Thương hiệu gạo 721 là một trong những thành công bước đầu của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 721, đóng trên địa bàn xã Cư Ni, huyện Eakar sau hơn 40 năm hoạt động. Và để đầu tư hiệu quả cho toàn bộ quy trình chế biến ra những hạt gạo đúng tiêu chuẩn “tốt cho mọi nhà”, Công ty Cà phê 721 đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo có công nghệ hiện đại với công suất 10.000 tấn/năm và nhà máy sấy lúa có công suất 80 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư là 12 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk đã hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến gạo, công suất 3.000 tấn sản phẩm/năm trị giá 754 triệu đồng, trong đó Trung tâm hỗ trợ 150 triệu đồng. Dây chuyền sản xuất này đã giúp tự động hóa trong công đoạn vận chuyển, sấy lúa, xay xát… đảm bảo đạt chuẩn như yêu cầu của thương hiệu.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, chủ cơ sở cơ khí Đăng Khoa ở Thôn 2, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp cho biết chiếc máy phay tiện đa năng được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triên công nghiệp hỗ trợ mua đã giúp cho cơ sở giảm chi phí đi lại, giảm nhân công và tăng hiệu suất hoạt động của cơ sở. Ngày trước, để phay hay tiện bất cứ sản phẩm nào, ông Khoa cũng phải chạy xe hơn 60 cây số để ra Thành phố Buôn Ma Thuột làm, nhưng giờ đây, cơ sở của ông có thể thực hiện được hết những phần việc ấy. Hiệu suất công việc của cơ sở tăng cao, nhờ đó mà thu nhập của nhân công lao động cũng được tăng theo.
Nhiều cơ sở thụ hưởng cũng cho rằng, mức hỗ trợ đã khuyến khích các đơn vị mạnh dạn đầu tư ứng dụng thiết bị hiện đại; giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận. Với những kết quả này cho thấy, các nội dung khuyến công hỗ trợ đã gắn với nhu cầu thực tế của cơ sở. Các doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ đã đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thêm thị trường. Sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng được nâng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Vấn đề hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn đã được ngành công thương Đắk Lắk xác định là một nhiệm vụ quan trọng nhằm huy động các nguồn lực tham gia sản xuất, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và phân công lại lao động, xã hội.
Thời gian qua, hoạt động khuyến công được đánh giá là đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn. Nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn và được đánh giá cao, như: hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp… Thông qua các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Tác giả: Mai thanh - TTKC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn