Thị trường hàng hóa ngày 13/7: Giá dầu, kim loại, thép, đậu tương, cao su và bông tăng trở lại

Thứ năm - 12/07/2018 22:03
Sau một phiên giảm sâu vì lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, các thị trường hàng hóa và chứng khoán trên toàn cầu đồng loạt hồi phục. Kim loại và dầu mỏ dẫn đầu xu hướng này, trái với sự sụt giảm mạnh trong phiên trước.
Dầu Brent tăng sau báo cáo của IEA
Giá dầu Brent tăng trở lại khi thị trường chuyển hướng sang lo ngại về công suất sản xuất sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung bổ sung trên toàn cầu "có thể bị giới hạn" trong khi sản lượng giảm ở một số nước sản xuất.
Dầu Brent kết thúc phiên tăng 1,05 USD lên 74,45 USD/thùng, từ mức thấp 72,67 USD lúc đầu phiên; dầu thô Mỹ vẫn giảm thêm 5 US cent xuống 70,33 USD/thùng, sau khi đã mất 5% ở phiên trước.
IEA cảnh báo "Sản lượng tăng từ các nwcs vùng Vịnh và Nga, song đó là nhờ việc tăng công suất dự phòng của thế giới, và điều này sẽ chỉ có giới hạn". Nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung từ Venezuela đang tăng lên. Chuyên gia John Kilduff của hãng Again Capital Management cũng nhắc nhở rằng bất ổn về nguồn cung đang diễn ra, sau khi một số nước đã bị sụt giảm sản lượng trong mấy tuần gần đây, bao gồm Venezuela, Nauy, Canada và Libya. Theo ông Kilduff, "đang có "lỗ hổng" về nguồn cung, điều này hỗ trợ giá dầu và có thể tình hình sẽ còn tiếp diễn", trong bối cảnh Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Chuyên gia phân tích cấp cao Brian LaRose của ICAP-TA dự đoán giá dầu Brent có thể trở lại mức trên 80 USD/thùng vào cuối năm nay, và nếu giá loại dầu này giảm xuống dưới 70 USD/thùng thì khả năng quá trình hồi phục sẽ còn diễn ra nhanh hơn.
Vàng, bạch kim và palađi tăng ngược chiều với USD, bạc giảm
Giá vàng cũng đảo chiều tăng sau khi USD giảm khỏi mức cao kỷ lục 6 tháng so với yen Nhật mặc dù căng thẳng Mỹ - Trung leo thang vẫn kiềm chế xu hướng tăng.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.247,07 USD/ounce, trong khi vàng Mỹ giao tháng 8 tăn 2,2 USD tương đương 0,2% lên 1.246,60 USD/ounce.
Các nhà đầu tư vẫn hướng sự chú ý vào xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Về lý thuyết, họ sẽ tập trung vào những tài sản an toàn như vàng trong bối cảnh này, nhưng thực tế gần đây lại không như vậy. Mặc dù số liệu chính thức cho thấy lạm phát Mỹ không tăng nhiều, nhưng nhìn chung xu hướng tăng lãi suất của Mỹ sẽ vẫn tiếp diễn, và đây chính là yếu tố hỗ trợ USD tăng nhưng lại bất lợi cho vàng. Giám đốc phụ trách thị trường thế giới của TIAA Bank, Chris Gaffney nhận định: "Các yếu tố kỹ thuật không có lợi cho vàng, tôi vẫn cho rằng kim loại này sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm".
Trong số các kim loại quý, giá bạch kim và palađi cũng tăng, thêm lần lượt 1,5% đạt 837,25 USD/ounce và 1,2% lên 949,10 USD/ounce, song bạc giảm tiếp 1,4% xuống 15,97 UISD/ounce.
Kim loại cơ bản chuyển hướng tăng, dẫn đầu là nickel và đồng
Nickel hồi phục trong phiên vừa qua do hoạt động mua mạnh, trở thành mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong nhóm kim loại cơ bản. Trên sàn London, nickel tăng 3,8% lên 14.410 USD/tấn, cao nhất trong vòng một tuần. Đồng cũng tăng giá thêm 1,3% lên 6.227,50 USD/tấn, mặc dù xu hướng hồi phục bị kiềm chế bởi khả năng nguồn cung sẽ tăng lên sau khi Indonesia vừa đạt được thỏa thuận với Freeport-McMoRan Inc và Rio Tinto về việc mua thêm cổ phần để có quyền trong nhóm kiểm soát mỏ đồng lớn thứ 2 thế giới, Grasberg.
Tuy nhiên, lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục bao trùm thị trường kim loại, do đó giá nhôm vẫn giảm tiếp (giảm 0,9% xuống 2.042 USD/tấn) trong khi chì, kẽm và thiếc chỉ tăng nhẹ (lần lượt tăng 0,7%, 0,7% và 1,3% lên 2.215 USD/tấn, 2.581 USD/tấn và 19.630 USD/tấn).
Thép cao nhất 10 tháng
Giá thép tại Trung Quốc tiếp tục tăng do lo ngại nguồn cung có thể khan hiếm vì Chính phủ nước này tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Thép cây kỳ hạn giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua có lúc tăng 3,1% lên 3.990 NDT (599 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 9/2017; và kết thúc phiên vẫn tăng 2,7% so với phiên trước lên 3.967 NDT/tấn. Thép giao ngay cũng tăng 0,3% lên 4.320,36 NDT/tấn.
Sản lượng thép thô hàng ngày tại các công ty lớn trong giai đoạn 21-30/6/2018 đạt 1,96 triệu tấn, giảm 1,8% so với giữa tháng 6/2018; tồn trữ thép tại các nhà máy cùng giai đoạn cũng giảm 24.700 tấn xuống 11,42 triệu tấn, theo số liệu của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc.
Đậu tương hồi phục mong manh
Giá đậu tương hồi phục trở lại vào lúc cuối phiên mặc dù đầu phiên vẫn tiếp tục giảm, kết thúc ngày tăng 3,4 US cent lên 8,33-3/4 USD/bushel (hợp đồng giao tháng 8/2018) và tăng 0,1 USD lên 8,49-1/4 USD/bushel. Tuy nhiên, dự báo thị trường này sẽ còn tiếp tục biến động mạnh trong những ngày tới. Trung Quốc mới đây đã hạ dự báo về nhập khẩu đậu tương niên vụ 2018/19, giảm 1,8 triệu tấn xuống 93,85 triệu tấn, đồng thời cảnh báo giá tăng do xung đột với Mỹ có thể kìm hãm nhu cầu vì nông dân chuyển hướng sang sử dụng các nguyên liệu khác thay thế đậu tương trong thành phần thức ăn chăn nuôi.
Cao su hồi phục nhẹ
Mặc dù vẫn lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung song giá cao su trên 2 sàn Tokyo và Thượng Hải đã hồi phục nhẹ trong phiên vừa qua theo xu hướng hồi phục chung trên thị trường chứng khoán và hàng hóa thế giới.
Cao su giao tháng 12 tại Tokyo tăng 0,6 JPY lên 172,6 JPY (1,54 USD)kg; cao su giao tháng 9 trên sàn Thượng Hải tăng 60 NDT lên 10.355 NDT (1.554 USD)/tấn. Cao su RSS3 Thái Lan hiện có giá 1,51 USD/kg, trong khi loại SMR20 Malaysia giá 1,31 USD/kg.
Chè tăng do nhu cầu mạnh
Giá chè tại Bangladesh tăng trong phiên đấu giá tuần này do nhu cầu mạnh đối với chè lá chất lượng cao mặc dù khối lượng chào bán tăng lên. Tại thành phố cảng Chittagong, giá tuần này trung bình ở mức 257,73 taka (2,7 USD)/kg, so với 251,20 taka của phiên trước.
Sản lượng chè Bangladesh năm 2017 đã giảm xuống mức gần 79 triệu kg, từ mức cao kỷ lục 85 triệu kg của năm trước do mưa quá nhiều. Từ nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nước Nam Á này hiện trở thành nhà nhập khẩu ròng mặt hàng này bởi tiêu thụ nội địa tăng theo xu hướng tăng trưởng kinh tế.
Bông tăng, kỳ vọng vào nhu cầu của Trung Quốc
Giá bông tăng sau khi Mỹ hạ dự báo về triển vọng sản lượng bông Mỹ và thế giới, trong khi nâng dự báo về tiêu thụ bông toàn cầu. Hợp đồng bông giao tháng 12/2018 tăng 4 US cent lên 88,54 US cent/lb, quanh mức cao nhất 3 tuần. USDA hạ dự báo sản lượng bông Mỹ niên vụ 2018/19 xuống 18,50 triệu kiện (1 kiện = 480 lb) từ mức 19,50 triệu kiện dự báo trước đây, dự trữ cuối vụ cũng được điều chỉnh giảm 700.000 kiện xuống 4 triệu kiện. Đồng thời, dự báo về sản lượng bông thế giới bị điều chỉnh giảm 290.000 kiện xuống 120,11 triệu kiện, trong khi về tiêu thụ bông toàn cầu tăng thêm 1,6 triệu kiện lên 126,95 triệu kiện sau khi xem xét điều chỉnh mức tiêu thụ của Trung Quốc- nước tiêu thụ sợi thiên nhiên hàng đầu thế giới – và cho rằng nhập khẩu vào thị trường này chắc chắn sẽ tăng lên.
Gạo có thể đảo chiều tăng sau khi Philippines thông báo muốn mua thêm 500.000 tấn
Cơ quan Lương thực Philippines vừa thông báo sẽ thông qua kế hoạch nhập khẩu bổ sung 500.000 tấn gạo trong năm nay để đảm đảo đủ cung và ổn định giá, sau khid đã thông qua mua 1,3 triệu tấn từ đầu năm tới nay. Thông tin này có thể sẽ giúp thị trường lúa gạo châu Á sôi động trở lại.
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á tuần này có xu hướng giảm bởi nhu cầu yếu đi trong khi đang mùa thu hoạch nên nguồn cung tăng lên. Đối với loại 5% tấm, gạo Ấn Độ vẫn duy trì ở mức thấp nhất 14 tháng (388 – 392 USD/tấn) vì vắng bóng các khách hàng Bangladesh và Sri Lanka trong khi khách hàng châu Phi chỉ mua ít; gạo Thái Lan ở mức 378-395 USD/tấn (so với 385-388 USD/tấn cách đây một tuần). Tiền tệ của cả 2 nước này giảm cũng góp phần làm giảm giá hàng hóa xuất khẩu, trong đó có gạo. 
Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ 425 – 430 USD/tấn xuống 405-420 USD/tấn. Thái Lan và Việt Nam đang thu hoạch lúa nên nguồn cung tăng dần. 
Xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 6/2018 giảm 29,6% so với tháng 5, xuống 537.948 tấn; tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu vẫn tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,48 triệu tấn. Hiện giá gạo Ấn Độ đang rẻ hơn so với gạo Việt Nam, nhưng sau động thái Chính phủ nước này tăng 13% giá thu mua lúa của dân so với năm ngoái, dự kiến từ tháng 10 tới giá gạo Ấn sẽ đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Cà phê ít người mua bán
Thị trường cà phê châu Á tuần này vắng vẻ do giá thấp không đủ hấp dẫn người bán và Indonesia vừa trải qua kỳ nghỉ dài ngày và các cuộc bầu cử cấp khu vực. Các thương gia cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa ảnh hưởng tới thị trường cà phê.
Tại Tây Nguyên, cà phê nhân xô hiện giá 37.9000 đồng (1,50 – 1,61 USD)/kg, so với 35.000 – 35.000 đồng cách đây một tuần; robusta loại 2 (5% đen và vỡ) giá thấp hơn 80 – 100 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tại London (so với 70-90 USD/tấn cách đây một tuần). Vụ thu hoạch tại Việt Nam đã kết thúc và lượng tồn trữ trong dân không còn nhiều. Tại Indonesia, robusta loại 4 (80 hạt lỗi) giá cao hơn 120 USD/tấn so với hợp đồng giao tháng 9 tại London.
Tại phương Tây, kết thúc phiên vừa qua, giá robusta giao tháng 9/2018 tăng 9 USD tương đương 0,5% lên 1.681 USD/tấn, trong khi arabica giao cùng kỳ hạn giảm 0,5 US cent tương đương 0,5% xuống 1,1155 USD/lb.
Đường giảm sau dự báo của USDA
Đường giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi do hoạt động bán tháo mạnh mẽ. Đường thô giao tháng 10/2018 giảm 0,21 US cent tương đương 1,9% xuống 11,08 US cent/lb, trong khi đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 2,30 USD tương đương 0,7% xuống 329 USD/tấn.
Mặc dù thời tiết ở Brazil bị khô hạn có thể ảnh hưởng tới sản lượng mía nước này, nhưng thị trường lại đang chú ý hơn tới thông tin thế giới dư cung đường. USDA vừa công bố báo cáo tháng 7/2018, trong đó dự báo tỷ lệ dự trữ-sử dụng đường sẽ ở mức 13,5, tăng so với 11,5 đưa ra cách đây một tháng mặc dù thấp hơn mức 15 của năm marketing trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h30 sáng ngày 13/7
 
photo 1 1531445370412704278661
 

Tác giả: Lê Bích-TTKC

Nguồn tin: Theo Cafef:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Hoi dap
Idesk
Email
Chuyen doi so
ISO
LICH TIEP CONG DAN
Code Buy Transfer Sell
AUD 16,132.31 16,295.26 16,818.06
CAD 18,084.86 18,267.53 18,853.61
CNY 3,428.68 3,463.32 3,574.97
EUR 26,509.78 26,777.56 27,963.40
GBP 30,937.15 31,249.64 32,252.22
HKD 3,157.93 3,189.82 3,292.16
JPY 158.10 159.69 167.33
SGD 18,188.62 18,372.35 18,961.78
USD 25,137.00 25,167.00 25,477.00
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây