Hàng Việt về nông thôn, miền núi và phát triển thị trường nội địa 

Thứ ba - 13/06/2023 03:05
            Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, với mục đích hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết giữa thành thị và nông thôn miền núi, trao đổi, hợp tác cung ứng, tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, phát triển thị trường nội địa trong xu hướng hội nhập hiện nay.      
Kết nối giao thương Miền Trung-Tây Nguyên
Kết nối giao thương Miền Trung-Tây Nguyên
           Hàng Việt về nông thôn, miền núi đảm bảo đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa dịch vụ, đáng ứng nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẻ đồng bộ giữa Sở Công Thương, Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và đoàn thể xã hội. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế gặp gỡ, liên kết hợp tác đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu, phát triển kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiền đề để các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư dây chuyền máy móc theo công nghệ hiện đại, thiết lập mối kinh doanh, sản xuất tại thị trường nông thôn, miền núi.
Hinh 5
Tổ chức thành công Hội chợ chuyên ngành cà phê lần thứ 8
           Từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trên 140 lượt hội chợ triển lãm (HCTL), trong đó có nhiều hội chợ triển lãm nổi bật như HCTL chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội cà phê, HCTL hàng Việt nam chất lương cao, HCTL Công Thương khu vực Miền trung Tây Nguyên, Hội chợ triển lãm sản Phẩm OCOP… đã đạt được những kết quả nhất định trong việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia và chương trình xúc tiến thương mại địa phương qua các năm đã cùng Ủy ban Nhân dân các huyện tổ chức 18 phiên chợ và 43 đợt đưa hàng Việt về nông thôn miền núi. Quá trình thực hiện cuộc vận động, nhiều sản phẩm hàng Việt không những đã chinh phục người tiêu dùng mà còn là niềm tự hào của người Việt nam. 
          Với người tiêu dùng, hàng Việt về nông thôn, miền núi phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ cho người dân địa phương; để người dân tham quan, tiếp cận mua sắm những mặt hàng Việt Nam sản xuất với chất lượng cao, giá cả phù hợp, góp phần bình ổn thị trường nông thôn. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng ngoại nhập. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng không còn chỗ đứng ở thị trường các trung tâm đô thị do nhận thức của người tiêu dùng ở vùng này được nâng cao, vì vậy thường được đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ. Hàng Việt về nông thôn miền núi còn làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng nông thôn, nâng cao kiến thức tiêu dùng của người dân trên địa bàn về chất lượng hàng hóa, tạo cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động.   
           Với doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, phát triển thương mại trong nước doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Hàng Việt về nông thôn, miền núi là một trong những hoạt động có ý nghĩa, giúp doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước có cơ hội quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, phát triển thị trường nội địa, tăng thị phần, tiếp cận với thị trường nông thôn rộng lớn, kết nối nhà phân phối tại địa phương. Doanh nghiệp có điều kiện điều tra tâm lý, hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng nông thôn, phương thức mua bán, nhận thức của người tiêu dùng, về giá cả, chất lượng, kiểu dáng hàng hóa. Từ đó, doanh nghiệp định hướng việc sản xuất gắn với nhu cầu và khả năng thanh toán của người tiêu dùng nông thôn, miền núi.
           Về phát triển thị trường trong nước: Trong xu hướng hội nhập kinh tế Quốc tế hiện nay, công tác đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã đạt được những đột phá quan trọng, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Các FTA được thực thi đã và đang tạo ra xung lực quan trọng cho phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Thị trường gần 100 triệu dân của chúng ta được mở cửa theo hiệp định, trong đó có thị trường rộng lớn của vùng nông thôn miền núi và sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh trên thị trường trong nước sẽ ngày càng gay gắt. Song, dù hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều lợi thế khi người tiêu dùng bên cạnh việc quan tâm đến yếu tố giá cả, chất lượng còn chú trọng đến nguồn gốc quốc gia, do vậy cơ hội để hàng Việt tự khẳng định mình cũng là rất lớn. 
Hinh 6
Giới thiệu hàng hoá Đắk Lắk tại đồng bằng sông Cửu long
               Chính vì thế, trong thời gian tới ngành Công Thương tập trung triển khai thông tin, hướng dẫn cho các Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước từ các chương trình, dự án, đề án của Bộ Công Thương. Các tổ chức tổ chức Khuyến công,  Xúc tiến Thương mại thực hiện đồng bộ các hoạt động khuyến công,  xúc tiến thương mại tiêu thụ hàng Việt, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến thị trường, khả năng cân đối cung - cầu các loại hàng hóa, thông tin thị trường giá cả, nhu cầu, các quy định, tiêu chuẩn, chuẩn mực hàng hóa về bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... để tăng tính cạnh tranh của hàng Việt, định hướng thị trường, định hướng sản xuất; giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thông tin về, dịch vụ tiêu dùng và đưa ra lựa chọn hàng Việt hợp lý. 
               Ngành Công Thương bám sát các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương; sự chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh; sự phối hợp cùng các ngành, các địa phương đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về việc xây dựng nhãn hàng hóa, tạo dựng và quảng bá hình ảnh của đơn vị mình. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ chuyên ngành, chương trình kết nối giao thương, chương trình hàng Việt về nông thôn…, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, từng bước tiếp cận với giải thưởng doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia. Đối với doanh nghiệp, việc mở rộng, phát triển thị trường trong nước ổn định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất tiếp tục phát triển. Tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cũng cần phải song hành thị trường nội địa; thị trường nội địa là thị trường tiềm năng, điều này đã được chứng minh trong nhiều năm qua. Không phát triển thị trường nội địa thì đến lúc gặp khó khăn trong xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ không có chỗ đứng trên sân nhà, đặc biệt là trong xu hướng hội nhập hiện nay. Các doanh nghiệp nên có chiến lược phát triển thị trường nội địa. Nếu doanh nghiệp chỉ “đứng bằng một chân” thì phát triển sẽ không bền vững” Doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng Việt, giữ vững thương hiệu hàng Việt góp phần tăng giá bán hàng Việt trên thị trường trong nước và quốc tế. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng của hàng Viêt đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường để có thể chiếm lĩnh được thị trường nông thôn, trong nước rộng lớn, vượt qua thương hiệu hàng hóa nước ngoài. Việc hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng giữa thành thị và nông thôn là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của hàng Việt. Do vậy, xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là vấn đề hết sức cấp bách, cần thiết khi hàng Việt của chúng ta có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.
Hinh 4
Phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh
             Hàng Việt về nông thôn miền núi, phát triển thị trường trong nước, người Việt dùng hàng Việt là nâng cao lòng tự tôn dân tộc, tự hào về sản phẩm nội, từng bước thay đổi tư duy sính hàng ngoại, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hoá do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Hàng Việt với thị trường trong nước không những góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam mà còn thúc đẩy sản xuất ra nhiều hàng hóa Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn thì việc ưu tiên dùng hàng Việt là hành động "ích nước, lợi nhà", thể hiện trách nhiệm và lòng yêu nước của mỗi người dân chúng ta và thực hiện tốt, có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tác giả: Huỳnh Ngọc Dương - PGĐ Sở Công Thương Đắk Lắk

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây