Dầu lên mức cao nhất kể từ 2014
Giá dầu thô Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 2014 trong ngày 21/05 trong bối cảnh lo ngại sản lượng dầu của Venezuela có thể tiếp tục giảm sau cuộc bầu cử tổng thống nước này và có nhiều khả năng các biện pháp trừng phạt được đặt ra đối với quốc gia thành viên OPEC này.
Giá tiếp tục được hỗ trợ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thảo luận với Nga và Trung Quốc về việc cấp khoản nợ mới cho Venezuela. Ông Trump đã đưa ra các trừng phạt kinh tế mới trong ngày hôm qua nhằm hạn chế khả năng thanh lý tài sản nhà nước của Venezuela, cấm công dân Mỹ tham gia vào mua tài sản liên quan tới dầu và các tài khoản khác. Bất kỳ hạn chế nào về tài chính, hậu cần hoặc cung cấp điện của Venezuela đều có thể làm giảm sản lượng dầu thô của quốc gia này.
Giá dầu thô kỳ hạn tại Mỹ chốt phiên giao dịch tăng 96 cent, tương đương 1,4%, đạt 72,24 USD/thùng, sau khi chạm ngưỡng 72,33 USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 71 cent, tương đương 0,9%, đóng cửa ở mức 79,22 USD/thùng.
Chủ tịch đảng xã hội thống nhất Venezuela, Nicolas Maduro, đã phải đối mặt với sự lên án rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong ngày hôm qua sau khi tái đắc cử trong một cuộc bầu cử cuối tuần trước.
Mỹ đang tích cực xem xét các biện pháp trừng phạt dầu mỏ ở Venezuela, nơi sản lượng đã giảm 1/3 trong hai năm qua, xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Ngoài ra, những lo ngại về việc Mỹ tiến hành trừng phạt Iran có thể hạn chế xuất khẩu dầu thô của nước này đã khiến giá giao dịch cao hơn trong những tuần gần đây.
Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dịu lại sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí hướng tới thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết.
Tuy nhiên, sản lượng gia tăng từ các nhà sản xuất chính OPEC và đá phiến của Mỹ có thể kết thúc xu hướng tăng giá này, BP BP.L Giám đốc điều hành Bob Dudley nói với Reuters. Dudley cho rằng sẽ có những trận mưa đá phiến từ Mỹ và khả năng các nước OPEC tăng sản xuất sau khi dầu thô tăng trên 80 USD/thùng vào tuần trước.
Dudley dự kiến giá dầu có thể sẽ giảm xuống còn 50 đến 65 USD do sản lượng đá phiến tăng cao và khả năng tăng sản lượng của OPEC nhằm bù đắp lại thiếu hụt nguồn cung cấp của Iran do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra.
Vàng chạm mức thấp nhất từ đầu năm tới nay
Giá vàng chạm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay trong ngày 21/05 sau khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ dịu bớt, khiến các nhà đầu tư nghiêng về chứng khoán và USD.
Thêm vào đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục theo đuổi lộ trình nâng lãi suất cũng tạo sức ép cho giá vàng. Giới chuyên gia dự báo nhiều khả năng Fed sẽ quyết định nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 tới.
Giá vàng giao ngay đã chạm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12 còn 1.281,76 USD/ ounce và giảm 0,03% xuống mức 1.291,1 USD/ounce lúc 17:34 GMT. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giao tháng 6 giảm 40 cent, tương đương 0,03%, còn mức 1.290,90 USD/ounce.
Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích kỹ thuật cao cấp của Kitco, cho rằng giá sẽ ổn định hoặc đi xuống do "xu hướng giá giảm". Tuần vừa qua, giá vàng giảm 2,2% và là mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 08/12/2017.
Trong khi đó, giá bạch kim tăng 1,9% lên 899,50 USD/ounce, sau khi đánh dấu mức thấp mới trong năm trong phiên giao dịch sáng là 873,50 USD.
Giá bạc tăng 0,4% lên 16,49 USD/ounce, trong khi giá palladium tăng 2,9% lên 990,72 USD.
Đồng chạm mức cao nhất hơn 1 tuần, giá nickel giảm
Giá đồng đã tăng lên mức cao hơn 1 tuần trong ngày 21/05/2018 do cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã dịu bớt bất chấp tác động của việc đồng USD tăng giá trong khi giá nicken chịu áp lực bởi giá kim loại mầu giảm tại Trung Quốc. Đồng bạc xanh đã lên mức cao nhất trong 5 tháng so với rổ tiền tệ, làm cho giá mua kim loại tính bằng USD đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London chốt phiên tăng 0,6% lên mức 6.895 USD/tấn, trong ngày giá đã chạm mức cao nhất trong một tuần là 6.923 USD/tấn.
Giá nickel giảm 0,7% chạm mức 14.650 USD/tấn, sau khi giá quặng sắt Đại Liên chạm mức thấp hai tuần sau khi có thông tin các nhà máy thép có thể trì hoãn việc mua nguyên liệu thô do nhu cầu không chắc chắn.
Quặng sắt chạm mức thấp nhất 2 tuần
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Sở giao dịch Đại Liên, Trung Quốc đã giảm 3% vào cuối phiên giao dịch, chạm mức thấp nhất 2 tuần qua do hoạt động bán có tính kỹ thuật và gia tăng lo ngại rằng các nhà máy thép tại nước sản xuất thép lớn nhất thế giới này có thể bị hoãn đơn đặt hàng do bấp bênh về nhu cầu tiêu thụ.
Sau khi giảm trong phiên thứ 4 liên tiếp, giá quặng sắt kỳ hạn giao dịch sôi động nhất tại sở giao dịch Đại Liên đã giảm 3,8% xuống còn 462 NDT (72,29 USD)/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 7/5.
Giá giảm bất chấp tồn kho quặng sắt tại các cảng Trung Quốc liên tục giảm, giảm 1,2 triệu tấn so với tuần trước xuống còn 157,56 triệu tấn, nhưng vẫn theo sát mức kỷ lục 162,8 triệu tấn hồi cuối tháng 3, theo Mysteel.
Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất thép tại các nhà máy thép đã tăng trở lại mức trước khi mùa nóng bắt đầu, khi lò cao đã đóng cửa một phần để giảm lượng khí thải hồi đầu tháng 11, đạt 70,17% trong tuần trước, theo Mysteel.
Trong khi đó, hoạt động giải dự trữ các sản phẩm thép đang chậm lại. Các kho dự trữ thép xây dựng giảm 6,9% trong tuần vừa qua xuống còn 6,07 triệu tấn.
Nhu cầu thép đang suy yếu trong khi nguồn cung đang tăng lên, triển vọng thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và chính sách môi trường, tình hình dư cung rất khó thay đổi, theo các nhà phân tích của Orient Futures.
Giá thép cây kỳ hạn tại Thượng Hải giảm 1,8% còn 3.589 NDT/tấn vào ngày 21.05.
Đường thô chạm mức cao nhất 5 tuần
Giá đường thô kỳ hạn tại sở giao dịch ICE đã tăng mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay nhờ hoạt động mua đầu cơ, đồng nội tệ Brazil vững giá. Thị trường đang theo dõi sát tình hình thời tiết ở Brazil, tình hình tiết khô hạn tại đây có thể khiến sản lượng thấp hơn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,44 cent, tương đương 3,8%, đạt mức 12,1 cent/lb, đạt mức cao nhất kể từ ngày 16/4 là 12,24 cent. Đây là phiên tăng điểm lớn nhất trong một ngày đối với hợp đồng giao ngay kể từ tháng 12 tới nay.
Giá đường trắng kỳ hạn tại Luân Đôn đã tăng lên mức cao nhất 4 tuần qua nhờ hoạt động mua đầu cơ và dấu hiệu cho thấy giá thế giới giảm có thể khiến cắt giảm sản xuất. Thái Lan mới đây đã tăng sử dụng mía để sản xuất ethanol. Ấn Độ cân nhắc thay đổi quy định cho phép các nhà máy sản xuất nhiều ethanol hơn mặc dù các thương gia cho rằng điều này sẽ gây thiếu hụt nguồn cung đường.
Cao su chạm mức cao nhất 4 tháng
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đã tăng 3,1% chốt phiên giao dịch ngày 21/05 do căng thẳng thương mại dịu bớt giữa Mỹ và Trung Quốc, USD mạnh hơn so với đồng yên. Trung Quốc nhất trí tăng cường mua hơn nữa hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, làm giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nước. Bắc Kinh và Washington đã thống nhất sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp mà theo đó Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn nông sản và năng lượng từ Mỹ để xóa dần chênh lệch thương mại gần 335 tỷ USD hàng năm giữa hai nước. USD đã leo lên mức cao mới 4 tháng trong ngày hôm qua sau thông báo này.
Giá cao su tại Tocom giao tháng 10 chốt phiên giao dịch tăng 6,1 yên lên mức 200 yên (1,80 USD)/kg sau khi chạm mức 200,6 yên phiên sáng, mức cao nhất kể từ ngày 29/1.Giá cao su kỳ hạn tháng 9 tại sở giao dịch Thượng Hải tăng 530 NDT lên mức 12.230 NDT (1.913 USD)/tấn sau khi tăng hơn 5% đầu phiên.Giá cao su trên sàn SICOM của Singapore giao tháng 6 chốt phiên ở mức 147,50 cent Mỹ/kg, tăng 4,6 cent.
Đậu tương giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng
Giá đậu tương kỳ hạn của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất ba tháng trong phiên giao dịch đầu tuần do căng thẳng thương mại dịu bớt giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cuối tuần qua, Trung Quốc nhất trí sẽ nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản từ Mỹ. Hợp đồng đậu tương giao dịch mạnh nhất trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, giao tháng 12, giảm 0,6% xuống 2.942 NDT(461,03 USD)/tấn, mức thấp nhất trong 3 tháng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 8h sáng ngày 22/5