Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đại diện Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam, Chương trình hỗ trợ năng lượng giữa tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Bộ Công Thương; đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng cùng khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp năng lượng.
Các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực năng lượng đã trao đổi, chia sẻ ý kiến, kết nối góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Các diễn giả đã cung cấp một số thông tin về thực trạng và giải pháp cho ngành năng lượng Việt Nam qua các góc nhìn về công nghệ, chính sách, hạ tầng và tín dụng đến từ các chuyên gia trong nước và nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, về mặt công nghệ, lĩnh vực năng lượng được xác định là một trong các lĩnh vực cần tập trung phát triển từ rất sớm, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng của Bộ KH&CN, cũng như nhiều chính sách, chương trình khác từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn, làm chủ cũng như phát triển và nội địa hóa công nghệ/thiết bị trong lĩnh vực năng lượng, cần có sự đồng bộ của hệ thống chính sách cũng như sự vào cuộc của nhiều Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thống kê tại Việt Nam cho thấy, nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh gấp khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong nhiều năm trở lại đây nhu cầu năng lượng tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ.
Trong khi nhiên liệu hóa thạch phải mất hàng trăm triệu năm để hình thành ở các dạng khác nhau như than đá, dầu mỏ, khí đốt tùy vào điều kiện môi trường thì tốc độ tiêu thụ của con người quá nhanh nên được xem là nguồn năng lượng không tái tạo. Điều này đã đặt ra sức ép lớn trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, vấn đề bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển bền vững cần phải dành được sự ưu tiên cao.
Ông Trần Anh Tuấn - Thư ký Hiệp hội Năng lượng thế giới (World Energy Council) cho rằng, phát triển các dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen…) sẽ là xu thế tất yếu của thời đại, nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, ổn định và bảo vệ môi trường. Theo khảo sát, hơn 100 nước trên thế giới đã chọn biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp có tác động lớn nhất đến việc sử dụng năng lượng vào năm 2040. Biện pháp này sẽ tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt; đổi mới công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm điện…
Ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển mạnh, tương đối đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực và phân ngành năng lượng về cơ bản đã bám sát định hướng phát triển năng lượng của Đảng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể.
Bên cạnh đó, thời gian qua đã có nhiều chính sách cho phát triển ngành năng lượng tái tạo như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Trong đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra những mục tiêu quan trọng để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và giá cả hợp lý.
Trong đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra những mục tiêu quan trọng để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều các dự án nhà máy điện tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua là đáng kể, làm giảm áp lực vốn cho Chính phủ trong những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có vốn lớn, công nghệ phức tạp như các dự án nguồn điện và góp phần quan trọng vào việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, nhất là trong bối cảnh các tập đoàn nhà nước (EVN, PVN, TKV) khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện.
Ông cũng cho biết thêm, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng bởi hầu hết các nước trên thế giới. Thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với những thị trường mới như Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo thì cần tập trung vào các nội dung chính như: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. Về chính sách, các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các đề xuất kiến nghị đưa ra tại diễn đàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng, vẫn chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường, đảm bảo cho người dân tiếp cận nguồn điện năng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục lắng nghe ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực này, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.