135 – 140 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London .
Hãng Petrobras Brazil công bố sẽ giảm 10% giá dầu diesel ngay lập tức sau khi Chính phủ đạt được thỏa thuận với các nghiệp đoàn xe tải để chấm dứt cuộc biểu tình của họ trong vòng 15 ngày. Thỏa thuận này cũng vừa đến đúng lúc khi các tài xế xe tải đã kịp thời phong tỏa khoảng 330 tuyến cao tốc quan trọng, làm cho các sân bay và nhà ga trên khắp đất nước thiếu hụt nhiên liệu và các siêu thị đang cạn kiệt hàng hóa…, với ước tính có khoảng 300.000 tài xế đã đưa xe tải ra chặn đường cao tốc vận chuyển hàng hóa huyết mạch của 23 bang kể từ hôm 22/5.
Đây là thông tin tốt cho thị trường cà phê toàn cầu do không còn lo ngại nguồn cung sẽ bị gián đoạn trong khi Brazil là nước cung cấp tới 30% tổng lượng cà phê tiêu thụ của toàn thế giới. Vấn đề đặt ra là sau thỏa thuận tài trợ của Petrobas thì có gì bảo đảm các cuộc biểu tình phong tỏa của tài xế xe tải sẽ không tái diễn; khi mà đồng Reais Brazil ngày càng suy yếu trong rổ tiền tệ và giá cà phê cùng các mặt hàng nông sản chủ lực nước này ngày càng giảm thấp khiến đời sống của nông dân ngày càng khó khăn.
Trong khi đó, sản lượng vụ mùa mới "kỷ lục" của Brazil tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý đầu cơ. Mặc dù tỷ giá làm cho giá cà phê bất lợi nhưng nông dân Brazil vẫn sẵn sàng bán hàng vụ mới khiến cho giá cà phê trên cả hai sàn kỳ hạn tiếp tục trì trệ.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UDCA) đã thông báo xuất khẩu cà phê trong tháng Tư chỉ đạt 295.194 bao, giảm 9,33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu của niên vụ 2017/2018 vẫn tăng 1,99% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước, với tổng cộng 2.630.067 bao.
Điều đáng chú ý là do giá cả suy yếu hiện hành nên giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của Uganda thấp hơn. Kết quả là giá trị xuất khẩu từ Uganda trong 7 tháng đầu niên vụ 2017/2018 giảm 7,56% so với cùng kỳ niên vụ trước, với tổng kim ngạch là 289.409.881 USD.
Theo dữ liệu của giacaphe.com, Uganda hiện là nhà sản xuất cà phê xếp thứ tám của thế giới và là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ tư toàn cầu, xếp sau Việt Nam, Brazil và Indonesia. Phần lớn cà phê Robusta của Uganda được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.
Thị trường nội địa Việt Nam tiếp tục trầm lắng, các giao dịch hầu như không đáng kể. Một số thương nhân địa phương đã phát giá mua có phần cạnh tranh hơn mức giá chung của từng vùng.
Tác giả: Mai Thanh -TTKC
Nguồn tin: Theo Cafef:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn