Sở Công Thương Đắk Lắkhttps://socongthuong.daklak.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ năm - 06/10/2022 00:23
Có thể khẳng định rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có sự chuyển biến tích cực, thể hiện rõ qua sự chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy, Lãnh đạo Sở và công tác phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể trong toàn ngành Công Thương Đắk Lắk. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu gương; chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, nhằm phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực; đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống kết hợp biện pháp hành chính để nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được cấp ủy các chi bộ, người đứng đầu đơn vị đưa vào các cuộc họp, sinh hoạt thường kỳ gắn với việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, trong thời gian qua trong toàn ngành công thương chưa xảy ra trường hợp nào vi phạm phải thi hành kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Để đạt được những kết quả đó, hằng năm Sở Công Thương Đắk Lắk và các đơn vị trực thuộc đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đúng theo quy định, đầy đủ và kịp thời theo thẩm quyền để chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc và trưởng các phòng chuyên môn ngày càng nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị mình, từ đó từng bước kiểm soát tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Trong công tác chỉ đạo và điều hành, Lãnh đạo Sở chỉ đạo cho Thanh tra Sở, các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc thường xuyên cập nhật, rà soát các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo đúng quy định; thường xuyên tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cho công chức, viên chức gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các hội nghị giao ban, sinh hoạt chi bộ, tại các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, qua hệ thống quản lý văn bản (iDesk), công chức, viên chức thường xuyên viết bài tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của Sở, triển khai và tham gia cuộc thi “tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” do Thanh tra Chính phủ phát động… với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn ngành công thương.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ủy và Lãnh đạo Sở đã cụ thể hóa các giải pháp về phòng, chống tham nhũng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa như: thường xuyên công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị; ban hành và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong chi tiêu nội bộ; thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp; công khai minh bạch trong việc kê khai tài sản, thu nhập của công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện cơ chế “một cửa” và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC cho người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022 bộ phận tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Sở đã tham mưu ban hành 29 văn bản để chỉ đạo, điều hành về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn ngành. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến toàn thể công chức, viên chức; đã tổ chức 02 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 115 lượt công chức, viên chức tham gia, trong đó có lồng ghép phổ biến về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện báo cáo tổng kết “Bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2020, năm 2021”; Tổng kết thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”; Báo cáo 05 năm, 10 năm về tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng đầy đủ và kịp thời, đã triển khai 02 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với 02 lượt đơn vị trực thuộc Sở và đã ban hành 02 kết luận, qua đó đã yêu cầu các đơn vị khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn các mặt hạn chế như: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến toàn thể công chức, viên chức tuy đã được quan tâm, nhưng nội dung và cách thức triển khai đôi lúc chưa thường xuyên; một số ít công chức, viên chức nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế; trong thời gian qua do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chưa tổ chức được nhiều lớp phổ biến tuyên truyền pháp luật theo kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tập trung nhiều người.
Từ thực tiễn tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian đến ngành Công Thương Đắk Lắk cần tăng cường thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy chế dân chủ, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, làm tốt công tác phối hợp giữa cấp Ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan đơn vị./