Đẩy mạnh thanh tra, kiểm toán ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng

Thứ hai - 26/10/2020 21:31

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm toán ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, ngày 26-10, Quốc hội khóa XIV đã nghe các báo cáo, báo cáo thẩm tra, giải trình và thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác năm 2020 của Chánh án TAND Tối cao; công tác thi hành án năm 2020; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. 
Trong năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, qua đó đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Số vụ phạm pháp hình sự giảm 2,76%, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 85,69% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao), triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các vụ án gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ; các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ điều tra theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chủ động phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn…
1 25
  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trao đổi bên hành lang Hội trường Diên Hồng. Ảnh:quochoi.vn
Ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 84.271 vụ án hình sự (tăng 7,1% so với năm 2019), kiểm sát giải quyết 456.625 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại (giảm 4,6%) và 9.198 vụ án hành chính (tăng 4%). Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ban hành hơn 103.100 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh (tăng 9,6%); trực tiếp kiểm sát gần 1.300 cuộc tại cơ quan điều tra; trực tiếp quyết định khởi tố 22 vụ án, hủy 72 quyết định không khởi tố vụ án và 62 quyết định khởi tố vụ án... Ngành Kiểm sát cũng đã ban hành 14.657 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp, cơ quan liên quan khắc phục, phòng ngừa (tăng 2,3% so với năm 2019)...
Ngành Tòa án đã giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 97,8% (vượt 9,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội); tỷ lệ giải quyết các vụ, việc dân sự vượt 11,02% so với chỉ tiêu của Quốc hội; giảm 56,4% các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; số lượng các vụ án hành chính đã giải quyết vượt 8,8% so với chỉ tiêu; không có vụ án nào để quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan.
2 22
           Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng. Ảnh: quochoi.vn
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Qua thanh tra phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi trên 44.580 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (tăng 53 vụ so với cùng kỳ năm 2019). Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 54.770 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; 2 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Các Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 531 vụ án với 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện KSND các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can, đã giải quyết 246 vụ/692 bị can (đạt 75,4%). TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo, đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng. 
3 21
                                                   Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; các báo cáo chưa chỉ ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp của một số mặt công tác chưa đạt được theo yêu cầu Quốc hội giao; các cơ quan tư pháp cần có đánh giá cụ thể về công tác phòng ngừa các loại tội phạm, cũng như có giải pháp đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa hiệu lực hiệu quả, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin; phát hiện xử lý nghiêm hành vi đưa tin giả, hành vi kích động bạo lực; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng; đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm khắc phục, hạn chế của tình trạng này trong thời gian qua…
Tại phiên họp, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận đối với Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Đây cũng là phiên họp cuối cùng trong đợt 1 (họp trực tuyến) của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đợt 2, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ ngày 2-11 đến 17-11-2020.

Tác giả: H Yer - TTKC

Nguồn tin: “Báo Đắk Lắk Điện tử”

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây