Tham dự Hội thảo có Ông Nguyễn Thành Hưng - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn Phòng Chính Phủ; Nguyên Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế; Ông Nguyễn Cảnh Cường - Chuyên gia tư vấn cao cấp Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do KTP (KTPC), Nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh Quốc; Ông Đinh Sỹ Minh Lăng –Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ - Bộ Công Thương, Giảng viên đào tạo của ITC về tiếp cận thị trường và công cụ thuế quan; Bà Lành Huyền Như – Chuyên gia dự án về chuỗi cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam; Ông Neil Nguyễn, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn xuất nhập khẩu Việt Nam-Châu Âu.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn Phòng Chính Phủ; Nguyên Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế cho biết những điều chỉnh, quy định mới của EU, ngày 13/05/2024 EU ban hành quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Theo đó, từ ngày 3/6/2024, tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2).
Quy định này mở rộng yêu cầu báo cáo dữ liệu áp dụng cho tất cả các phương thức vận tải. Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), giai đoạn 3 của Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2) được áp dụng cho tất cả các đối tượng còn lại bao gồm 5 đối tượng từ giai đoạn 1 và 2, bổ sung thêm các doanh nghiệp vận chuyển đường biển, đường sắt và đường bộ cùng với các nhà nhập khẩu tại EU. Đây là giai đoạn thứ ba hay còn là giai đoạn triển khai hệ thống mới để mở rộng các yêu cầu báo cáo dữ liệu an toàn và an ninh áp dụng cho tất cả các phương thức vận tải.
Các yêu cầu tương tự đã có hiệu lực đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Hệ thống nâng cấp này được tạo ra để thu thập dữ liệu về tất cả hàng hóa vào EU trước khi chúng đến. ICS2 được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn thị trường chung Châu Âu và công dân của mình bằng các biện pháp an toàn và an ninh hải quan mới, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại tự do thông qua các quy trình an ninh hải quan dựa trên dữ liệu được cải thiện phù hợp với các mô hình kinh doanh toàn cầu.
Đáng chú ý, tuân thủ hệ thống ICS2 là bắt buộc đối với tất cả các lô hàng quá cảnh qua bất kỳ quốc gia EU nào ngay cả khi điểm đến cuối cùng không phải là một phần của EU. Với bản phát hành ICS2 thứ ba này, các hãng vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt cũng cần cung cấp dữ liệu về hàng hóa được gửi đến hoặc qua EU trước khi hàng đến, bao gồm mã Hệ thống hài hòa (HS) gồm 06 chữ số cho từng dòng hàng hóa được liệt kê trong hóa đơn thương mại hoặc mô tả hàng hóa chi tiết cho các lô hàng trước khi đến, thông qua tờ khai nhập khẩu tóm tắt (ENS).
Nghĩa vụ này cũng liên quan đến các hãng vận chuyển bưu chính và chuyển phát nhanh sử dụng các phương thức vận tải này để vận chuyển hàng hóa cũng như các bên liên quan khác, chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ hậu cần logistics.
Trong một số trường hợp nhất định, bên nhận hàng cuối cùng được thành lập tại EU cũng phải gửi dữ liệu ENS tới ICS2. Nếu không cung cấp dữ liệu, hàng hóa sẽ không được thông quan vào EU. Dựa theo yêu cầu, các quốc gia thành viên EU sẽ cấp quyền cho các bên giao dịch chịu ảnh hưởng để kết nối dần với ICS2 trong khoảng thời gian triển khai có hạn.
Các quốc gia thành viên có thể cấp thời hạn triển khai tại bất kỳ thời điểm nào trong những khung thời gian sau: từ ngày 03/6/2024 đến ngày 04/12/2024 (đối với các hãng vận tải đường biển và đường thủy nội địa); từ ngày 04/12/2024 đến ngày 01/4/2025 (đối với đơn vị nộp đơn thứ cấp vận tải đường biển và đường thủy nội địa); và từ ngày 01/4/2025 đến ngày 01/9/2025 (đối với các hãng vận tải đường bộ và đường sắt).
Nếu các bên giao dịch chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa của họ sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được cơ quan hải quan thông quan.Thông tin trước về hàng hóa và phân tích rủi ro sẽ cho phép xác định sớm các mối đe dọa về an ninh và giúp cơ quan hải quan can thiệp vào thời điểm thích hợp nhất trong chuỗi cung ứng. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm được các quy định này có khả năng phải chịu các hậu quả nghiêm trọng như: các containers và lô hàng sẽ bị dừng tại biên giới với EU; hàng hoá sẽ không được thông quan bởi hải quan EU; hoặc các tờ khai không đầy đủ hoặc bị từ chối hoặc sẽ bị cấm vận vì không tuân thủ quy định của EU.
Trước đó, ICS2 phiên bản 1 (giai đoạn 1) có hiệu lực vào ngày 15/3/2021. Phiên bản 1 yêu cầu các lô hàng bưu chính và chuyển phát nhanh đến hoặc qua EU bằng đường hàng không phải điền vào Tờ khai tóm tắt hàng hóa nhập cảnh (còn gọi là thông tin hàng hóa tải trước - PLACI) trước khi chất hàng của họ lên máy bay tới EU.
Ngược lại, ICS2 Phiên bản 2 (giai đoạn 2) có hiệu lực vào ngày 01/3/2023, yêu cầu các lô hàng tổng hợp vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không phải điền vào biểu mẫu PLACI và bộ dữ liệu đầy đủ của Tờ khai nhập khẩu tóm tắt (ENS) trước khi đến các điểm đến EU-27, cộng thêm Na Uy,Thụy Sĩ và Bắc Ireland (không phân biệt nguồn gốc hàng hoá).
Đồng thời, thay vì 27 điểm truy cập tại các quốc gia, ICS2 sẽ cung cấp điểm truy cập duy nhất để liên lạc với tất cả các cơ quan hải quan của các quốc gia thành viên EU đối với tất cả các hoạt động của EU. Đối với các bên giao dịch, ICS2 cũng sẽ hợp lý hóa các yêu cầu của cơ quan hải quan về cung cấp thông tin bổ sung và sàng lọc rủi ro trước khi hàng hóa khởi hành, từ đó giảm bớt gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp. Được biết, Ủy ban Châu Âu đã hợp tác chặt chẽ với cơ quan hải quan và doanh nghiệp của các quốc gia thành viên để chuẩn bị ICS2. Hệ thống này đang được triển khai theo ba bản phát hành và sẽ dần thay thế hệ thống kiểm soát nhập khẩu hiện có.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng – Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ - Bộ Công Thương, Giảng viên đào tạo của ITC về tiếp cận thị trường và công cụ thuế quan cho biết theo thống kê từ số liệu Hải quan Việt Nam, sau 4 năm EVFTA có hiệu lực (từ 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% đến 15%.
Riêng tháng 7-2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 16,8%; nhập khẩu tăng khoảng 10 %. EU nằm trong tốp 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực, như: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe chia sẻ về tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Châu Âu; Định hướng và giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA; Những nguyên tắc phòng chống rủi ro trong hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường Châu Âu; Cơ hội xuất khẩu sang thị trường Anh; Một số quy định nhập khẩu quan trọng và yêu cầu của nhà nhập khẩu châu Âu về chứng nhận chuỗi cung ứng bền vững.
Theo đó, đối với một số định hướng và giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, các doanh nghiệp nên lưu ý một số các bước để có thể tiếp cận và giao dịch với một số các doanh nghiệp của Châu Âu như: xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, chọn tiêu chuẩn phù hợp với sản phẩm và thị trường mục tiêu, cải tiến công nghệ, nâng cao kĩ năng của nhân viên, kiểm soát sát sao chất lượng, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với nhà cung cấp, đảm bảo đầu vào của sản phẩm, xây dựng hợp đồng rõ ràng, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm khắc các quy định của các nước, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu sản phẩm, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm có uy tín của thị trường Châu Âu hàng năm, tham gia tích cực vào các hiệp hội ngành hàng để từ đó có được sự hỗ trợ về mặt thông tin, thị trường, các chính sách hỗ trợ cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn, theo đuổi hoạt động xuất khẩu chính ngạch thông qua hoạt động tìm kiếm các khách hàng tiềm năng, từ đó tạo được doanh thu, lợi nhuận cao và mang tính chất bền vững.
Đối với mặt hàng nông sản thực phẩm, doanh nghiệp có thể quan tâm và xem xét các nhà nhập khẩu tiêu biểu như: Metro Group, Edeka Group, Rewe Group, Aldi, Lidl, Kaufland, Carrefour, Auchan, Casino group, Ahold Delhaize, Jumbo Supermarkten, Coop Italia, Conad, Mercadona, Dia...
Hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường Châu Âu với chuyên đề: Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường Châu Âu không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ tiềm năng thị trường Châu Âu mà còn trang bị cho họ những kiến thức cập nhật mới nhất và công cụ thiết thực để mở rộng hoạt động xuất khẩu. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh doanh.
Các chuyên gia tại hội thảo cung cấp thông tin chi tiết về các ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu cao như nông sản, thực phẩm, dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, công nghệ, và sản phẩm tiêu dùng.. Những thông tin chia sẻ trong hội thảo sẽ giúp doanh nghiệp phát triển chiến lược marketing phù hợp, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tăng khả năng tiếp cận thị trường Châu Âu một cách hiệu quả.