Hoạt động Khuyến công tỉnh Đắk Lắk: vai trò quan trọng và động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Thứ sáu - 18/08/2023 05:05
Giai đoạn 2012-2022, hoạt động Khuyến công tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành công trong việc phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp theo Nghị định 45/NĐ-CP của Chính phủ
Máy rang cà phê được hỗ trợ từ nguồn kinh phí Khuyến công địa phương năm 2020
Hoạt động khuyến công tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, phát triển sản phẩm; quảng bá, tôn vinh, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực cho cơ sở công nghiệp nông thôn theo mục tiêu của Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh đã có đóng góp vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng ngành công nghiệp, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng sản xuất sạch hơn và bền vững.
Hoạt động khuyến công tại tỉnh luôn xác định bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình mà UBND tỉnh đã ban hành, đã được cụ thể hoá bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng được nâng cao; thực hiện hỗ trợ các cơ sở theo nhóm, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế với các nội dung hoạt động khuyến công hỗ trợ đa dạng, có chất lượng, nhằm phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Đặc biệt giai đoạn 2019 – 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, cụ thể, năm 2021 kinh phí thực hiện chương trình khuyến công phải cắt giảm 50% để phục vụ chống dịch, nhưng hoạt động khuyến công vẫn có những kết quả tích cực.
Giai đoạn 2012-2022, Hoạt động Khuyến công thực hiện tổng kinh phí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh là 76.482 triệu đồng, trong đó: Chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 3.786 triệu đồng; Chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ 15.167 triệu đồng; kinh phí từ nguồn vốn tự có của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn là 57.529 triệu đồng.
Nghiệm thu máy móc thiết bị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022 tại huyện Ea Súp
Thực hiện hỗ trợ cho 96 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến và tự động trong các khâu chế biến, đóng gói nông sản, sản xuất gia công và chế tạo cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; sản xuất vật liệu xây dựng... tổ chức thành công các đợt bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh trong các năm 2017, 2019 và 2021, kết quả có 23 cơ sở với 29 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, 19 cơ sở có 21 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực; 6 cơ sở có 8 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia; hỗ trợ xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn cho 10 cơ sở CNNT; kịp thời hỗ trợ giới thiệu và quảng bá rộng rãi với các tỉnh bạn về sản phẩm CNNT chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT của tỉnh liên doanh, liên kết, ký kết hợp đồng, mở rộng và phát triển thông qua việc hỗ trợ hơn 90 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, tổ chức  Hội chợ - triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2016 tại tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 163 cơ sở tham gia 475 gian hàng đến từ 25 tỉnh thành phố, riêng Đắk Lắk có 69 đơn vị tham gia; xuất bản phát hành 1.400 bản tin Công Thương Đắk Lắk... Nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho các cơ sở CNNT còn hạn chế do doanh nghiệp có nhu cầu nhỏ, lẻ khó khăn cho việc tìm người truyền dạy và bố trí thực hiện, đồng thời hầu hết các địa phương đã có trung tâm dạy nghề, đáp ứng đào tạo nghề, truyền nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Hội đồng bình chọn tổ chức chấm điểm sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019
Qua kết quả như trên, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc thi hành Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công đã mang lại những kết quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Động viên và huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hưởng phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cung cấp cho cơ sở CNNT những thông tin kiến thức cơ bản, đáp ứng sự phát triển của cơ sở, nhờ đó giúp cho các cơ sở xác định được hướng đầu tư đúng, có hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị mới tiên tiến, mở rộng sản xuất kinh doanh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm nhiều sản phẩm mới,  và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường... Nhiều mô hình công nghiệp nông thôn ở các địa phương được hình thành và đang sản xuất kinh doanh hiệu quả, các cơ sở này đã và đang là những mô hình thực tế, có ý nghĩa lan tỏa về việc đầu tư khởi nghiệp sản xuất công nghiệp ở địa phương. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở CNNT khai thác tốt tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn, nhằm góp phần tạo ra những sản phẩm đặc trưng của địa phương (sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu).
Khuyến công giúp cơ sở công nghiệp nông thôn xác định đúng hướng đầu tư, mang lại hiệu quả tối ưu trong sản xuất
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động khuyến công còn một số hạn chế như:
Chưa hình thành mạng lưới cán bộ làm công tác khuyến công từ huyện đến xã. Hầu hết các cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện, thị xã, thành phố là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi; Do vậy, công tác nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đề án khuyến công tại địa phương gặp nhiều khó khăn; hiện vẫn còn nhiều đối tượng thụ hưởng chưa được tiếp cận về nội dung cũng như thông tin hỗ trợ kinh phí khuyến công; Bên cạnh đó, việc quy định thời gian từ đăng ký xây dựng kế hoạch khuyến công đến lúc triển khai thực hiện khá dài; nhiều nội dung hoạt động khuyến công theo quy định vẫn chưa thực hiện được trên địa bàn tỉnh.
Kinh phí thực hiện khuyến công hàng năm chỉ mới dừng lại ở ngân sách nhà nước hỗ trợ và đối ứng của các đơn vị thụ hưởng mà chưa huy động được các nguồn lực khác tham gia vào hỗ trợ hoạt động khuyến công. Số cơ sở CNNT đa phần là cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ, Hộ kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi nhu cầu vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới khá lớn nhưng mức kinh phí hỗ trợ từ nguồn khuyến công chỉ là động viên, khuyến khích nên số cơ sở có khả năng để đầu tư thực hiện đề án không nhiều. Do đó hoạt động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư, trình độ lao động chưa đảm bảo; Các cơ sở CNNT vẫn tập trung nhiều ở khâu chế biến thô, ít quan tâm đầu tư vào chế biến sâu, chưa xác định rõ mục tiêu đầu tư, nhận thức việc chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực xây dựng triển khai đề án của các cơ sở CNNT còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, phải thay đổi mục tiêu hoặc điều chỉnh kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng của một số đề án; việc phối hợp giữa các đơn vị tham gia quản lý thực hiện có lúc có nơi chưa thật chặt chẽ, thiếu kịp thời, có những đề án chưa lường hết những biến động, rủi ro dẫn đến phải ngừng triển khai.
Nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho các cơ sở CNNT còn hạn chế do doanh nghiệp có nhu cầu nhỏ, lẻ khó khăn cho việc tìm người truyền dạy và bố trí thực hiện, đồng thời hầu hết các địa phương đã có trung tâm dạy nghề, đáp ứng đào tạo nghề, truyền nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Nội dung hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp chưa tổ chức triển khai hỗ trợ được do thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh.
Nội dung hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT trong các lĩnh vực: lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói chưa được tập trung chú trọng, quan tâm. 
Năng lực cán bộ tham gia hoạt động khuyến công chưa cao và chưa chuyên nghiệp, còn hạn chế trong các lĩnh vực như: dự án đầu tư, về chính sách đất đai, lĩnh vực công nghệ… còn thiếu cán bộ chuyên ngành kỹ thuật và đặc biệt thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao.

Để nâng cao chất lượng công tác khuyến công cho những năm tiếp theo cần tập trung các nội dung như sau:
1. Đối với đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động khuyến công
Hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được đội ngũ cộng tác viên khuyến công cấp xã, vì vậy mặc dù công tác tuyên tuyền, phổ biến chính sách phát triển công nghiệp nông thôn có nhiều cố gắng xong nhận thức chung của cộng động về phát triển công nghiệp nông thôn còn mờ nhạt. Công tác theo dõi, phát hiện, động viên khuyến khích để phát triển công nghiệp nông thôn ở nhiều xã, thôn buôn nhất là địa bàn xa trung tâm huyện còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tồn tại này cần xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến công cấp xã, nhất là các xã xa trung tâm huyện để khai thác, phát huy tiềm năng phát triển công nghiệp ở tất các các địa bàn của tỉnh. Xong xong với việc triển khai mạng lưới công tác viên cấp xã, thôn buôn cần đồng hành tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến về chính sách khuyến công và hướng dẫn quy trình, thủ tục để nhận được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Về cán bộ khuyến công cấp huyện: Hầu hết cán bộ khuyến công cấp huyện chỉ là kiêm nhiệm và nhân sự đảm nhận công tác này thường không ổn định. Đề nghị cán bộ khuyến công cấp huyện cần được bố trí ổn định và trong trường hợp cán bộ mới đảm nhận công tác này phải được tập huấn về nghiệp vụ khuyến công, để xây dựng đội ngũ quản lý một cách hệ thống và chuyên nghiệp.
Về đội ngũ cán bộ của Trung tâm Khuyến công: Cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khuyến công, nâng cao nhận thức về hoạt động khuyến công và sản xuất bền vững; học tập tự nâng cao trình độ chuyên môn. Thiết nghĩ, với vai trò tư vấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất CNNT trong việc tiếp cận chính sách khuyến công, bản thân mỗi viên chức phải thật tâm huyết với nghề; phải nghiêm túc nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khuyến công, ngoài ra mở rộng nghiên cứu thêm nhiều lĩnh vực khác liên quan đến phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; với tâm thế tân tâm, chu đáo và trách nhiệm sẽ từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Về nội dung hoạt động
Hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu vào 3 nhóm nội dung: hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực cho cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình ứng dụng máy móc tiên tiến và mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn; thông tin, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, phát tiển sản phẩm CNNT.
Để phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc của cán bộ khuyến công. Cần xác định nhiệm vụ trọng tâm, thay đổi cách nghĩ, và cách làm, có sự phối hợp liên kết hỗ trợ giữa các ngành để tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất từ khâu tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra, ưu tiên cho những sản phẩm chủ lực, thế mạnh, đặc trưng, có tiềm năng. Đặc biệt là cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai công tác khuyến công để góp phần thực hiện tốt hơn về Chương trình Khuyến công tiếp theo của tỉnh.
Cần chuyên nghiệp hóa nội dung hoạt động khuyến công theo định hướng tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra 1 kênh hỗ trợ không thể thiếu cho các cơ sở CNNT từ việc khởi sự, khởi nghiệp doanh nghiệp sản xuất CNNT cho đến mở rộng sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm CNNT.
3. Nâng cao chất lượng đề án khuyến công
Thường xuyên tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ cho các cơ sở CNNT tìm hiểu máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến phù hợp để nâng cao năng lực sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở; Đề cao trách nhiệm cán bộ khuyến công theo dõi, xây dựng kế hoạch và tiến độ triển khai cũng như hiệu quả đề án để đánh giá mức trách nhiệm thực hiện. Kịp thời xem xét, tư vấn, điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như hiệu quả lâu dài của các đề án.
Xây dựng được các đề án mô hình điểm, có quy mô, tạo tính lan tỏa, nhân rộng và phát huy lợi thế cạnh tranh. Tìm kiếm phối hợp các tổ chức, cá nhân để huy động các nguồn kinh phí ngoài ngân sách tham gia hoạt động khuyến công trong thời gian tới.
Đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền, kết hợp qua các phương tiện truyền thông truyền thống và trên các nền tảng số đảm bảo kiểm soát thông tin nhằm truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công.

Nói chung qua 10 năm, có thể khẳng định hoạt khuyến công của tỉnh là đòn bẩy giúp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển một cách tích cực; góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa công nghiệp nông thôn; trên cơ sở có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững./.

Tác giả: Nguyễn Thị Thành -TTKC

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây