Xúc tiến thương mại 5 năm nhìn lại và những giải pháp trong thời gian tới

Chủ nhật - 16/10/2022 23:50
Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ; nó có vai trò trong việc hỗ trợ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp, giúp cho việc bán hàng dễ dàng và năng động hơn, đưa hàng hóa vào kênh phân phối hợp lý, có lợi thế. Từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí và đạt doanh thu cao; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trên thị trường một cách hiệu quả với nguồn lực của mình. 
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Sở Công Thương, sự hỗ trợ tích cực của Cục Xúc tiến thương mại và các tổ chức xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương, công tác xúc tiến thương mại thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp trong tỉnh. Các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các thị trường trong và ngoài nước để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tiến tới xuất khẩu.
Hội nghị phổ biến tác động hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Lắk do Trung tâm Xúc tiến Thương mại tổ chức năm 2019
Với quan điểm luôn luôn chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách trung ương và địa phương trong công tác xúc tiến thương mại. Trong 5 năm qua lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đắk Lắk (Trung tâm) đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó và đã đạt được những kết quả nhất định:
Về Hội chợ Triển lãm trong và ngoài nước
Hội chợ triển lãm nước ngoài: tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá 03 Hội chợ triển lãm tại nước ngoài như: Hội chợ triển lãm ASEAN - Trung Quốc tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; Hội chợ sản phẩm lên men quốc tế tại tỉnh Jeollabuk - Hàn Quốc năm 2018 và 2019, qua đó hỗ trợ cho 20 lượt doanh nghiệp tham gia trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng và chủ lực của tỉnh.
Về Hội chợ triển lãm trong nước: tổ chức tham gia 40 hội chợ triển lãm trong nước, hỗ trợ cho 134 lượt doanh nghiệp/212 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng các tỉnh/thành phố trong nước, đồng thời mở rộng hợp tác với các kênh phân phối và hệ thống siêu thị lớn tại thành phố như: Siêu thị Big C, hệ thống siêu thị Vincom, hệ thống siêu thị Coop Mart, hệ thống Cửa hàng siêu thị Mini, cửa hàng lưu niệm… tại các tỉnh/thành trong cả nước. 
Đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ tại tỉnh Đắk Lắk năm 2020
Trong thời gian này dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Công Thương Đắk Lắk, Trung tâm cũng đã phối hợp với các Sở, ban ngành tổ chức thành công Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017 và lần thứ 7 năm 2019. Tổ chức vận động doanh nghiệp và Sở Công Thương các tỉnh/thành phố đăng ký tham gia, qua 2 lần tổ chức đã thu hút hơn 1.500 gian hàng của 500 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia. Đặc biệt, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017 đã vinh dự đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và đoàn lãnh đạo cấp cao của các Bộ, ngành Trung ương, các đoàn Đại sứ, lãnh sự và doanh nghiệp nước ngoài tham quan gian hàng.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, đưa hàng Việt về vùng biên giới, tăng thị phần hàng Việt tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. hưởng ứng cuộc vận động và tranh thủ các nguồn vốn xúc tiến thương mại từ địa phương giai đoạn 2016 - 2021, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 12 Phiên chợ hàng Việt về miền núi tại các huyện Lắk, Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Đrắk, Cư Mgar, Ea H’Leo, Krông Năng, Ea Kar, Krông Pắk, Krông Ana thu hút hơn 700 lượt gian hàng của gần 300 lượt doanh nghiệp tham gia. Phiên chợ đã tạo cho người dân trên địa bàn được tiếp cận và sử dụng nhiều mặt hàng Việt Nam có chất lượng tốt với giá cả hợp lý. Qua đó, tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Về tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp:
Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu của đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ các doanh nghiệp được nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của cán bộ. Trong những năm vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để tổ chức thành công các chương trình đào tạo, tập huấn, các chương trình Hội thảo cho các doanh nghiệp, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh và chế biến trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn vừa qua, đã tổ chức 15 lớp tập huấn qua đó đã thu hút 1.746 lượt học viên/đại biểu của 826 lượt đơn vị tham gia.
Về hoạt động cung cấp thông tin, ấn phẩm quảng bá:
Thường xuyên cung cấp các tin bài về các hoạt động xúc tiến thương mại trên website của Sở Công Thương cũng như tham gia viết bài xây dựng Bản tin Công Thương định kỳ do Ban biên tập bản tin thực hiện. Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng bản tin giá cả thị trường cà phê và hồ tiêu phát vào lúc 19h55 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện phát hành các ấn phẩm, đĩa DVD quảng bá tiềm năng thương mại của tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh ra thị trường thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, các đoàn đi công tác nước ngoài. 
Về hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm:
Nhằm tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam giữa doanh nghiệp Đắk Lắk và doanh nghiệp các tỉnh/thành trong cả nước. Trong những năm qua Trung tâm đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa; Hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh/thành trong cả nước. Qua đó, đã tổ chức 25 Hội nghị kết nối giao thương; kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp Đắk Lắk và doanh nghiệp các tỉnh/thành phố trong nước như: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; Bến Tre, Bạc Liêu, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Phú Yên. Trong đó, có 08 Hội nghị được tổ chức trong tỉnh và 18 Hội nghị tổ chức ngoài tỉnh, hỗ trợ cho 403 lượt doanh nghiệp tham gia.
Qua các Hội nghị, đã có 269 hợp đồng/biên bản ghi nhớ được ký kết giữa doanh nghiệp Đắk Lắk và doanh nghiệp các tỉnh/thành, trong đó có nhiều sản phẩm đã được triển khai hiệu quả như Công ty TNHH cà phê Ê Đê và Công ty Cổ phần Giải pháp khoa học công nghệ Scientech;  HTX Hợp Nhất (HTX Xuân Định – Đồng Nai); Tinh bột nghệ Tú Anh (Siêu thị Big C – TP Hồ Chí Minh); Rau, quả sạch Green Farm (Siêu thị Aeon, Lotte)...
Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk tham gia Hội nghị kết nối giao thương tại Đà Nẵng
Có thể thấy hoạt động xúc tiến thương mại trong giai đoạn này có nhiều chuyển biến rõ rệt, đã phát huy hiệu quả tích cực. Lĩnh vực xúc tiến thương mại đã được quan tâm hơn, đi vào chiều sâu hơn, công tác xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động mới, có trọng tâm, trọng điểm thể hiện được sự năng động, chủ động trong công tác của cán bộ, nhân viên làm công tác xúc tiến thương mại. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xúc tiến thương mại trong thời gian qua cũng gặp không ít những khó khăn thử thách như tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài với các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đã áp dụng; kinh phí dành cho các kế hoạch, các chương trình xúc tiến thương mại còn hạn hẹp; nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về tài chính…
Những tồn tại trong hoạt động xúc tiến thương mại hiện nay:
Công tác xúc tiến thương mại hiện nay thiếu sự đồng bộ. Hiện nay, lĩnh vực xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung có sự chồng chéo, trùng lặp; sự phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, manh mún, rời rạc chưa đạt hiệu quả cao. Hầu như mỗi tổ chức xúc tiến thương mại tiến hành một chương trình xúc tiến thương mại của riêng mình mà không có kế hoạch phối hợp, gắn kết các tổ chức khác trong tỉnh để thực hiện một chương trình xúc tiến thương mại hoàn chỉnh, đa dạng và có quy mô lớn.
Doanh nghiệp nói chung còn thụ động trong công tác xúc tiến thương mại. Khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, khả năng tiếp thị kém mới chỉ phát triển chiều rộng chưa phát triển chiều sâu. 
Doanh nghiệp tham gia còn manh mún, nhỏ lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia công tác xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh đều là những đơn vị nhỏ và “siêu nhỏ”. Nhiều đơn vị chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm... Sự liên kết, kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các nhà phân phối còn thiếu tính chủ động, chưa thường xuyên.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. 
Các hội chợ, triển lãm ngày càng vắng khách hàng, chưa thực sự thu hút được khách hàng và người dân đến tham quan và mua sắm. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân: sự lo ngại về chất lượng của những mặt hàng giảm giá tại các Hội chợ, triển lãm; sự hỗn độn về nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng;... Có thể thấy, để thực sự phát triển và đẩy mạnh hiệu quả của các hội chợ triển lãm ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng, vẫn còn có rất nhiều việc phải làm, mà chủ yếu là công tác thực hiện như: tổ chức, quản lý, giám sát và đặc biệt là xử lý vi phạm tại các Hội chợ triển lãm hiện nay của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các đơn vị tổ chức sự kiện khi xảy ra sai phạm.
Chủ trương xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm của tỉnh đã có từ lâu nhưng chưa thực hiện được do vậy việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh chưa đáp ứng như kỳ vọng.
Những định hướng nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới
Triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng chính phủ về Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 – 2025, định hướng 2030”; Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025”  và Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”;
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại là xu hướng cần phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay
Tăng cường hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, tập trung khai thác tốt thị trường nội địa. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp phát huy lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng;
Ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngành hàng có thế mạnh, có giá trị gia tăng cao và các mặt hàng xuất khẩu mới. Đồng thời, triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, thị trường, đối tượng hỗ trợ. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị chế biến sâu với hàng hoá có chứng nhận, có thương hiệu, giá trị gia tăng cao. Tăng cường cơ chế hợp tác toàn diện với hệ thống phân phối lớn ở các thị trường trong nước và khu vực.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại trong các hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm;
Đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chế biến trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới
Để hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn đòi hỏi các cấp chính quyền, các tổ chức xúc tiến thương mại đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia cần phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
Hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Nhà nước cần lắng nghe, tiếp thu cầu thị ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhất.  
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xúc tiến thương mại thông qua việc triển khai có hiệu quả các nền tảng công nghệ thông tin áp dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động xúc tiến thương mại trong tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện các hình thức xúc tiến thương mại mới thông qua môi trường mạng, chuyển đổi số, tham gia hiệu quả hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm, tập trung hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác thị trường đã có FTA với Việt Nam. Tập trung nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu, có tính dài hạn.
Phối hợp, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại từ Trung ương và địa phương nhằm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động liên kết, phối hợp giữa các tổ chức xúc tiến thương mại, giữa tổ chức xúc tiến thương mại với doanh nghiệp cũng như liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Rà soát, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm thực hiện công tác cải cách hành chính, áp dụng hiện đại hóa hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính.
Nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp: xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự,  khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin.
Đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (Trung tâm Hội chợ triển lãm của tỉnh), công nghệ thông tin phục vụ công tác thông tin xúc tiến thương mại. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất phục vụ công tác xúc tiến thương mại. 
Tăng cường thực hiện và phối hợp thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực xúc tiến thương mại của các tổ chức, doanh nghiệp; nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh.

Tác giả: Huỳnh Hữu Phước - Trung tâm XTTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây