Tình hình triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi vùng sâu vùng xa giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Thứ năm - 16/04/2020 22:14
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa qua đã có đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh (tại báo cáo số 72/BC-UBND ngày 14/4/2020)
Tình hình triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi vùng sâu vùng xa giai đoạn 2015 – 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Đắk Lắk là tỉnh miền núi có vị trí địa lý ở trung tâm vùng Tây Nguyên với diện tích tự nhiên 13.125 km2, dân số khoảng 1,9 triệu người, gồm 49 dân tộc anh em sinh sống, các dân tộc thiểu số chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh; tỉnh có 13 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố, 184 xã phường, thị trấn; vùng nông thôn có 152 xã chiếm 97,6% diện tích toàn tỉnh. Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa có vai trò rất quan trọng trong phát triển nền kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk
Kết quả về mục tiêu tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ:
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên thị trường tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 350.674 tỷ đồng (Kế hoạch 340.997 tỷ đồng) tăng 2,84% so với kế hoạch đề ra.
Với đặc thù là một tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên rộng, mật độ dân số thấp, dân cư phân bố rộng khắp, điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội chung còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh khá ổn định, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng, cả về chất lượng và mẫu mã chủng loại. Các siêu thị lớn trên địa bàn thường xuyên thực hiện các chương trình đưa hàng việt về nông thôn, chương trình khuyến mải kích cầu, hàng hóa đầy đủ đáp ứng nhu cầu người dân đã bước đầu phát huy sự chi phối, dẫn dắt và định hướng giúp thị trường ổn định, cùng với công tác xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm… và môi trường kinh doanh thông thoáng đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa tăng trưởng khá.
Về xây dựng và phát triển chợ miền núi vùng sâu vùng xa:
Với mục tiêu xây dựng mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đồng bộ, hài hòa, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất hàng hóa và nhu cầu cho đời sống nhân dân, qua đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển ngành thương mại, phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng chợ, gắn kích thích phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. 
Hệ thống mạng lưới chợ phát triển đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phát triển dân cư, các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng được hình thành và phân bố rộng khắp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng xã hội và lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Đến nay, số chợ được xây dựng kiên cố chiếm 65,7%, ngày càng phục vụ tốt hơn cho tiêu dùng và sản xuất, có 19 chợ do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý, chiếm 12,8% tổng số chợ trên địa bàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư xã hội hóa hơn 460 tỷ đồng, đặc biệt trên địa bàn các huyện ưu tiên thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi tại tỉnh Đắk Lắk (gồm 3 huyện: Ea H’Leo, Buôn Đôn, Ea Súp) có 9/23 chợ (chiếm 39% số chợ tại 3 huyện) đã chuyển đổi thành công mô hình chợ do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý với 24,5 tỷ xã hội hóa trong đầu tư xây dựng chợ, trong thời gian tới (năm 2020) tiếp tục có dự án đầu tư chợ với vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng.  
Nhìn chung, hệ thống mạng lưới chợ phát triển đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phát triển dân cư, các công trình công cộng và hạ tầng cơ sở được hình thành và phân bố rộng khắp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng xã hội và lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Hệ thống chợ đã có nhiều đóng góp vào sản xuất và đời sống dân cư, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa sản xuất trên địa bàn thông qua việc lưu thông thông suốt và cung ứng kịp thời các điều kiện đầu vào cho sản xuất, đồng thời góp phần nâng cao đời sống dân cư thông qua việc điều tiết cung cầu kịp thời giữa các vùng trong tỉnh và giữa tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh ngoài.
Về công tác tuyên truyền quảng bá đối với phát triển thương mại miền núi:
Xác định thông tin là một trong những công tác quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại miền núi, tỉnh đã thường xuyên đăng các tin bài về hoạt động xúc tiến thương mại trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, viết bài xây dựng Bản tin Công Thương định kỳ, xây dựng bản tin giá cả thị trường cà phê và hồ tiêu cập nhật thường xuyên, qua đó hỗ trợ và cập nhật tin tức giá cả nhanh chóng, kịp thời cho các tổ chức và cá nhân ở những vùng nông thôn, khu vực miền núi.
Thực hiện phát hành 1.250 đĩa DVD, CD rom tiếng Việt; 500 đĩa DVD tiếng Anh; 200 USB; 1.300 túi xách; 1.200 tập gấp; 3.210 cuốn cẩm nang xúc tiến thương mại Anh – Việt; quảng bá tiềm năng thương mại của tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh ra thị trường thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm trong, ngoài nước và các đoàn công tác, quảng bá địa phương tại nước ngoài (Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc...).
Các hoạt động xúc tiến thương mại, phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn miền núi:
Trong thời gian qua, nhằm tăng cường sự liên kết cũng như mở rộng địa bàn hoạt động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tỉnh đã tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh như: Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Cà Mau, Đồng Tháp... Kết quả từ năm 2015 đến nay có hơn 100 biên bản ghi nhớ hợp tác, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp Đắk Lắk và doanh nghiệp các tỉnh đã được ký kết thông qua Hội nghị kết nối giao thương,  trong đó có hơn 40 biên bản, ghi nhớ thoả thuận đã được triển khai thực hiện một cách hiệu quả với các sản phẩm như: cà phê, ca cao, mắc ca, bơ, trà thảo mộc... trong đó có nhiều sản phẩm đã được ký kết và cung ứng tại các siêu thị lớn trong nước như: Big C, EAON... và nhiều sản phẩm khác như cà phê, ca cao, tinh bột nghệ của Đắk Lắk đã có mặt tại các nhà phân phối, các cửa hàng tiện lợi tại các tỉnh, thành trong nước.
Tổ chức hơn 100 đợt hội chợ triển lãm trên địa bàn, nổi bật là Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê tổ chức định kỳ 2 năm một lần từ năm 2015 đến nay, đây là Hội chợ có quy mô của Hội chợ triển lãm quốc tế (trung bình có hơn 70 gian hàng nước ngoài/hội chợ) góp phần nâng tầm giá trị về cà phê của các tỉnh Tây Nguyên – Việt Nam nói chung và cà phê Đắk Lắk nói riêng trên thị trường quốc tế. Tham gia Hội chợ triển lãm các đơn vị tập trung quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm, xây dựng hình ảnh nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm giới thiệu đến khách tham quan và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, đưa hàng Việt về vùng biên giới, tăng thị phần hàng Việt tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 11 Phiên chợ hàng Việt về miền núi, thu hút 750 lượt gian hàng của hơn 310 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh số ước đạt hơn 9,3 tỷ đồng. Phiên chợ đã tạo cho người dân trên địa bàn, nhất là người dân được tiếp cận và sử dụng nhiều mặt hàng Việt Nam có chất lượng tốt với giá cả hợp lý, qua đó, tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một số doanh nghiệp đã mở rộng mạng lưới kinh doanh, phân phối hàng hóa tại các huyện, đã có 56 biên bản ghi nhớ đã được các doanh nghiệp ký kết thoả thuận hợp tác tại các huyện.
Trong năm 2020, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỉnh tiếp tục có kế hoạch tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về miền núi trong đó có 3 phiên thuộc Chương tình xúc tiến thương mại quốc gia, 01 phiên thuộc chương trình xúc tiến thương mại địa phương.
Các hoạt động xúc tiến du lịch trên địa bàn miền núi:
Thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước thông qua các sự kiện hàng năm như: Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi; Hội chợ Du lịch Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh - ITE HCMC.. và các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia. Việc tham gia các sự kiện du lịch trong, ngoài nước cũng là dịp để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị khởi xướng, phát động hưởng ứng chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”.
Trang thông tin điện tử (website) www.daktip.vn là nơi cung cấp thông tin quảng bá, giới thiệu về sản phẩm dịch vụ du lịch của tỉnh đến với đông đảo du khách, bạn bè trong và ngoài nước với hơn 07 triệu lượt truy cập, bình quân hơn 4.500 lượt/ngày, là địa chỉ thông tin tin cậy không chỉ của du khách mà cả đối với các nhà đầu tư, đồng thời, cũng là cầu nối trung gian, hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh.
Bên cạnh đó, xuất bản các ấn phẩm như  “Du lịch Đắk Lắk” (phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh), đĩa DVD du lịch, bản đồ du lịch Đắk Lắk, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk trên báo, đài, đặc biệt tập trung trên môi trường internet (các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram, Twitter...), sử dụng ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, tích hợp bản đồ số về du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới như “Chương trình biểu diễn văn hóa Cồng chiêng: Đắk Lắk – Âm vang Đại ngàn”, biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các buôn du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch… nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá cho du lịch tỉnh Đắk Lắk.
Công tác đào tạo nâng cao nguồn nhân lực du lịch, tổ chức khảo sát sản phẩm du lịch mới để đưa vào khai thác tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn các huyện cũng được quan tâm, các chương trình được thực hiện đảm bảo nguyên tắc kết hợp các hoạt động xúc tiến du lịch với các hoạt động xúc tiến đầu tư và văn hóa của tỉnh ở trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh.
Từ những hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên đã góp phần thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk tăng trưởng đều qua các năm. Trong giai đoạn 2015 – 2019 đã đón tiếp trên 03 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 3.322 tỷ đồng, đạt và vượt kế hoạch hàng năm.
Hoạt động khuyến công trên địa bàn miền núi:
Trong giai đoạn 2015 – 2020 đã triển khai thực hiện được 105 đề án khuyến công, trong đó: 05 đề án khuyến công quốc gia, 100 đề án khuyến công địa phương; triển khai các đợt tập huấn, hội thảo, phổ biến, tuyên truyền nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, khởi sự doanh nghiệp, nhận thức và áp dụng sản xuất sạch hơn, sơ chế bảo quản nông sản sau thu hoạch, các chính sách khuyến công… với 19 đề án, cho hơn 1.600 học viên. Thực hiện chương trình Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
    Các đề án hỗ trợ máy móc thiết bị nghiệm thu và đưa vào hoạt động đã giúp cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng các máy móc thiết bị tiến tiến trong sản xuất, nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng doanh thu cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Có những đề án, mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, giảm nghèo bền vững, là mô hình mẫu, tác động nhân rộng mô hình cho các đơn vị khác học tập, tạo lợi thế cạnh tranh, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
           Xuất bản 800 Bản tin Công Thương cung cấp thông tin, xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử ngành Công Thương tại địa chỉ  https://socongthuong.daklak.gov.vn/ để thông tin, quảng bá về hoạt động khuyến công, thương mại nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công thương địa phương. Triển khai 08 đề án nâng cao năng lực quản lý, tổ chức cho cán bộ làm công tác quản lý công nghiệp, công tác khuyến công cấp tỉnh, huyện và một số cơ sở công nghiệp nông thôn điển hình của tỉnh tham quan học tập kinh nghiệm công tác khuyến công, quản lý công nghiệp, cụm công nghiệp... tại các tỉnh trong nước, qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác quản lý công nghiệp, khuyến công, quản lý điều hành các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột.
Về hoạt động nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ:
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phụ trách tổ chức 09 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ (gồm các nội dung thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khai thác kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ đặc sản địa phương dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, công nhận sáng kiến, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột) cho khoảng 700 đại biểu là cán bộ cấp huyện, s, ban, ngành một số doanh nghiệp; tổ chức 05 lớp phổ biến Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định về Nhãn hiệu.
Xây dựng bộ tài liệu về hướng dẫn đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm: Nhãn hiệu, Sáng chế, Kiểu sáng công nghiệp, Giống cây trồng, Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
Ngoài ra, còn tuyên truyền chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên website của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, tỉnh, báo Đắk Lắk; tuyên truyền “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4” hàng năm bằng hình thức tọa đàm, treo băng rôn; triển khai chuyên mục truyền hình về thực trạng quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:
Đến nay đã thẩm định và cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho 12 đơn vị, với tổng diện tích 15.612,7 ha, sản lượng đăng ký 48.691 tấn/năm. Tính lũy kế từ năm 2013 đến năm 2020 thì cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột đã xuất khẩu khoảng 22.200 tấn, với giá trị tăng thêm khoảng 3-5%.
          Trong 3 năm (2016-2018) kết nối những đơn vị sản xuất, thương mại cung ứng cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý với các nhà rang xay trong nước (tại Đắk Lắk, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, thành phố Đà Nẵng…) đã và sẽ sử dụng Logo chỉ dẫn địa lý trong thương mại, số lượng cà phê nhân đã cung ứng khoảng gần 5.053 tấn.
           Sau hơn 04 năm đi vào hoạt động và triển khai sử dụng Logo chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột trên sản phẩm cà phê rang xay, đến nay đã có 17/35 hội viên được Hiệp hội cấp quyền sử dụng logo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, có khoảng 150 tấn cà phê rang xay mang thương hiệu (logo) cà phê Buôn Ma Thuột đã được thương mại trên thị trường nội địa trong 03 năm 2016 - 2018 (trung bình mỗi năm thương mại khoảng 50 tấn) với giá trị tăng thêm khoảng 3 - 5%.
Bên cạnh đó, tỉnh đã bảo hộ các đặc sản địa phương dưới dạng Nhãn hiệu tập thể, Nhãn hiệu chứng nhận, cụ thể:
- Nhãn hiệu chứng nhận: Cá lăng đuôi đỏ Hòa Phú - Buôn Ma Thuột, Hồ tiêu Cư Kuin, Mắc Ca Krông Năng, Gạo Krông Ana, Gà thịt Ea Kar.
- Nhãn hiệu tập thể: Xoài Ea Súp, Cà phê Ea Tu - Buôn Ma Thuột, Tinh dầu sả Java Ea Tir - Ea H’leo, Nấm Krông Ana.
Các hoạt động phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm:
Phong trào thi đua ”Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ rệt ở cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk, làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, góp phần thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn theo hướng khang trang, văn minh hơn.
Đến tháng 6/2019, lũy kế toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt 17-18 tiêu chí, 22 xã đạt 15-16 tiêu chí, 19 xã đạt 13-14 tiêu chí, 36 xã đạt 10-12 tiêu chí, 24 xã đạt 5-9 tiêu chí, duy trì không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có trên 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đạt kế hoạch đề ra.
Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 27 sản phẩm, thuộc 06 nhóm được lựa chọn làm sản phẩm chủ lực Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tỉnh đã tổ chức thành công Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk năm 2019, với hơn 210 gian hàng của hơn 100 đơn vị tham gia, thu hút hơn 20.000 lượt khách tham quan, đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị tìm được đối tác tiêu thụ sản phẩm, đàm phán làm cơ sở cho việc ký kết hợp đồng kinh tế sau này. Tỉnh cũng đã tổ chức lớp tập huấn dưới sự truyền đạt kiến thức, chia sẻ thông tin và phương pháp đánh giá sản phẩm OCOP của chuyên gia về Kinh tế và Phát triển nông thôn, thực hành chấm điểm một số sản phẩm OCOP để trang bị cho cán bộ quản lý nhà nước những kiến thức phương pháp đánh giá, chấm điểm các sản phẩm OCOP của địa phương, có thể tham mưu tốt để thực hiện tốt chương trình OCOP tại địa phương.

Qua 5 năm thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tình hình thương mại của tỉnh vẫn phát triển theo hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt khá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đầu tư phát triển thương mại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế cho các địa phương miền núi, nâng cao đời sống nhân dân, điều dễ dàng nhận thấy nhất là việc mua bán của người dân ngày càng thuận lợi.
Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại  trên địa bàn tỉnh phát triển và được cải thiện, đáp ứng cơ bản được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư, góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở vật chất của một số chợ đảm bảo kiên cố và bán kiên cố tạo thuận lợi đối với hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa. Một số chợ đã và đang thu hút được các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh khai thác và quản lý chợ, đã thực hiện chuyển đổi từ mô hình Ban quản lý sang mô hình doanh nghiệp. Siêu thị, trung tâm thương mại đã được hình thành, phát triển hướng dẫn phương thức kinh doanh văn minh hơn loại hình thương mại truyền thống trên địa bàn.
Để đạt được những thành tựu như trên, do điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm gần đây phát triển khá mạnh, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, các hoạt động sản xuất ngày càng phát triển, tạo ra càng nhiều sản phẩm, hàng hóa…đã thúc đẩy nhu cầu lưu thông trao đổi hàng hóa. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch dân cư đã đạt nhiều kết quả khả quan, hình thành nhiều điểm dân cư tập trung, cùng với sự hoàn thiện nhanh của cơ sở hạ tầng trong xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành 1 hệ thống chợ với sự phân bổ khá hợp lý về vị trí.
Đắk Lắk được hưởng nhiều ưu đãi về nguồn vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời các cấp chính quyền ngày càng quan tâm hơn đến phát triển hạ tầng, phát triển thương mại.
Tỉnh đã quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và tham gia kinh doanh trong hệ thống cơ sở hạ tầng. Sự năng động, tích cực của các huyện, thị xã, thành phố để kêu gọi, thu hút các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, cùng với sự nhanh nhạy, mạnh dạn của các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh được thực hiện đúng quy trình, thời gian quy định, tạo môi trường thông thoáng, thu hút được nhiều hộ kinh doanh mở rộng sản xuất, kinh doanh đa dạng hóa các ngành nghề...
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những mặt tồn tại như việc thực hiện xã hội hóa trong đầu tư phát triển mạng lưới chợ nông thôn còn chậm do địa hình bị chia cắt, suất đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn chậm nên hoạt động thu hút các nhà đầu tư nhằm phát triển chợ, siêu thị trên địa bàn nông thôn còn nhiều hạn chế, hệ thống chợ biên giới chưa phát triển. Nhiều quy định về công tác quản lý chợ còn đi chậm so với thực tế dẫn đến việc chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ nói chung còn chậm so với yêu cầu. Một số chỉ tiêu còn chưa đạt, như chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu, giai đoạn 2016-2020 ước đạt 2.948 triệu USD (KH 3.765 triệu USD) đạt 78,3% so với kế hoạch đề ra, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính đều sụt giảm giá xuất khẩu, sự kiện thương mại Mỹ, Trung cũng đã tác động đến xuất khẩu hàng hoá nông sản sang thị trường Trung Quốc. Các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, hàng hóa chưa dồi dào, vẫn có những mặt hàng chưa đảm bảo chất lượng... Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, miền núi còn ít, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giao lưu hàng hóa hai chiều.
Tỉnh đã có những đề xuất, kiến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm phát triển giai đoạn 2021 – 2030 như sau:
1. Đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng chợ. Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ đối với hệ thống chợ tại các vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân ở vùng nông thôn miền núi của nhiều địa phương còn nghèo, thu nhập và sức mua không cao nên khó huy động vốn đầu tư cũng như xã hội hóa đầu tư để phát triển hạ tầng thương mại.
2. Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ ban hành từ năm 2003 đến nay đã không còn phù hợp, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, nhiều vấn đề về quản lý trong lĩnh vực chợ đã và đang diễn ra nhưng chưa có quy định cụ thể rõ ràng minh bạch như: Quy định đầu tư đối với chợ xã hội hóa (trong đó có chợ đầu mối); quy định về huy động vốn đầu tư xây dựng chợ; hướng dẫn quy trình về chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ để làm căn cứ thực hiện; v.v...
Do đó, đề nghị Bộ Công Thương quan tâm nghiên cứu sửa đổi bổ sung ban hành các quy định mới nhằm thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, kêu gọi đầu tư chuyển đổi mô hình chợ giúp hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được khang trang hiện đại.
3. Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ ngành Trung ương trình Chính phủ bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng chợ cửa khẩu khu vực biên giới (cửa khẩu Đắk Ruê - Chi Miet), kết nối giao thương với tỉnh Mondulkiri, Campuchia.
4. Việc hình thành trung tâm logistic mang tính khu vực giúp tập kết được số lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu hàng hóa nội địa, nhu cầu xuất nhập khẩu, giúp giảm chi phí trong lưu thông phân phối, mở rộng thị trường, phát triển thương mại nói chung và thương mại miền núi nói riêng. Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công Thương quan tâm bố trí ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu đối với dự án trung tâm logistics mang tầm khu vực để kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện đầu tư phát triển cho tương xứng.
5. Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục bố trí nguồn lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, xây dựng điểm bán hàng Việt Nam tạo sự thuận lợi cho người dân trong mua sắm hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển bên vững.
 

Tác giả: P.QLTM - Sở Công Thương Đắk Lắk

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://socongthuong.daklak.gov.vn là vi phạm bản quyền

 Tags: thương mại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây