Dầu tăng mạnh
Giá dầu kết thúc phiên ngày thứ tư (4/7) tăng, bởi đe dọa từ Iran và dự trữ dầu thô Mỹ giảm tuần thứ 2 liên tiếp.
Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 tăng 48 cent lên 78,24 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI tăng 19 cent lên 74,33 USD/thùng, hồi phục từ mức thấp 72,23 USD/thùng. Thị trường Mỹ không có giá thanh toán do nước này nghỉ ngày Quốc khánh.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đe dọa sự gián đoạn các lô hàng dầu từ các nước láng giềng nếu Washington tiếp tục gây áp lực đối với tất cả các nước ngừng mua dầu Iran. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu thô Iran mờ nhạt, bất khả kháng tại Libya và tắc đường ống ngoài dự kiến tại Nigeria đã cản trở triển vọng nguồn cung, bất chấp sản lượng bởi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC tăng.
Trong một diễn biến khác, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,5 triệu thùng/ngày (bpd) trong tuần đến ngày 29/6 xuống còn 416,9 triệu bpd so với dự kiến giảm 3,5 triệu bpd của các nhà phân tích. Dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma giảm 2,6 triệu bpd, API cho biêt. Dự trữ dầu thô tại các cơ sở lưu trữ Cushing giảm 360.000 bpd sau sự cố tắc nghẽn tại cơ sở dầu cát Syncrude Canada gần Fort McMurray, Alberta.
Vàng cao nhất 1 tuần
Giá vàng cao nhất 1 tuần, hồi phục từ mức thấp nhất 7 tháng trong tuần này, được hậu thuẫn bởi đồng USD suy yếu và căng thẳng thương mại leo thang, mặc dù mức tăng bị hạn chế bởi triển vọng tăng lãi suất sẽ hậu thuẫn đồng bạc xanh.
Giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.256,20 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.261,1 USD/ounce, mức cao nhất 1 tuần. Giá vàng đã tăng hơn 20 USD từ 1.237,32 USD/ounce phiên trước đó, mức thấp nhất kể từ ngày 12/12. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 tại Mỹ tăng 0,4% lên 1.258,1 USD/ounce.
Trung Quốc gây sức ép đối với EU để đưa ra tuyên bố chung chống lại chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tháng này nhưng khả năng sẽ đối mặt với sự phản đối. Vàng thường được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời gian bất ổn chính trị và tài chính.
Trong khi đó, giá bạc tăng 0,1% lên 16,03 USD/ounce, palađi tăng 0,7% lên 946 USD/ounce. Bạch kim không thay đổi ở mức 837 USD/ounce sau khi phiên trước đó có lúc về 793 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008.
Đồng thấp nhất gần 11 tháng, kẽm thấp nhất kể từ tháng 6/2017
Giá đồng và kẽm chạm mức thấp mới, do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra trước thuế quan thương mại mới của Mỹ đối với hàng hóa từ Trung Quốc và có thể khiến nhu cầu đối với kim loại công nghiệp suy giảm.
Giá đồng hợp đồng tham chiếu trên sàn London giảm 1,6% xuống còn 6.386 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 6.344 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017. Hợp đồng kẽm tại LME giảm 3,2% xuống còn 2.700 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017.
Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 6 tăng mạnh lên mức cao nhất 4 tháng, được thúc đẩy bởi doanh số bán hàng trong các doanh nghiệp mới và số lượng việc làm tăng, điều tra tư nhân cho biết.
Giá nhôm tại LME tăng 0,4% lên 2.089 USD/tấn, nickel và chì chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018. Giá nickel giảm 1,9% xuống còn 14.145 USD/tấn, chì giảm 2,9% xuống còn 2.322 USD/tấn. Thiếc giảm 0,3% xuống còn 19.600 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 19.500 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ 27/12.
Thép tăng giá
Giá thép tăng sau khi Trung Quốc cho biết, sẽ tăng cường đóng cửa các nhà máy sản xuất thép lỗi thời và dư thừa từ năm nay đến năm 2020 như là một phần của kế hoạch chống ô nhiễm. Mỹ đe dọa áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc có trị giá 34 tỉ USD sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng cũng ảnh hưởng tới nhu cầu thép.
Kế hoạch của Trung Quốc sẽ loại bỏ một số ngành công nghiệp tại 82 thành phố trên toàn quốc, so với 28 thành phố ở tỉnh Hà Bắc, thành phố Bắc Kinh và Thiên Tân đã đưa ra trước đây. Điều đó sẽ thắt chặt nguồn cung thép tại Trung Quốc, nước sản xuất lớn nhất thế giới, và thúc đẩy giá.
Hợp đồng thép cây kỳ hạn tháng 9 trên sàn Thượng Hải đóng cửa tăng 0,9% lên 3.783 NDT (573 USD)/tấn, sau khi tăng 1,8% trong phiên. Nhu cầu cũng duy trì vững và có thể chỉ suy yếu trong nửa cuối tháng 7 đến tháng 8 khi thời tiết nóng tăng cường và hạn chế hoạt động xây dựng. Giá nguyên liệu sản xuất thép như than luyện cốc và quặng sắt giảm. Hợp đồng quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 0,4% xuống còn 462 NDT/tấn và than luyện cốc giảm 0,8% xuống còn 1.154,5 NDT/tấn. Than cốc tăng 0,9% lên 2.045 NDT/tấn.
Cao su thấp nhất 21 tháng
Giá cao su hợp đồng tham chiếu giảm xuống mức thấp nhất 21 tháng, hướng theo giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải suy giảm. Giá cao su chịu áp lực trước hạn chót 6/7, khi Mỹ áp thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc có trị giá 34 tỉ USD.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn TOCOM kết thúc giảm 1,2 JPY xuống còn 171,1 JPY (1,55 USD)/kg, trong phiên có lúc đạt 168,3 JPY/kg, mức thấp nhất kể từ ngày 5/10/2016.
Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 75 NDT xuống còn 10.410 NDT (1.577 USD)/tấn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn SICOM giảm 1,1 cent xuống còn 131,6 Uscent/kg.
Chè tăng do nhu cầu tăng mạnh
Giá chè tăng phiên thứ 7 liên tiếp tại phiên đấu giá hàng tuần, do nhu cầu đối với chè chất lượng tăng mạnh mẽ, mặc dù nguồn cung tăng.
Giá chè Bangladesh ở mức trung bình 251,2 taka (2,7 USD)/kg tại cảng thành phố Chittagong, so với 243,61 taka/kg trong phiên trước đó tại trung tâm đấu giá Srimangal.
Đường tăng giá
Giá đường tăng, được củng cố bởi nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn, trong khi cà phê robusta và cacao London thay đổi nhẹ.
Hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 4,5 USD tương đương 1,3% lên 341,1 USD/tấn bởi nguồn cung thắt chặt. Sự sụt giảm giá ethanol gần đây tại Brazil cũng hạn chế đà suy giảm giá đường, khuyến khích sử dụng nhiều mía để sản xuất đường hơn sản xuất nhiên liệu tái tạo. Xuất khẩu đường của Brazil giảm gần 1 triệu tấn trong tháng 6 so với cùng tháng năm ngoái, do các nhà máy găm hàng khi giá chạm mức thấp nhiều năm.
Hợp đồng ca cao kỳ hạn tháng 9 trên sàn London giảm 1 GBP, tương đương 0,1% xuống còn 1.798 GBP/tấn.
Hơp đồng cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 4 USD, tương đương 0,2% lên 1.689 USD/tấn. Xuất khẩu cà phê hạt xanh của Brazil trong tháng 6 tăng lên 2,16 triệu bao (60 kg) so với 1,91 triệu bao cùng tháng năm ngoái.
Sữa giảm do dư cung
Giá sữa toàn cầu giảm mạnh nhất trong năm nay tại phiên đấu giá diễn ra ngày 4/7, do nguồn cung tăng mạnh mẽ.
Chỉ số giá sữa thương mại toàn cầu (GDT) giảm 5%, với giá bán trung bình 3.232 USD/tấn, sau khi giảm 1,2% tại phiên đấu giá trước đó. Kết quả này đến sau khi nhà sản xuất sữa Fonterra New Zealand cho biết, tổng sản lượng sữa tại nước này trong tháng 5 tăng 6%, do điều kiện thời tiết thuận lợi.
Hợp đồng sữa bột nguyên kem, sản phẩm được giao dịch nhiều nhất giảm 7,3% xuống còn 2.905 USD/tấn. Tổng cộng 26.519 tấn sữa được bán tại phiên đấu giá mới nhất, tăng 22,6% so với phiên trước đó.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 5/7