Tại Hội thảo, Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã thông tin đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng các nội dung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng; thực trạng thực thi trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của doanh nghiệp; trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng; trách nhiệm bảo hành sản phẩm.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Qua thực tế nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh tăng cường hoạt động hướng dẫn, tư vấn người tiêu dùng và doanh nghiệp; tăng cường công tác phát hiện và báo cáo hành vi vi phạm tới cơ quan nhà nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị tại địa phương để hoàn thiện tổ chức và đẩy mạnh hoạt động Hội; nâng cao tính chủ động trong hoạt động. Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng; thành lập bộ phận tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; xây dựng và công bố đường dây nóng hỗ trợ người tiêu dùng; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Phan Thế Thắng –Phó trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) trình bày trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Trong năm 2016, qua số liệu của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, tình hình vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra thường xuyên trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, qua thanh kiểm tra đã xử phạt 96 cơ sở với số tiền hơn 483 triệu đồng; qua kiểm tra 61 cơ sở dịch vụ ăn uống có 46 cơ sở không đạt yêu cầu. Trong lĩnh vực quản lý thị trường, trong năm 2016 đã kiểm tra 991 vụ, xử lý 544 vụ, xử phạt hơn 5,25 tỷ đồng. Về đo lường, đã kiểm tra 281 cơ sở, trong đó có 53 cơ sở vi phạm hành chính, xử phạt hơn 272 triệu đồng…
Bà Nguyễn Thị Phương Lan – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phát biểu tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, bên cạnh việc thảo luận trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, các đại biểu đã phân tích, đánh giá thực trạng triển khai các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng; kinh nghiệm quốc tế về thực thi trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng…
Ông Huỳnh Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng qua 5 năm thực thi Luật bảo vệ người tiêu dùng, bước đầu Luật đã đi vào cuộc sống góp phần tạo dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, tuy nhiên những tác động của Luật vẫn chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả. Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, các doanh nghiệp cần có hành động thiết thực, ý nghĩa, nêu cao trách nhiệm với người tiêu dùng, hưởng ứng tích cực Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3). Phó Giám đốc Sở Công Thương mong rằng qua Hội thảo, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, không sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, xây dựng những thương hiệu mạnh cho hàng Việt góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế.
Tác giả: Mai Thanh - TTKC
Những tin mới hơn