Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại chủ trì Hội nghị
Tham gia điều hành tại Hội nghị có Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại; Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu. Qua nền tảng Zoom, Hội nghị có sự tham gia chia sẻ của Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines; Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia; Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc; Bà Nguyễn Chi Mai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nigeria (kiêm nhiệm Ghana, Cameroon, Togo, Chad, Sierra Leone, và Liberia); Bà Phan Thị Nga, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan. Ngoài ra, còn có sự tham gia của tham tán thương mại tại 50 thị trường nước ngoài, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại địa phương, các Liên minh Hợp tác xã, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô lớn, hiệp hội ngành hàng, các cơ quan truyền thông báo chí...
Năm 2024, trong bối cảnh theo nhiều chuyên gia dự báo tình hình thế giới vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 01 đã đạt 362 triệu USD, tăng 7% so với cùng kì năm trước. Bên cạnh đó, theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung.Vì vậy, để tập trung trao đổi, cập nhật thông tin thị trường, kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu của các địa phương, doanh nghiệp, từ đó đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 02/2024 tập trung vào chủ đề Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường Gạo năm 2024.
Tại Hội nghị được chia làm 2 phiên tư vấn: Phiên 1 đánh giá tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, triển vọng năm 2024 và kế hoạch xúc tiến thương mại mặt hàng gạo dành cho đại diện các Hiệp hội (Hiệp hội lương thực Việt Nam), Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) phát biểu về hoạt động chế biến và phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam và cơ quan địa phương (gồm Sở Công Thương thành phố Cần Thơ; Sở Công Thương tỉnh Long An; Sở Công Thương An Giang) đánh giá tiềm năng xuất khẩu gạo và nhu cầu hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp, địa phương. Phiên 2 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Nigeria, Hà Lan thông tin cập nhật về thị trường xuất khẩu gạo và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gạo năm 2024.
Lúa gạo là hàng hóa thiết yếu với trên 50% dân số trên thế giới tiêu thụ hàng ngày và được xếp vào mặt hàng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh tình hình thương mại gạo toàn cầu chịu tác động bởi nhiều yếu tố (lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia;…) đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới. Việt Nam là một trong 03 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 02/2024 không chỉ là nơi để đánh giḠnhận định những cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo, mà còn là cơ hội để các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp ngành gạo chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp trong công tác phát triển thị trường, xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gạo khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng, nâng cao vị thế thương hiệu ngành gạo.