Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ hai - 04/11/2024 22:57
Thực hiện công văn số 2164/SKH-KTĐN ngày 21/10/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai về việc phối hợp tổ chức đoàn khảo sát vùng sản xuất nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu, kết hợp tuyên truyền cơ chế chính sách thu hút xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Sáng ngày 5/11 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai đã phối hợp tổ chức Hội nghị hỗ trợ cho các Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk nắm bắt cơ chế chính sách thu hút xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, ca cao…
Tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai; Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk; cùng các ông/bà là trưởng phòng chuyên môn thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp; Sở Công Thương Đắk Lắk, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và lãnh đạo của 15 doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản có nhu cầu xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Việt Cường Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai chia sẻ, tỉnh Lào Cai tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với hơn 182 km đường biên giới, có 02 cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu, một số cặp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với diện tích 16.000 ha, trải dài trên toàn bộ tuyến biên giới, có vai trò “cầu nối”, “trung tâm trung chuyển” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vai trò kết nối giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tỉnh Lào Cai xác định chủ yếu thực hiện vai trò kết nối giữa thị trường Việt Nam, ASEAN với vùng thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Để cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đưa hàng lên khu vực cửa khẩu, tránh những thiệt hại, rủi ro trong kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai đã chia sẻ thông tin về một số chính sách liên quan đến hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc như: a) Về hình thức xuất khẩu: Thương mại quốc tế thông thường (thương mại chính ngạch): các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi thực hiện theo Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (hiện nay đa phần nông thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc áp dụng mức thuế 0%) nếu hoàn tất thủ tục hồ sơ, trong đó có Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) theo mẫu E.
- Thương mại biên giới: đây là chính sách đặc thù của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương biên giới và nâng cao đời sống cư dân biên giới. Theo đó, nếu xuất khẩu theo hình thức này qua các cửa khẩu của địa phương (thuộc các tỉnh giáp biên Trung Quốc, không phải cửa khẩu quốc tế) sẽ áp dụng cơ chế riêng, doanh nghiệp nhập khẩu không phải nộp VAT mà chỉ đóng phí theo quy định của địa phương. Chính phủ Trung Quốc quy định xuất khẩu theo hình thức này vẫn phải thông qua các bước kiểm dịch, kiểm nghiệm, kiểm tra hải quan như thương mại quốc tế thông thường.
- Chính sách trao đổi cư dân biên giới: Cư dân trong khu vực biên giới phía Trung Quốc được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT khi tiến hành trao đổi hàng hóa không vượt quá số tiền 8.000 NDT/người/ngày (tương đương 28 triệu VNĐ), phía bạn thường vận dụng chính sách này để nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt Nam (thanh long, chuối, dưa hấu, mít, xoài,...). b) Về chính sách thuế, phí, lệ phí: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thực hiện theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP), theo đó thuế xuất khẩu ưu đãi đối với hầu hết nhóm hàng nông thủy sản là 0%. Thuế VAT: đối với sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu không phải chịu thuế giá trị gia tăng (quy định tại Văn bản số 14/VBHN-BTC ngày 09/5/2018 của Bộ Tài chính). Hiện hàng hóa nhập khẩu dưới hình thức mua bán trao đổi cư dân biên giới trong Danh mục quy định của Bộ Công Thương được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (nếu có) với định mức miễn thuế là 2.000.000 đồng/người/ngày (quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-BCT và Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg). c) Một số nội dung cần lưu ý hiện nay: Trung Quốc mới chỉ cho phép 12 loại trái cây của Việt Nam (xoài, nhãn, chuối, vải, chôm chôm, mít, thanh long, măng cụt, chanh dây, dừa, sầu riêng, dưa hấu) được nhập khẩu chính ngạch và phải đáp ứng các yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm dịch sau: (i) không đóng lẫn hoặc chứa các loại trái cây khác không được ghi trong Chứng thư/giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; (ii) trên bao bì phải ghi tên trái cây, xuất xứ, mã số vùng trồng, nhà xưởng đóng gói hoặc mã số doanh nghiệp bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh; (iii) không có dư lượng thực vật như sâu bệnh, đất, nhánh cành, lá mà Trung Quốc cấm nhập cảnh; (iv) lượng các chất độc hại không được vượt quá tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe có liên quan của Trung Quốc; (iv) Việt Nam đã có thỏa thuận, Hiệp định với Trung Quốc và phải tuân thủ các yêu cầu liên quan của thỏa thuận, nghị định thư.
- Từ 01/01/2019, áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói hoa quả tươi nhập khẩu từ Việt Nam. Danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tổng Cục Hải quan Trung Quốc sàng lọc và công bố mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hoa quả tươi đối với với loại hoa quả mà phía Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu.