Theo đó bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2020, người lao động (NLĐ) bao gồm cán bộ, công chức, viên chức và Người làm việc theo hợp đồng lao động (không bao gồm người lao động là người giúp việc gia đình) sẽ được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.
Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi có đủ các điều kiện sau: Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên; Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc thẩm quyền quản lý phù hợp với sức khỏe; Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Bên cạnh đó, người lao động được hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện: Thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên; Được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám.
Ngoài ra, người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện, cụ thể: Không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên; Không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế;…
Nghị định 88/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định
37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
Xem chi tiết Nghị định 88/2020/NĐ-CP
tại đây
Tuy nhiên cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện những điểm mới này: hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN. Vì vậy, tạm thời (NLĐ) sẽ nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp như sau:
Nếu NLĐ phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp nộp hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hưởng chế độ BNN của NLĐ theo Mẫu 01 ban hành tại Nghị định 88 với người đã nghỉ hưu/thôi việc hoặc văn bản của người sử dụng lao động nơi NLĐ đang làm việc (mẫu 05A-HSB) trong trường hợp NLĐ chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
- Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì nộp hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định;
- Chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có)
Xem chi tiết Nghị định 88/2020/NĐ-CP tại đây
Nội dung chi tiết được Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn tại Văn bản số 3194/BHXH-CSXH ngày 08/10/2020./.