Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 04/01/2020 09:17
Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, do đó ngành Công Thương phát triển cùng với sự hợp tác phát triển kinh tế trong vùng, các địa phương và quốc tế. Ngành Công Thương Đắk Lắk có tiềm năng lợi thế rất lớn về nguồn nguyên liệu nông, lâm sản, khoáng sản, nguồn năng lượng thủy điện, điện gió, mặt trời... Nguồn năng lượng điện cấp cho các dự án luôn được đảm bảo. Nhiều dự án công nghiệp, thương mại được đầu tư từ các năm trước bắt đầu đi vào hoạt động và hoạt động ổn định.
Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2019 thực hiện ước đạt: 16.500 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 9,58% so với năm 2018;
Trong đó: Công nghiệp khai khoáng: Ước thực hiện 272 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2018; Công nghiệp chế biến, chế tạo: Ước thực hiện 11.825 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước: Ước thực hiện 4.403 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2018.
- Tình hình hoạt động, đầu tư sản xuất sản phẩm CN chủ yếu:
* Công nghiệp chế biến, chế tạo:
Giá trị SXCN chế biến, chế tạo ước thực hiện 11.825 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018; chiếm 71,67% trong cơ cấu giá trị SXCN toàn ngành.
Chế biến cà phê xuất khẩu: Trong năm 2019 chế biến cà phê nhân xuất khẩu ước thực hiện 230.000 tấn, đạt 100% kế hoạch do giá cà phê xuất khẩu giảm, ngoài ra một số doanh nghiệp đưa ra ngoài tỉnh xuất khẩu đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu.
Chế biến cà phê bột: Ước thực hiện năm 2019 đạt 29.000 tấn, đạt 105% kế hoạch, các nhà máy sản xuất ổn định do trong năm có lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.
Cà phê hoà tan: Ước thực hiện năm 2019 đạt 7.500 tấn, đạt 115,38% kế hoạch, các nhà máy sản xuất ổn định nhưng không đạt hết công suất do thị trường tiêu thụ chậm.
Chế biến đường: Trong năm nhà máy đường 333 và nhà máy đường Ea Súp sản xuất đường kết tinh ước đạt 90.000 tấn, giảm 5% so với năm 2018, đạt 128,5% kế hoạch năm, sản xuất tăng hơn so với kế hoạch nhưng giảm hơn so với cùng kỳ do nguồn nguyên liệu giảm.
Chế biến tinh bột sắn: Các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn sản xuất trong những tháng cuối năm tăng cường sản xuất để đạt kế hoạch đề ra, đồng thời tăng cường làm việc với các đối tác giải quyết hết lượng tồn kho, ước thực hiện 200.000 tấn, đạt 100% kế hoạch năm.
Cao su chế biến và các sản phẩm từ cao su: Ước sản lượng chế biến trong năm đạt 2.900 tấn đạt 103,57 % kế hoạch, giảm 9% so với cùng kỳ 2018, do một số vườn cây cao su già cõi bán thanh lý để trồng lại mới nên sản lượng đạt thấp hơn so với cùng kỳ nhưng vượt kế hoạch đề ra.
Sản xuất thép: Ước sản lượng sản xuất Nhà máy sản xuất thép Đông Nam Á đạt 230.000 tấn, đạt 333 % so với kế hoạch, tăng 334% so với năm 2018, nhà máy hoạt động tăng trưởng khá do nâng công suất nhà máy lên 550.000 tấn sp/ năm hoạt động vào những tháng cuối năm, mặt khác do nguồn nguyên liệu dồi dào, nguồn tiêu thụ tăng.
Sản xuất bia các loại: Ước sản lượng sản xuất Nhà máy bia Sài gòn Đắk Lắk đạt 110 triệu lít bia, đạt 122% kế hoạch, sản lượng bia sản xuất ra đạt cao do nguồn tiêu thụ của người dân tăng.
Chế biến thức ăn gia súc: Ước thực hiện 820 tấn do mức tiêu thụ người dân tăng, giá nguyên liệu đầu vào giảm, nên các nhà máy sản xuất vượt kế hoạch đề ra, tăng 9% so với năm 2018.
Công nghiệp cơ khí, luyện kim: Chủ yếu sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn như bơm ly tâm, máy chế biến nông sản, máy bơm nước có mức tăng trưởng khá do nhu cầu của người dân tăng cao.* Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước:
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.403 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2018, chiếm 26,68% tổng giá trị sản xuất toàn ngành.
Điện thương phẩm: Nhìn chung cấp điện năm 2019 khá ổn định, mạng lưới điện tiếp tục có sự phát triển đáng kể trong năm, đồng thời do mức tiêu thụ của người dân tăng nên dự báo sẽ vượt kế hoạch đề ra. Nhìn chung năm 2019 không có tình trạng cắt điện luân phiên.
Điện sản xuất: Năm 2019 tình hình hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến nguồn nước nên các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh hoạt động không đạt hết công suất, tuy nhiên trong năm có 05 dự án điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động vào những tháng đầu năm và 01 dự án điện gió đi vào hoạt động những tháng cuối năm do đó dự báo ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước đạt kế hoạch đề ra.
Nước máy ghi thu, nước lọc đóng chai: Năm 2019 ước thực hiện 48.000 m3 đạt 100% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ, trong năm dự án 35.000 m3/ ngày đêm từ nguồn nước tại xã Ea Na huyện Krông Ana đi vào hoạt động vào giữa tháng 7 đã làm tăng sản lượng trong năm 2019.* Công nghiệp khai khoáng:
Giá trị SXCN khai thác khoáng sản ước thực hiện 272 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2018, chiếm 1,65% tổng giá trị sản xuất toàn ngành.
Trong lĩnh vực khai thác sản xuất vật liệu xây dựng thông thường vẫn duy trì ở mức tăng trưởng, tiêu thụ ổn định, các công trình triển khai thi công mới trên địa bàn và hoạt động xây dựng của người dân vẫn tăng trưởng, nhưng không đáng kể.
Nhìn chung ngành công nghiệp năm 2019 gặp nhiều khó khăn trong sản xuất sản phẩm, hạn hán kéo dài 6 tháng đầu năm thiếu nguồn nước cho các nhà máy thủy điện, tuy nhiên những tháng cuối năm 2019 lượng mưa nhiều các hồ đập thủy điện có đủ nước phát điện đạt sản lượng theo kế hoạch, tuy nhiên một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn tăng, các dự án đi vào hoạt động trong năm có một số sản phẩm đạt và vượt kế hoạch, chỉ có một số sản phẩm như phân vi sinh, sơ chế tinh bột ngô … không đạt kế hoạch, có một số sản phẩm mới đã làm giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 có thể đạt và vượt kế hoạch năm.
- Tình hình đầu tư và hoạt động các CCN:
Tính đến thời điểm báo cáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 14 cụm công nghiệp với tổng diện tích 692,15 ha đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó 8 Cụm công nghiệp đang hoạt động có 03 cụm công nghiệp có Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho 8 cụm công nghiệp đang hoạt động ước tính hơn 1.266 tỷ đồng. Đến nay đã có 146 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 8 CNN, với tổng diện tích đất 243,05 ha, đất đã cho doanh nghiệp thuê là 200,62 ha, tỷ lệ lấp đầy 67% diện tích ( 200,62 ha/299,342 ha), với tổng số vốn đăng ký đầu tư ban đầu 5.828 tỷ đồng.
Trong đó: Có 86 dự án (DA) đang hoạt động với diện tích thuê đất 130,1ha; có 13 DA đang xây dựng với diện tích thuê đất 23,1 ha; có 08 DA đang làm thủ tục đầu tư với diện tích 17,9 ha; có 24 dự án tạm ngưng hoạt động với diện tích 44,72 ha; có 14 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất 25,11 ha.
Tuy nhiên trong 08 cụm công nghiệp đang hoạt động chỉ có 03 cụm công nghiệp có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tình hình đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp hiện nay rất hạn chế do không có nguồn vốn đầu tư; một số cụm công nghiệp chưa phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã làm ảnh hưởng đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp.
Đánh giá: Mặc dù ngân sách nhà nước đã có cố gắng hỗ trợ vốn nhưng hiện chưa có cụm công nghiệp nào hoàn chỉnh về hạ tầng, tình trạng giao thông nội cụm công nghiệp, thoát nước, cấp nước, xử lý môi trường nhìn chung còn chưa đảm bảo. Nguyên nhân một số cụm công nghiệp chưa phê duyệt dự án đầu tư nên không bố trí được vốn đầu tư hạ tầng, đã làm ảnh hưởng đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp.- Tình hình đầu tư và thu hút các dự án ngành công thương:
Tổng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp năm 2019 ước thực hiện: 9.039,4 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách là 143,5 tỷ đồng, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế là 8.896 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư ngành thương mại năm 2019 ước thực hiện 535,9 tỷ đồng, chủ yếu vốn đầu tư từ các doanh nghiệp.
Năm 2019, tình hình đầu tư ngành công thương gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thu hút đầu tư mới còn hạn chế, các thủ tục đất đai còn chậm; mặt khác tuy lãi suất ngân hàng hạ thấp nhưng các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp để vay dẫn đến tiến độ đầu tư xây dựng còn chậm.